Tích cực khắc phục sự cố sạt lở, bảo vệ môi trường, nguồn nước
BẮC GIANG- Trước tình trạng ngập lụt, sạt lở đất xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục sạt lở đất, bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Theo đó, Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tập trung kiểm tra, huy động lực lượng thực hiện khắc phục ngay các trường hợp bị sạt lở đất, đá do mưa lũ sau cơn bão làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, công trình xây dựng trên địa bàn (nếu có) theo thẩm quyền.
Đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh cho chủ trương giao UBND cấp xã tổ chức lập dự án san gạt, cắt tầng, chống sạt lở đất, đá đối với các khu vực bị sạt lở; rà soát, cập nhật những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đánh giá mức độ rủi ro, đề xuất biện pháp xử lý.
Về môi trường, đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa sự cố an ninh nguồn nước, ngăn ngừa việc lợi dụng ngập lụt do mưa lớn xả thải trái quy định. Kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nước và xả thải tại một số doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp.
Các địa phương có các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn có các hồ chứa chất thải, nước thải, các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất… phải giám sát chặt chẽ, bảo đảm việc vận hành các công trình xử lý chất thải đúng quy chuẩn; không để xảy ra sự cố về môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, chất lượng nguồn nước.
UBND các huyện, thị xã, TP thường xuyên cập nhật thông tin tình hình mưa lũ, theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có mưa lũ, ngập lụt; chủ động biện pháp phòng, chống, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng mưa, lũ lụt xả chất thải bẩn gây ô nhiễm môi trường; phối hợp xử lý kịp thời sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ vệ sinh nhà cửa, đường phố, thôn, xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý bùn đất, xác động vật, đất đá bị sạt lở...; chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành tiêu độc, khử trùng giếng nước sinh hoạt và bể nước; phun thuốc khử khuẩn, diệt côn trùng tại trường học, chợ, khu vực bị ngập, lụt; cấp phát thuốc khử khuẩn và hướng dẫn các hộ dân thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng; xử lý kịp thời vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn theo thẩm quyền…
Theo đề nghị của một số huyện, Sở TN&MT cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND cấp xã tổ chức lập dự án san gạt, cắt tầng, chống sạt lở đất, đá đối với các khu vực đồi, núi có nguy cơ sạt lở trên địa bàn quản lý để đưa về trạng thái an toàn. Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn ngân sách của địa phương hoặc xã hội hóa (tài trợ không hoàn lại); thời gian thực hiện dự án trong năm 2024-2025. Khối lượng đất dư thừa khi thực hiện dự án được vận chuyển đi làm vật liệu san lấp, đắp nền công trình xây dựng trên địa bàn huyện. Bố trí kinh phí và giao Sở TN&MT phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện nội dung điều tra, xây dựng bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ 1:10.000 và lớn hơn để làm cơ sở quản lý, theo dõi và cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh. Từ đó đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện giảm thiểu tác hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra; thời gian thực hiện trong năm 2025.