Tích cực vận động người dân phân loại rác tại nguồn

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (theo mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn).

Tổ Tự quản thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn của khu phố Trung Tâm (phường Xuân Lập, thành phố Long Khánh). Ảnh: A.Nhơn

Tổ Tự quản thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn của khu phố Trung Tâm (phường Xuân Lập, thành phố Long Khánh). Ảnh: A.Nhơn

Kết quả ban đầu đã mang lại chuyển biến tích cực, góp phần cải tạo môi trường, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp, tăng lượng rác có giá trị tái chế tại nguồn.

“Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”

Hơn một tháng nay, bà Nguyễn Kim Hoàng, Tổ trưởng Tổ Tự quản thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn của khu phố Trung Tâm (phường Xuân Lập, thành phố Long Khánh) cùng các thành viên trong tổ đã dành thời gian đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền cho người dân trên địa bàn nắm về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, hướng dẫn bà con cách phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định, đặc biệt là phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

“Thời gian đầu, việc triển khai chương trình phân loại rác thải tại nguồn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân còn có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ tự quản đã gương mẫu làm trước, rồi vận động, hướng dẫn cho bà con làm theo. Chúng tôi còn phối hợp với các tổ an ninh nhân dân, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân. Nhờ đó, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình và tích cực tham gia phân loại rác tại nguồn đúng quy định” - bà Hoàng chia sẻ.

Cũng như nhiều hộ dân khác, thời gian qua, gia đình bà Nguyễn Thị Dung (ngụ khu phố Trung Tâm, phường Xuân Lập) đã được chính quyền địa phương, các đoàn thể, khu phố tổ chức các buổi tuyên truyền về ý nghĩa của việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Từ đó, gia đình bà đã nghiêm túc thực hiện theo.

Bên cạnh đó, bà Dung còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Hiện bà là thành viên của Tổ tự quản mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn của khu phố Trung Tâm. Với nhiệm vụ được phân công, bà tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con hàng xóm cùng tham gia phân loại rác thải tại nguồn theo đúng quy định; vận động người dân tham gia giữ gìn môi trường sống ở khu dân cư bằng các việc làm thiết thực như: phát quang bụi rậm, dọn dẹp rác thải và trồng hoa nhằm tạo các tuyến đường trên địa bàn đạt chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp. Qua đó, góp phần tạo diện mạo khu dân cư ngày càng khang trang hơn.

“Thời gian qua, tôi còn tham gia nhiều chương trình phát động ở địa phương, từ nạo vét kênh mương cho đến thu lượm rác thải. Đối với những loại rác có thể tái chế được, chúng tôi gom bán để lập quỹ hỗ trợ cho những chị em phụ nữ khó khăn hay học sinh nghèo vượt khó…” - bà Dung bộc bạch.

Chủ tịch UBND phường Xuân Lập Nguyễn Ngọc Trường cho biết, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Bởi, đây là một chương trình thiết thực, góp phần nâng cao tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn, hình thành ý thức, lối sống tích cực của người dân trong hạn chế rác thải rắn, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Hoạt động thu gom, phân loại rác tại nguồn là “Một việc làm, nhiều mục đích”: bảo vệ môi trường, mang lại nguồn kinh tế từ các chất thải, tiết kiệm tài nguyên, chống rác thải nhựa, gây quỹ hoạt động, xây dựng quỹ an sinh xã hội cho tổ chức Đoàn, Hội ở cơ sở.

“Việc phát động, kêu gọi đã được đông đảo bà con tích cực hưởng ứng, từng người dân trên địa bàn phường rất có ý thức trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường sống ở khu dân cư” - ông Trường cho hay.

Việc triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn nhằm đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp” và khu dân cư văn minh, hiện đại.

Thực hiện dân vận khéo

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thành phố Long Khánh Nguyễn Minh Tuấn, việc thực hiện nhiệm vụ phân loại, thu gom và quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Long Khánh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả khích lệ và được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chọn thành phố Long Khánh làm điểm tổ chức phát động phong trào triển khai thực hiện nhiệm vụ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, chống rác thải nhựa. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn để địa phương tiếp tục phát huy tốt hơn nữa kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới; phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ đạt 20% tỷ lệ phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn ở các hộ gia đình và đạt 100% tại các cơ quan, đơn vị (theo nghị quyết của Thành ủy và nghị quyết của HĐND thành phố Long Khánh).

Hiện mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn được triển khai trước tiên tại phường Xuân Lập, sau đó sẽ nhân rộng ra các phường, xã trên địa bàn thành phố Long Khánh.

“Mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng bằng những việc làm thật đơn giản như: bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; hạn chế sản phẩm nhựa và túi ny-lông dùng một lần; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, trồng cây xanh… Từ chính những hành động đơn giản đó tại nơi sinh sống của mỗi người sẽ tác động lan tỏa nhanh, tích cực đến môi trường và có ý nghĩa vô cùng to lớn” - ông Tuấn chia sẻ.

Người dân tham gia phân loại chất thải và sử dụng thiết bị lưu chứa chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại thành phố Long Khánh.

Người dân tham gia phân loại chất thải và sử dụng thiết bị lưu chứa chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại thành phố Long Khánh.

Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Vẹn cho biết, với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, chất thải rắn được phát sinh nhiều hơn. Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hơn 2,1 ngàn tấn/ngày; trong đó có gần 1,9 ngàn tấn rác thải sinh hoạt/ngày của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân.

Trước tình hình trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn và được Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương. Đến nay, mô hình đã được triển khai đến các địa phương trong tỉnh như: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Khánh… và kết quả ban đầu đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực.

“Mong rằng lãnh đạo các địa phương tiếp tục có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để mô hình được nhân rộng và phát triển trên địa bàn trong thời gian tới. Từng đoàn viên, hội viên nòng cốt và nhân dân tuyên truyền, vận động các hộ xung quanh và gia đình mình thực hiện tốt mô hình Phân loại rác tại nguồn, phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế để thực hiện tốt phương châm là hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” - bà Vẹn chia sẻ.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202406/tich-cuc-van-dong-nguoi-dan-phan-loai-rac-tai-nguon-1d651e7/
Zalo