Tích hợp ESG vào chiến lược phát triển ngành tài chính tiêu dùng
Tích hợp các nguyên tắc ESG vào chiến lược cốt lõi và hoạt động của doanh nghiệp tài chính tiêu dùng là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Vấn đề đặt ra là làm sao để đưa ESG vào văn hóa doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu cách một công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu đã thực hiện để triển khai chiến lược bền vững.
Trong tập đầu tiên của mùa 2 chương trình Greennovate, được thực hiện bởi Vietsuccess, ông Jakub Kudrna - Giám đốc chiến lược kinh doanh, kiêm Chủ tịch Ban chỉ đạo ESG tại Home Credit Việt Nam, đã có những nhận định về hướng đi bền vững cho doanh nghiệp tài chính tiêu dùng.
Chiến lược ESG trong ngành tài chính tiêu dùng
Theo ông Jakub, nếu doanh nghiệp thành công về mặt tài chính, họ có thể đầu tư hiệu quả hơn vào các sáng kiến ESG và khi tất cả các yếu tố ESG vận hành hài hòa, doanh nghiệp không chỉ thành công về mặt tài chính mà còn tạo ra tác động tích cực đến xã hội, nhân viên và môi trường.
Một chiến lược ESG thành công đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa nhiều yếu tố. Ông Jakub đã chỉ ra các yếu tố của hệ sinh thái này như sau:
1. Yếu tố môi trường: Mặc dù chiến lược ESG của Home Credit có thể tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh xã hội (S) và quản trị (G), nhưng nhưng khi nói đến yếu tố môi trường (E), ông Jakub cảm thấy rằng: “Bảo vệ môi trường là điều hiển nhiên mà một doanh nghiệp phải làm”.
Home Credit xem đây là nền tảng của chính sách, vì vậy doanh nghiệp triển khai một số chỉ số được báo cáo trong báo cáo phát triển bền vững hàng năm, như năng lượng tiêu thụ, lượng khí thải carbon, cũng như cách thức nhân viên đi lại đến và từ nơi làm việc.
Ngoài ra, thông qua việc dịch chuyển khách hàng sang không gian số, công ty tiết kiệm được 84 triệu tờ giấy, tương đương khoảng 420 tấn giấy chỉ trong năm ngoái.
2. Yếu tố xã hội: Phát triển bền vững không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn phải lấy con người làm trọng tâm, ưu tiên cải thiện phúc lợi và môi trường làm việc cho nhân viên, tạo động lực phát triển sự nghiệp cho họ.
Song song đó, Home Credit cũng chú trọng mang đến giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng cải thiện cuộc sống, đặc biệt là những người chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cộng đồng và giảm thiểu bất bình đẳng.
3. Yếu tố quản trị: Đối với Home Credit, quản trị rủi ro và minh bạch là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, dữ liệu và bảo mật cũng rất quan trọng để bảo vệ thông tin khách hàng, tạo niềm tin để khách hàng an tâm sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.
ESG là một phần không thể tách rời của chiến lược kinh doanh
Home Credit không coi việc thực hiện chiến lược ESG là một sự đánh đổi. Thay vào đó, ESG được hòa quyện vào chiến lược phát triển tổng thể, cùng phát triển song song với các thế mạnh cốt lõi của công ty. Điều này có nghĩa rằng, ESG không chỉ là một mục tiêu phụ, mà chính là một phần không thể tách rời của chiến lược kinh doanh.
Khi thực thi ESG như một chiến lược, doanh nghiệp không cần lựa chọn giữa lợi nhuận và phát triển bền vững, vì lý tưởng nhất là cả hai sẽ bổ trợ lẫn nhau. Phát triển bền vững giúp tăng cường niềm tin của khách hàng, thu hút nhân tài và tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn, từ đó thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
Theo ông Jakub, cách đơn giản nhất để kết hợp ESG vào chiến lược của Home Credit và tạo ra những tác động bền vững là tiếp tục phát triển thế mạnh cốt lõi của doanh nghiệp như cải thiện hệ thống quản lý rủi ro, phát triển sản phẩm tài chính mới và nâng cấp ứng dụng di động.
Để đo lường những tác động dài hạn của chiến lược ESG đối với lợi nhuận, vị thế thị trường và mục tiêu kinh doanh, ông Jakub cho rằng ngoài các chỉ số về tỷ suất hoàn vốn, doanh nghiệp cần phải nắm rõ cách phát triển bộ máy quản trị rủi ro. Trong đó, yếu tố cần được chú trọng là tỷ lệ giữa biên lợi nhuận và chi phí rủi ro.
Hàng năm, Home Credit cũng tiến hành thu thập ý kiến từ nhân viên, nhằm đánh giá mức độ tự hào của họ đối với công ty cũng như những giá trị ESG mà doanh nghiệp đang thực hiện. Với Jakub, phản hồi từ những người trực tiếp tham gia vào hoạt động hàng ngày của công ty phản ánh chính xác và thực tế hơn những lý thuyết khô khan về ESG.
Bên cạnh đó, lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thực hiện chiến lược ESG và truyền cảm hứng để nhân sự cùng tham gia. Người lãnh đạo cần xây dựng một văn hóa ESG, nơi hành động và sức ảnh hưởng được đặt lên hàng đầu. Đây là minh chứng cho việc chiến lược bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là văn hóa doanh nghiệp, nơi sức ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở một lời hô hào, hay danh xưng.
Tóm lại, chiến lược ESG cần phải song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Chiến lược này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng mà còn góp phần duy trì và nâng cao vị thế thị trường của doanh nghiệp.