Tích cực tuyên truyền, vận động để ngư dân chung tay gỡ 'thẻ vàng'
Thời gian qua, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp đẩy lùi tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong đó, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền pháp luật để bà con nâng cao trách nhiệm, chung tay gỡ 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản nước ta.
Tính đến tháng 1/2025, thị xã Hoàng Mai có 1.112 phương tiện tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển, trong đó, 565 tàu cá có chiều dài từ 6 đến dưới 15m và 456 tàu cá có chiều dài trên 15m thường xuyên tham gia đánh bắt xa bờ. Ngư dân địa phương thường cho tàu hoạt động ở khu vực biển vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa với các ngành nghề khác nhau. Những năm qua, ngành đánh bắt, khai thác hải sản tạo việc làm ổn định cho số lượng lớn lao động trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Quá trình hành nghề, phần lớn ngư dân địa phương đã nhận thức rõ, tuân thủ những giải pháp do chính quyền các cấp, lực lượng chức năng đưa ra để chung tay gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có một số chủ tàu cá, lao động vì lợi ích trước mắt nên vẫn có những vi phạm về khai thác IUU.
Quyết tâm phát huy tiềm năng, lợi thế về ngành khai thác hải sản, thời gian qua, thị xã Hoàng Mai đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của các cấp đối với công tác chống khai thác IUU. Để thực thực hiện mục tiêu, địa phương đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo chống khai thác IUU, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trực tiếp phụ trách từng địa bàn, phần việc cụ thể. Thị xã Hoàng Mai đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Quỳnh Phương phối hợp với chính quyền địa phương và Ban quản lý các cảng cá tiến hành ký cam kết, chương trình hành động chống khai thác IUU.
Trong đó, các đơn vị tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, nhất là nội dung của Luật Thủy sản năm 2017; các quy định chống khai thác IUU; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, bằng nhiều hình thức đa dạng như: Thông qua các hội nghị tuyên truyền tập trung, trên hệ thống loa phát thanh các xã, phường hơn 190 giờ, trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook đến các đội, tổ, nhóm tàu thuyền hoạt động trên biển. Tổ chức phát tờ rơi, ký cam kết không khai thác IUU đối với 100% chủ phương tiện, thuyền trưởng, trao tặng cờ Tổ quốc, áo phao động viên ngư dân vươn khơi, bám biển.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, cảng cá Quỳnh Phương, tổ liên ngành đã duy trì lực lượng thường trực 24/24 giờ để làm thủ tục cho các phương tiện hành nghề. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng cương quyết không giải quyết bất kỳ trường hợp nào chưa đảm bảo các quy định xuất lạch khai thác, những tàu cá ra khơi phải có một bản cam kết từng chuyến biển không vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm IUU. Đồn Biên phòng Quỳnh Phương cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát trên cửa lạch, trên sông, trên biển và tại bến neo đậu tàu thuyền được 27 đợt/375 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính được 74 vụ/78 đối tượng/78 phương tiện, với số tiền trên 2 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Đồn Biên phòng Quỳnh Phương và các lực lượng đã kiểm tra, làm việc với hơn 300 chủ tàu mất kết nối giám sát hành trình trên biển, đã xử phạt 56 thuyền trưởng, yêu cầu các thuyền trưởng cam kết không tái phạm khi tham gia khai thác trên biển.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, thị xã Hoàng Mai đã thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của ngư dân và triển khai thực hiện các quy định đối với các xã, phường, cơ quan, đơn vị có liên quan đến triển khai thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU. Trên cơ sở đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, các quy định của EC. Thông qua các hoạt động trên, ngư dân đã nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thị xã Hoàng Mai vẫn còn một số khó khăn trong triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU và xử lý mất kết nối giám sát hành trình, bởi vùng biển quản lý rộng, số lượng phương tiện lớn, đa dạng về ngành nghề, ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Điều kiện kinh tế của ngư dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chuyển đổi nghề nghiệp khai thác gặp nhiều trở ngại. Tình trạng ngư dân sử dụng xung kích điện, ngư cụ cấm để đánh bắt, khai thác hải sản vẫn diễn ra, đặc biệt là tại khu vực vùng biển giáp ranh giữa tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Trong thời gian tới, thị xã Hoàng Mai tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Nhất là trong dịp ngư dân cho tàu cá vào bờ đón Tết Nguyên đán 2025, địa phương phối hợp chặt chẽ với BĐBP tiến hành rà soát, quản lý, theo dõi chặt chẽ tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, không lắp đặt hoặc có thiết bị giám sát hành trình nhưng không kích hoạt, vận hành, mất kết nối. Tăng cường lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa lạch theo đúng quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm nhằm răn đe, tuyên truyền, nhắc nhở. Đồng thời, tổ chức gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.