Tích cực bảo vệ lúa Mùa mới gieo cấy trước mưa lớn
Hiện nay, toàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 20.750 ha lúa Mùa (đạt trên 73% diện tích kế hoạch). Tuy nhiên, việc thời tiết liên tục có mưa lớn những ngày qua đã gây ngập úng trên diện rộng nhiều diện tích mới cấy và sạ, ảnh hưởng đến sản xuất.
Hàng nghìn ha lúa bị ngập
Tranh thủ lúc trời vừa ngớt cơn mưa, ông Nguyễn Văn Đào (xóm Hoàng Long, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) ra đồng với hi vọng 5 sào lúa vừa cấy vẫn an toàn nhưng không ngờ lúa đã bị ngập trắng hết. Ông cho biết, gia đình ông vừa thuê máy cấy xong 5 sào lúa hôm qua thì hôm nay mưa lớn, bị ngập, một số cây mạ đã bị nổi lên. Ông định mang cuốc ra tháo nước từ đồng ra mương nhưng toàn bộ mương máng cũng ngập hết không đưa nước ra được. Giờ đây ông chỉ nóng lòng mong trời ngừng mưa, trạm bơm vận hành thông suốt để sớm tiêu thoát nước, cứu lấy diện tích lúa của gia đình.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư, tính đến thời điểm này toàn huyện đã xuống giống được 1.634/2.360 ha lúa Mùa, trong đó diện tích gieo thẳng chiếm gần 70%. Đây là những diện tích rất dễ ảnh hưởng của mưa úng, đặc biệt là những nơi ruộng sâu trũng, không chủ động được việc tiêu thoát nước. Ngày 15/7, toàn huyện có 446 ha lúa bị ngập, ngày 16/7 con số này tiếp tục tăng lên khoảng hơn 500 ha.
Hiện nay là cao điểm gieo cấy lúa Mùa nên không riêng huyện Hoa Lư mà nhiều diện tích lúa ở các địa phương khác trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng của mưa lớn. Tổng hợp nhanh từ Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT, trong ngày 16/7, ghi nhận khoảng 2.000 ha lúa bị ngập úng, sâu nước. Trong đó, diện tích bị ngập trắng là 1.550 ha, ngập phất phơ là 285 ha, còn lại là ngập 2/3 cây trở lên. Tập trung chủ yếu ở các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn.
Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cảnh báo, vụ Mùa thường xuyên có mưa lớn, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân không nên sử dụng phương pháp gieo sạ. Đồng thời khuyến cáo chỉ những chân ruộng cao, tưới-tiêu chủ động hoàn toàn, gọn vùng mới tổ chức gieo sạ.
Tuy nhiên, do tập quán và tình trạng thiếu lao động nên diện tích gieo sạ trên toàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Với những diện tích lúa mới gieo, rễ chưa kịp bám vào đất gặp những trận mưa lớn vừa qua thì chắc chắn mộng mạ sẽ bị trôi dạt, phải gieo lại.
Đối với những diện tích bà con đã gieo được trên dưới 1 tuần, nếu được tiêu úng kịp thời thì cây lúa vẫn có thể khôi phục, phát triển bình thường được nhưng nếu sau cơn mưa này mà trời lại có nắng to, nhiệt độ cao thì cây lúa cũng rất dễ bị chết. Do vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải nhanh chóng tiêu úng, sau đó tiếp tục theo dõi để có biện pháp xử lý phù hợp, có thể là gieo lại, tỉa dặm kết hợp các biện pháp chăm bón phù hợp.
Vận hành tối đa các công trình tiêu úng
Trước tình trạng mưa lớn đe dọa đến sản xuất, những ngày qua, các địa phương và Công ty TNHH một thành viên KTCTTL đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp tiêu úng, cứu lúa mới cấy.
Tại Trạm bơm Bạch Cừ, nơi phụ trách tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp, các khu vực đô thị rộng lớn thuộc các xã Ninh Khang, Ninh Mỹ, Ninh Giang (huyện Hoa Lư), các phường Ninh Khánh, Đông Thành (thành phố Ninh Bình), 12/12 máy bơm đang vận hành hết công suất, tiêu thoát 48 nghìn m3 nước/giờ. Ông Đinh Khánh Chiêu, Trạm trưởng Trạm bơm Bạch Cừ cho biết: 100% quân số của Trạm bơm trực để thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi điện áp, việc thoát nhiệt của động cơ máy bơm; vớt bèo, rác, vật cản trước các cửa lưới chắn để ngăn tắc. Đảm bảo các máy bơm vận hành trơn tru, hiệu quả, tiêu thoát nước tối đa.
Ông Phạm Sỹ Tuấn, Chi nhánh trưởng Chi nhánh KTCTTL huyện Hoa Lư thông tin: Ngay khi bà con nông dân bắt đầu gieo cấy lúa Mùa, đơn vị đã chỉ đạo tiêu rút nước đệm để ứng phó với khả năng mưa lớn. Các trạm bơm của hệ thống vận hành rải rác từ ngày 6/7, và vận hành hết công suất từ ngày 14/7 đến nay. Hiện Chi nhánh duy trì chế độ trực liên tục 24/24 giờ, tận dụng tối đa mở cống tiêu theo thủy triều và vận hành các trạm bơm tiêu theo từng vùng, từng ngày; hướng dẫn các xã, HTX chủ động bơm tiêu bằng trạm bơm dã chiến, máy dầu các vùng sâu trũng, úng nặng.
Để chủ động ứng phó kịp thời với mưa lớn, bảo vệ sản xuất, ngày 15/7, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoa Lư cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn trên địa bàn.
Trong đó nhấn mạnh yêu cầu các HTX nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh KTCTTL huyện tập trung, chủ động triển khai thực hiện tốt phương án chống úng; tổ chức tiêu kiệt nước, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa mới gieo cấy. Đối với diện tích chưa gieo cấy, thông báo cho nhân dân dừng gieo cấy và chủ động bố trí giống, mạ dự phòng để gieo cấy bổ sung đối với những diện tích bị thiệt hại.
Theo Chi cục Thủy lợi: Toàn tỉnh đang vận hành 148 máy bơm thuộc 45 trạm bơm và mở 54 cống trên đê để tiêu úng, cứu lúa. Nhiều diện tích lúa đến nay đã được tiêu úng nhanh.
Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông có xu hướng nâng trục dần lên phía Bắc, kết hợp với hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh, khu vực tỉnh Ninh Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to đến sáng ngày 18/7. Lượng mưa phổ biến tại các huyện, thành phố từ 50 -120mm.
Do vậy, những ngày tới, ngành nông nghiệp, các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi phải thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thủy văn để sớm có biện pháp đối phó với những diễn biến bất thường. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và khắc phục hậu quả của mưa úng, quyết tâm hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa Mùa.