Tiếc nuối hiện tại, kỳ vọng tương lai
Đội tuyển U.17 Việt Nam cách tấm vé dự U.17 World Cup 2025 đúng 10 phút. Đáng tiếc, thầy trò huấn luyện viên (HLV) Cristiano Roland để tuột cơ hội vàng.
Đan xen cảm xúc
Bảng B vòng chung kết Giải bóng đá U.17 châu Á 2025 đã khép lại một cách đầy lạ kỳ. Đương kim vô địch U.17 Nhật Bản từ chỗ có nguy cơ bị loại, song cuối cùng đứng nhất bảng chung cuộc. U.17 Việt Nam-đội duy nhất không thua tại bảng B lại xếp cuối. Cay đắng hơn, trước thời điểm màn so tài với U.17 Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khép lại đúng 10 phút, thầy trò HLV Cristiano Roland đang đứng nhất bảng và rộng cửa dự vòng chung kết U.17 World Cup 2025.
Mọi thứ diễn ra quá đột ngột với những đội tuyển tại bảng B, bao gồm U.17 Việt Nam. Cụm từ “giá như” đã được nhắc đến rất nhiều sau khi Duy Khang cùng đồng đội hụt hơi ở ngưỡng cửa thế giới. Đó có thể xem là sự tiếc nuối vô bờ sau nỗ lực đáng khen của U.17 Việt Nam tại giải đấu ở Saudi Arabia.

Một pha bóng trong trận U.17 Việt Nam gặp U.17 UAE. Ảnh: VFF
Dẫu sao, nhìn lại hành trình 3 trận đấu đã qua của U.17 Việt Nam, giới chuyên môn và người hâm mộ có lý do để mừng hơn là tiếc. “Trong phòng thay đồ, tôi nói với các cầu thủ rằng hãy ngẩng cao đầu. Điều quan trọng nhất ở độ tuổi này là tích lũy kinh nghiệm và giữ vững ý chí. Chúng ta vẫn còn cả chặng đường dài phía trước. Hành trình này mới chỉ bắt đầu”, HLV Cristiano Roland cho biết đã động viên các học trò như vậy.
“Bóng đá luôn có những diễn biến bất ngờ ở phút cuối. Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho trận đấu quan trọng này. Các cầu thủ đã thi đấu với tất cả sức lực và tinh thần đoàn kết. Dù không thể đi tiếp, tôi vẫn rất tự hào với màn trình diễn của toàn đội. Các cầu thủ không chỉ trưởng thành về chuyên môn mà còn nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn cho sự nghiệp. Họ chính là tương lai của bóng đá Việt Nam”, HLV Cristiano Roland chia sẻ.
Nhìn màn trình diễn của U.17 Việt Nam trước Nhật Bản, Australia và UAE, dù vẫn còn mộc mạc ở kỹ-chiến thuật, phân bổ thể lực chưa khôn ngoan, song ý thức kỷ luật và việc tuân thủ đấu pháp của các cầu thủ trẻ đã được thể hiện rõ rệt. Trước Nhật Bản và Australia, sự chỉn chu trong phòng ngự, tập trung ngăn cản đối phương đã được Việt Anh, Hồng Quang cùng các đồng đội thể hiện một cách vững vàng.
Những tình huống phản công hiếm hoi đã được Văn Bách, Duy Khang, Gia Bảo... đảm đương tốt để mang về những kết quả hòa quý giá. Trước U.17 UAE, trong bối cảnh phải tấn công để chiến thắng, U.17 Việt Nam cũng đã thể hiện rất tốt, đặc biệt trong hiệp 1. Điều đó cho thấy một tập thể có sự đa dạng và tiềm năng về chuyên môn, đủ sức để phát huy thêm nữa trong tương lai gần.
Bài học từ Indonesia
U.17 Việt Nam dang dở với vé dự World Cup 2025. Nhưng với những gì đã thể hiện, các học trò của HLV Cristiano Roland có thể tin tưởng dự World Cup trong giai đoạn kế tiếp. Với những thay đổi mang tính cách mạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), U.17 World Cup sẽ được tổ chức liên tục từ năm 2025 đến năm 2029. Nhờ đó, một cánh cửa tuy khép lại song nhiều cánh cửa khác vẫn chờ U.17 Việt Nam hướng tới. Quan trọng là các cầu thủ sẽ tận dụng giai đoạn vàng này như thế nào để hiện thực hóa mục tiêu ít nhất dự một kỳ World Cup ở lứa tuổi thiếu niên.
Bức tranh bóng đá Việt Nam cho thấy, các cầu thủ U.17 mới chỉ được chơi tối đa từ 20 đến 25 trận/năm, nếu họ dự giải U.15, U.17 và U.19 quốc gia. Cá biệt một vài trường hợp có thể thỉnh thoảng hiện diện tại V-League, trong đó có Gia Bảo của Hoàng Anh Gia Lai là ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, con số này chưa thể đáp ứng mức lý tưởng mà một lực lượng trẻ cần được trải qua để thể hiện bản thân và phát triển. Hình ảnh U.17 Indonesia toàn thắng 3 trận ở vòng bảng để có lần thứ hai dự U.17 World Cup là tấm gương để bóng đá Việt Nam học hỏi.
Khác với công thức đang diễn ra ở U.23 và đội tuyển quốc gia Indonesia, đội U.17 Indonesia ưu tiên tối đa lực lượng được rèn luyện ở trong nước. Đáng chú ý, họ trưởng thành từ một hệ thống đào tạo trẻ bài bản của bóng đá Indonesia. Có ít nhất 2 đến 3 giải đấu từ cấp bán chuyên đến chuyên nghiệp dành cho lứa U.17 nói riêng và nhóm cầu thủ thiếu niên (từ 13 đến 19 tuổi) tại Indonesia nói chung. Nếu như Soeratin Cup có giá trị tương đương như Hội khỏe Phù Đổng của Việt Nam thì hai giải đấu U.17 Quốc gia và Elite Pro Academy đóng vai trò “xương sống”.
Giải U.17 Quốc gia Indonesia có khuôn mẫu với U.17 Quốc gia Việt Nam. Giải sẽ tập hợp nhiều đội trẻ thuộc các câu lạc bộ chuyên nghiệp đến từ giải vô địch quốc gia, hạng Nhất Indonesia cũng như các học viện bóng đá nổi bật. Trong đó, vòng loại khu vực được tổ chức theo từng tỉnh, thành phố hoặc khu vực. Các đội mạnh nhất ở vòng loại sẽ tiến vào vòng chung kết toàn quốc.
Elite Pro Academy đóng vai trò chủ lực cho phát triển bóng đá trẻ theo hướng chuyên nghiệp tại Indonesia. Bắt đầu từ năm 2018, ý tưởng xây dựng một giải đấu trẻ mang tính chuyên dành riêng cho các cầu thủ 13-19 tuổi của Indonesia đã đi vào hiện thực. Giải đấu này được tổ chức theo thể thức mùa bóng, áp dụng cả VAR (công nghệ video hỗ trợ trọng tài) vào những trận đấu có tính quan trọng.
Nhờ 3 hệ thống giải từ bán chuyên đến chuyên nghiệp, trung bình một cầu thủ từ 19 tuổi trở xuống có thể chơi 30-40 trận đấu trong một năm. Đây là con số lý tưởng trong việc phát triển đối với tài năng trẻ bóng đá.
Cuối cùng, tiếc nuối cũng chỉ là chuyện quá khứ. Kỳ vọng là điều mà ta hướng đến tương lai. Nhưng nắm bắt cơ hội như thế nào để đạt được kỳ vọng là bài toán mà bóng đá Việt Nam phải đi tìm lời giải, song trước hết cần nhìn tấm gương của “hàng xóm” để học hỏi, từ đó vạch ra chiến lược bài bản hướng tới U.17 World Cup những kỳ tới đây.