Tích cực chống suy thoái về đạo đức

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức, xem đây là nền tảng để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đồng thời là yếu tố căn bản chỉ đạo tư tưởng, hành động của Đảng. Do đó, trong điều kiện Đảng cầm quyền không những phải thường xuyên xây dựng, nâng cao đạo đức cách mạng mà còn phải giữ gìn, bảo vệ và phòng, chống suy thoái về đạo đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: Người có đạo đức thường dễ tiếp thu chân lý hơn. Đạo đức yếu kém, suy đồi dễ dẫn tới chủ nghĩa cơ hội thực dụng, dễ dao động, từ bỏ nguyên tắc, phai nhạt lý tưởng, tự đánh mất hoặc phản bội niềm tin, đức tin của chính mình và lý tưởng mục tiêu của Đảng, của cách mạng. Đạo đức cách mạng là sức mạnh của tổ chức, giữ cho tổ chức thống nhất ý chí và hành động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những biểu hiện hủ hóa, suy thoái đạo đức để phòng ngừa, ngăn chặn, tẩy trừ. Đó là các loại bệnh: Tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, gây bè kết phái, bợ đỡ người trên mưu cầu lợi ích cá nhân... và chúng đều có nguồn gốc từ chủ nghĩa cá nhân.

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nguy cơ suy thoái về đạo đức luôn hiện hữu và diễn ra với nhiều sắc thái khó lường nếu không được thường xuyên ngăn ngừa, phòng chống.

Đại hội XII của Đảng đã xác định xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung căn bản, nhiệm vụ then chốt của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”, phòng tránh vi phạm và nhận diện, đấu tranh bảo vệ, giữ gìn đạo đức của Đảng.

Thời gian gần đây, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên xuất hiện tình trạng né tránh, sợ sai, sợ vi phạm, thiếu trách nhiệm, không dám nói, dám làm và đổi mới, sáng tạo, làm gì cũng chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân, kết bè phái bợ đỡ lẫn nhau vì mục đích không trong sáng... đã dẫn đến trì trệ, chậm trễ trong triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ; ngại đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, các biểu hiện suy thoái về đạo đức trong Đảng vẫn diễn biến phức tạp, là nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, chế độ. Để làm tốt vấn đề này, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên bởi kiến thức lý luận chính trị có ý nghĩa quyết định tới việc hình thành phẩm chất, nhân cách người cách mạng, “soi đường” cho hoạt động tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

Cần chủ động nhận diện, phân loại các biểu hiện suy thoái đạo đức để xử lý phù hợp; phát huy mạnh mẽ dân chủ và tính tự giác của cán bộ, đảng viên, sự đóng góp của Nhân dân, công luận. Đề cao tự phê bình và phê bình để phòng ngừa, ngăn chặn, chống lại những biểu hiện phi đạo đức xâm nhập vào Đảng, bởi tự phê bình và phê bình chính là vũ khí, là “thang thuốc hay nhất” làm cho phần tốt trong mỗi tổ chức, mỗi con người nẩy nở, phần xấu mất dần đi.

Đi cùng với đó, thường xuyên tự chỉnh đốn Đảng và nâng cao tinh thần, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đảng viên trong xây dựng Đảng về đạo đức, làm tiền đề cho việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống suy thoái, “tự diễn biến”. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ.

Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Theo dòng chảy thời gian, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ gìn, bảo vệ đạo đức của Đảng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Việc vận dụng quan điểm của Người vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức sẽ trực tiếp góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tich-cuc-chong-suy-thoai-ve-dao-duc-217222.htm
Zalo