Tiếc cho Hoài Linh

Nỗ lực của Hoài Linh với vai diễn đạo tì trong 'Làm giàu với ma' là điều có thể nhìn thấy. Song, cái anh thiếu là một kịch bản chắc tay và thuyết phục hơn để tỏa sáng.

* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Làm giàu với ma ra rạp từ 29/8. Tác phẩm do Nguyễn Nhật Trung cầm trịch, gây chú ý khi quy tụ những gương mặt có tiếng như “nam chính nghìn tỷ” Tuấn Trần, Diệp Bảo Ngọc và không thể không nhắc tới Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh - ông hoàng phòng vé Việt một thời.

Sau khoảng thời gian ở ẩn vì ồn ào đời tư, đây là lần hiếm hoi Hoài Linh nhận lời đóng điện ảnh, sau vai diễn khách mời trong Mến gái miền Tây (2022) không mấy thành công. Anh tâm sự cảm giác lần trở lại này như “ăn cháo trong thời gian dài rồi trở lại ăn cơm, sẽ thấy ngon”.

Chia sẻ về quá trình ghi hình, Hoài Linh cho biết gặp không ít khó khăn, thậm chí có lúc cảm thấy bực dọc vì đạo diễn bắt quay lại nhiều lần. Song, nam diễn viên tự tin có kinh nghiệm nhập vai. “Bởi từ hồi 14 - 15 tuổi, tôi đã phụ người ta đi khâm liệm”, Hoài Linh kể.

Cố gắng của Hoài Linh là không thể phủ nhận

Làm giàu với ma thuộc thể loại gia đình, đan cài chất liệu hài/kinh dị. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống hai cha con ông Đạo và Lanh (Tuấn Trần). Lanh dần sa chân vào những trò đỏ đen, khiến cha không khỏi phiền lòng. Một lần tình cờ, anh thấy được linh hồn ma nữ (Diệp Bảo Ngọc). Cả hai lập giao kèo: cô giúp anh thắng cá độ, anh giúp cô tìm lại đứa con.

Song theo luật người âm, Lanh càng kiếm được nhiều tiền, ông Đạo càng chịu nhiều họa. Đây chính là nút thắt quan trọng trong tác phẩm, đặt nhân vật chính vào giữa những ranh giới đạo đức.

 Hoài Linh trong tạo hình ông Đạo.

Hoài Linh trong tạo hình ông Đạo.

Nhân vật ông Đạo có thể nói là vai diễn “khác biệt” nhất trên màn ảnh rộng của Hoài Linh. Trước đó, anh thường xuyên đảm nhiệm những vai hài, mang tiếng cười tới thượng đế màn bạc. Thành công của phần lớn tác phẩm anh đóng, từ những Hello cô Ba, Nhà có 5 nàng tiên hay Tía tui là cao thủ... chủ yếu tới từ mảng miếng giải trí, hợp thị hiếu người xem cách đây khoảng một thập kỷ, song tới nay đã chẳng còn được ưa chuộng.

Vậy nên, với vai diễn thiên về bi như người đạo tì trong Làm giàu với ma, Hoài Linh phải nỗ lực vượt qua việc định hình nhiều năm là nghệ sĩ hài, làm mới mình trong mắt khán giả. “Trước đây, mọi người thường xem tôi diễn hài nhiều hơn. Đây là lần hiếm hoi tôi diễn vai bi, nên phải thay đổi”, anh tâm sự với Tri Thức - Znews.

Thực tế, màn thể hiện của Hoài Linh tương đối tròn vai. Phần lớn thời lượng phim, nhân vật anh hóa thân thường xuyên chìm trong nỗi buồn, đặc biệt kể từ khi phát hiện con trai ham mê đá gà, bị dân giang hồ siết nợ. Nỗi khắc khổ của nhân vật thể hiện ngay từ tạo hình nhân vật. Ông Đạo đã luống tuổi, râu tóc điểm sợi bạc, làn da nâu sạm vì nắng gió, với những vết chân chim hằn sâu nơi khóe mắt làm toát lên vẻ lam lũ.

Hoài Linh cũng cho thấy sự nghiêm túc nhất định trong diễn xuất điện ảnh. Anh có sự tiết chế trong cách nhấn nhá, nhả thoại không còn đậm chất kịch nói, cách biểu đạt nội tâm nhân vật cũng có phần sắc nét hơn. Không còn những màn lên gân, làm lố, nỗi muộn phiền hay cơn tức giận của nhân vật được thể hiện tinh tế hơn khi lấy hình ảnh làm ngôn ngữ biểu đạt chủ đạo.

Ví như khi ông Đạo hay tin Lanh vì chạy trốn mà phải nhảy cầu, bèn tất tả chạy đi tìm con. Chứng kiến Lanh dùng kim tiêm, nghĩ con bị nghiện, ông sững người, chỉ đứng nhìn con trai không thốt nên lời. Chẳng cần lời thoại, người xem vẫn nếm trải được cú sốc, sự thất vọng và bất lực trong ánh mắt chất đầy tâm sự của nhân vật khi ấy.

 Khoảnh khắc "chữa lành" hiếm hoi của ông Đạo và con.

Khoảnh khắc "chữa lành" hiếm hoi của ông Đạo và con.

Nhân vật còn nhiều hạn chế

Tình cảm gia đình vẫn là chủ đề chính trong Làm giàu với ma. Bộ phim của Nguyễn Nhật Trung sắp đặt nhiều mâu thuẫn, khúc mắc giữa hai cha con ông Đạo, để rồi sau đó đột ngột hóa giải mọi hiểu lầm bằng một tình huống/phát hiện “tình cờ”, hòng tạo ép phê cảm xúc mãnh liệt với người xem.

Lối kể chuyện này thực tế không mới. Bản chất mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa ông Đạo và Lanh cũng không đủ sâu sắc để kể xuyên suốt thời lượng 118 phút của bộ phim.

Nổi khổ của nhân vật được biên kịch khắc họa theo lối “bị cái nghèo đeo bám không dứt”. Hai cha con sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, đồ đạc lỉnh kỉnh, cũ nát. Lanh không có công việc cụ thể, trong khi ông Đạo đi khiêng quan tài, cái nghề không đem lại cho ông cuộc sống dư giả. Ông Đạo đi làm xa có Lanh đưa đón, nếu gần nhà có thể tự cuốc bộ. Cái cực nhọc của nghề đạo tì hiện lên thoáng qua trong cảnh đoàn người khiêng chiếc quan tài nặng, hay ông Đạo vô tình giẫm phải đinh trong lúc làm việc...

Khi Lanh bị siết nợ, ông Đạo không tránh khỏi việc bị liên lụy. Hai cha con nhiều phen bị đánh lên bờ xuống ruộng, hay ông Đạo không ít lần lãnh hậu quả khi con kiếm được tiền theo luật cõi âm, nhưng chỉ cần băng bó sơ qua, hay trong một cú chuyển cảnh, đã trở lại bình thường... Những “lỗ hổng” như vậy vô tình khiến sự thương cảm của người xem dành cho nhân vật giảm đi đáng kể.

 Hoài Linh có sự cải thiện diễn xuất, nhưng nhân vật chưa hoàn hảo.

Hoài Linh có sự cải thiện diễn xuất, nhưng nhân vật chưa hoàn hảo.

Cao trào phim được đẩy lên sau mỗi lần ông Đạo phát hiện bí mật mới của Lanh. Ban đầu, ông còn chẳng hay biết mà tự tin “giới thiệu” con trai ngoan với bạn nhậu. Sau đó, nhân vật dần phát hiện con ham mê cờ bạc, hết lần này tới lần khác, khiến khoản nợ chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Cho tới khi chứng kiến Lanh tiêm chích tại bờ sông, ông Đạo nghĩ rằng anh “bị nghiện”. Sau lần ấy, căng thẳng giữa hai cha con bị đẩy lên đỉnh điểm.

Hoài Linh có rất nhiều cố gắng, song điều anh chưa thực sự thể hiện tốt là chuyển biến tâm lý nhân vật qua mỗi bước ngoặt của câu chuyện. Thiếu những điểm nối cảm xúc được xây dựng lũy tiến, bùng nổ ở cao trào phim hồi 2 phim kém hiệu quả. Diễn xuất của Hoài Linh chưa thực sự đắt giá, thể hiện rõ trong cú máy close-up khi hai cha con ngồi đối diện, im lặng nhìn nhau trong căn nhà.

Nếu trước đó anh tái hiện thành công sự thất vọng và bất lực, thì sang đến cảnh này, người xem lại chưa thấy rõ những chuyển biến tâm lý mạnh mẽ của nhân vật, khi bị đẩy tới ranh giới của niềm tin và sự kiên nhẫn với con. Ánh mắt ông Đạo khi đó có sự giận dữ, ức chế, nhưng thiếu đi một chút ngỡ ngàng, tuyệt vọng mà dư thừa sự hằn học, ghét bỏ.

Cũng vì điều đó mà chemistry giữa vai diễn của Hoài Linh và Tuấn Trần không bùng nổ như mong đợi. Cuối phim, biên kịch mạnh tay "hạ đòn chốt" bằng bi kịch mang tính phô trương. Chẳng có ai giúp đỡ, cũng không có phương tiện, ông Đạo vừa cõng con trong mưa tới bệnh viện, vừa giàn giụa nước mắt, hối hận vì những hiểu lầm.

Song cách dàn dựng của đạo diễn chưa đủ khéo, vô tình tạo nên cảm giác sắp đặt, chưa thể khiến người xem đồng cảm với nhân vật.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/tiec-cho-hoai-linh-post1495502.html
Zalo