Tích cực thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học
Thời gian qua, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị tại các địa phương nhằm thực hiện mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia CBRN.
Nhiều mục tiêu đến năm 2025
Kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học và bức xạ hạt nhân giai đoạn 2019-2025 được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 104/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, 100% các quy định pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân (CBRN) được các cấp ban hành; 100% cán bộ ứng phó tuyến đầu (hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…) được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về nguy cơ CBRN, các giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị đặc thù phục vụ việc phát hiện sớm, đặc biệt là nguy cơ mất an ninh liên quan đến CBRN.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu, 50% cảng biển quốc tế loại I, sân bay và cửa khẩu quốc tế được lắp đặt hệ thống phát hiện và cảnh báo phóng xạ thông qua các chương trình hợp tác, hỗ trợ của quốc tế. Định kỳ hàng năm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố CBRN cấp quốc gia và cấp tỉnh; triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với nguy cơ, sự cố CBRN.
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, bên cạnh giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó nguy cơ, sự cố CBRN. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó nguy cơ, sự cố CBRN phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí CBRN Việt Nam đã tham gia… Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và các cơ quan liên quan nhằm ứng phó với nguy cơ sự cố hóa học.
Trong đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá, phân cấp các nhóm nguy cơ, thanh tra, kiểm tra, giám sát mức độ đảm bảo an toàn, an ninh trong sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng và xử lý chất thải hóa chất nguy hiểm trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, nghiên cứu, tổ chức xây dựng phương án phòng chống nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất, xây dựng kịch bản và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố hóa chất cho lực lượng ứng phó sự cố các cấp. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố hóa chất…
Phối hợp thực hiện các giải pháp phát hiện và ứng phó sự cố hóa chất
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Kế hoạch Kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học và bức xạ hạt nhân giai đoạn 2019-2025, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 104⁄QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương với mục tiêu nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân trong ngành Công Thương nhằm ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả đối với con người và môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân mà Việt Nam tham gia.
Cùng với đó, thời gian qua Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã liên tục tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao trình độ về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố hóa chất tại các địa phương trên cả nước.
Mới đây nhất, ngày 29/11/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hóa chất đã tổ chức Hội thảo nâng cao trình độ về phòng ngừa phát hiện và ứng phó sự cố trong hoạt động sản xuất, lưu trữ, sử dụng, vận chuyển và xử lý hóa chất nguy hiểm, nhằm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại, Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhât giai đoạn 2019-2025, để phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả sự cố hóa chất trên phạm vi cả nước, các địa phương cần phải đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Trước đó, vào ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Cục Hóa chất đã tổ chức Hội thảo Đào tạo nâng cao trình độ về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố trong hoạt động sản xuất, lưu giữ, vận chuyển, sử dụng và xử lý hóa chất nguy hiểm. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp.
Tại hội thảo, đại diện Cục Hóa chất đã hướng dẫn đại diện các doanh nghiệp tham dự các phương án nhằm phát hiện và ứng phó sự cố trong hoạt động sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng và xử lý hóa chất nguy hiểm. Đồng thời trả lời một số thắc mắc của doanh nghiệp xoay quanh vấn đề an toàn hóa chất và những chính sách liên quan đến hoạt động hóa chất.
Thông qua những thắc mắc của doanh nghiệp và những câu trả lời của đại diện Cục Hóa chất đã giúp các tổ chức, cá nhân tham dự hội thảo nắm được những quy định của pháp luật trong hoạt động hóa chất; giúp người lao động nắm được những đặc tính nguy hiểm của hóa chất mà bản thân tiếp xúc hàng ngày. Đồng thời, giúp người quản lý doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực hóa chất biết cách nhận biết các mối nguy hiểm tiềm ẩn của hóa chất theo quy định từ đó nhận biết được các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản và sử dụng hóa chất của cơ sở, từ đó xây dựng được quy trình an toàn hóa chất, kỹ thuật đảm bảo an toàn khi làm việc và tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm. Giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất có được giải pháp ngăn ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, và có phương án phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để ứng phó và khắc phục sự cố cũng như có giải pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm lan rộng ra môi trường bên ngoài.