Tích cực chuẩn bị các hoạt động cho Lễ hội Hoa Lư năm 2025

Vào tháng ba âm lịch hằng năm, du khách thập phương lại về trẩy hội Hoa Lư để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng đế và các bậc tiền nhân. Lễ hội với nhiều nghi lễ trang trọng và các hoạt động văn hóa đặc sắc, đang được các đơn vị, địa phương tích cực chuẩn bị.

Nhân viên Bảo tàng tỉnh chuẩn bị tài liệu, hiện vật trưng bày tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025. Ảnh: Minh Quang

Nhân viên Bảo tàng tỉnh chuẩn bị tài liệu, hiện vật trưng bày tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025. Ảnh: Minh Quang

Còn ít ngày nữa sẽ diễn ra Lễ hội Hoa Lư năm 2025, Bảo tàng tỉnh đang tích cực chuẩn bị những hình ảnh và hiện vật về Kinh đô Hoa Lư thế kỷ thứ X và đầu thế kỷ XI; thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế, Lê Đại Hành Hoàng Đế, được minh họa sống động cùng hệ thống trang thiết bị trưng bày khoa học, phù hợp và có tính giáo dục cao, xứng đáng với vai trò, vị thế của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Đồng chí Dương Thị Ngọc, nhân viên Phòng Trưng bày-Tuyên truyền, Bảo tàng tỉnh cho biết: Để chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lư-lễ hội lớn nhất trong năm của tỉnh, là thuyết minh viên, tôi chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung thông tin hiện vật cũng như về giá trị lịch sử-văn hóa của hiện vật được lựa chọn trưng bày, nhằm giới thiệu với du khách tham gia Lễ hội nét văn hóa đặc sắc ở thế kỷ thứ X; tôn vinh những trang sử chói ngời của dân tộc và khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, biểu thị đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đối với thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc ta thời Đinh-Tiền Lê và giai đoạn chuyển tiếp sang thời Lý.

Bên cạnh đó, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế, Lê Đại Hành Hoàng Đế và Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X; quá trình dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long-Hà Nội) của Vua Lý Thái Tổ; nét đặc sắc văn hóa của Cố đô Hoa Lư và các vùng phụ cận trong những thế kỷ tiếp theo.

Bảo tàng Ninh Bình xây dựng kế hoạch trưng bày hình ảnh, hiện vật phục vụ Lễ hội Hoa Lư năm 2025, với chuyên đề “Kinh đô Hoa Lư-Theo dòng lịch sử” gồm những nội dung chính như: Quá trình thống nhất đất nước và sự ra đời của Nhà nước chính thống đầu tiên ở nước ta; Kinh đô Hoa Lư qua các phát hiện khảo cổ học; các công trình nghiên cứu khoa học về Kinh đô Hoa Lư; Cố đô Hoa Lư và sự tri ân của các thời kỳ sau.

Đồng chí Vũ Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trong các hoạt động của Lễ hội Hoa Lư thường niên, Bảo tàng Ninh Bình thực hiện trưng bày chuyên đề “Kinh đô Hoa Lư-Theo dòng lịch sử”. Bảo tàng tỉnh đã lựa chọn những tài liệu, hiện vật tiêu biểu của Nhà nước Đại Cồ Việt, về Kinh đô Hoa Lư, về đóng góp lớn lao của các nhân vật lịch sử thời Đinh-Tiền Lê, như Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành để làm nổi bật lên giá trị đặc biệt của Hoa Lư và Nhà nước Đại Cồ Việt.

Thông qua phản ánh của tài liệu, hiện vật để khẳng định Kinh đô Hoa Lư được xây dựng trên địa hình rất độc đáo, nơi có sự kết hợp giữa thành quả thiên nhiên và công sức, trí tuệ con người đã xây dựng nên 1 quân thành vững chắc, vừa có thế thủ, vừa có thế công; làm nổi bật giá trị về khát vọng độc lập dân tộc, tự chủ.

Tại Lễ hội Hoa Lư, dự kiến Bảo tàng tỉnh sẽ trưng bày, giới thiệu cho công chúng hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật gốc. Để thực hiện công tác trưng bày và bảo quản hiện vật tốt nhất, ngoài việc sử dụng các tủ, kệ, hệ thống camera giám sát, Bảo tàng Ninh Bình cử cán bộ trực 24/24h đảm bảo công tác an ninh an toàn cho hiện vật và phục vụ khách đến tham quan tại khu trưng bày.

Cùng với các cơ quan, đơn vị chuyên môn, các địa phương cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo để tham gia Lễ hội Hoa Lư năm 2025.

Tại huyện miền núi Nho Quan, công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Theo kế hoạch, huyện Nho Quan sẽ tham gia Lễ hội ở hai nội dung: Phần lễ: Tổ chức lễ dâng hương tại các di tích lịch sử thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và các nhân vật lịch sử liên quan đến triều Đinh, triều Tiền Lê trên địa bàn huyện; tổ chức đoàn rước kiệu từ di tích lịch sử-văn hóa đình Mỹ Hạ (xã Gia Thủy) về tham gia thực hiện nghi thức rước kiệu và tế lễ cổ truyền tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025.

Phần hội tham gia các nội dung: Giao lưu văn nghệ quần chúng; biểu diễn cồng chiêng; hội trại thanh niên; tổ tôm điếm; cờ người; chọi gà; bắn cung, bắn nỏ; vật dân tộc; trưng bày mâm ngũ quả tiến Vua; thư pháp; tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu về lịch sử, văn hóa; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; các sản phẩm OCOP; các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu biểu của huyện tại sân Lễ hội theo quy định.

Đồng chí Đinh Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện Nho Quan cho biết: Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện đã phối hợp với UBND một số xã có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống để tuyển chọn cũng như chuẩn bị các tiết mục và điều kiện tham gia Lễ hội.

Hiện, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn tham gia Lễ hội Hoa Lư gồm 59 thành viên, tham gia 5 tiết mục, trong đó chủ yếu là các tiết mục mang bản sắc của đồng bào dân tộc Mường huyện Nho Quan như múa cồng chiêng, hát sắc bùa, hát giao duyên...

Sau một thời gian tích cực luyện tập đến nay cơ bản các tiết mục đã hoàn tất chỉ đợi ngày khai hội, qua đó góp phần quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mường đang sinh sống trên địa bàn huyện.

Theo kế hoạch, phần hội tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025 diễn ra nhiều hoạt động: Hoạt động nghệ thuật quần chúng (biểu diễn trống nhảy, múa trống; giao lưu nghệ thuật quần chúng; biểu diễn cồng chiêng); chương trình nghệ thuật tại thành phố Hoa Lư; chiếu phim, múa rối nước; các trò chơi dân gian (tổ tôm điếm, cờ người, chọi gà, bắn cung, bắn nỏ); các hoạt động thể thao như giao lưu bóng chuyền, giải Vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2025, chương trình “Mùa xuân thượng võ lần thứ II, năm 2025”; các hoạt động thi trưng bày, triển lãm, quảng bá...

Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tich-cuc-chuan-bi-cac-hoat-dong-cho-le-hoi-hoa-lu-nam-2025-125248.htm
Zalo