Tia laser nguy hiểm với phi công thế nào, vi phạm bị phạt ra sao?

Chiếu laser vào buồng lái máy bay là một việc làm vô cùng nguy hiểm, có thể gây tổn thương mắt của phi công, làm mất phương hướng và mất quyền kiểm soát tạm thời máy bay. Nếu vi phạm, các cá nhân có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu các địa phương và công an tỉnh tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi chiếu đèn laser vào máy bay trong vùng tiếp cận Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng.

Trước đó, Cảng HKQT Đà Nẵng báo cáo rằng từ đầu năm đến nay đã xảy ra 12 vụ chiếu laser lên máy bay, thuộc khu vực thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên. Các tổ lái cho biết, chuyến bay bị ảnh hưởng trong quá trình tiếp cận hạ cánh, khu vực xảy ra chiếu đèn laser cách sân bay từ 12-15km với độ cao 600-900m.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu các địa phương, công an tỉnh tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi chiếu đèn laser vào máy bay. Ảnh: Standard.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu các địa phương, công an tỉnh tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi chiếu đèn laser vào máy bay. Ảnh: Standard.

Theo tìm hiểu, chiếu laser vào buồng lái máy bay là hành vi vô cùng nguy hiểm, có thể gây tổn thương mắt của phi công, làm mất phương hướng và mất quyền kiểm soát tạm thời máy bay. Do đó, hành vi chiếu laser vào máy bay uy hiếp nghiêm trọng an toàn của hoạt động hàng không dân dụng.

Hiện nay, căn cứ Nghị định 162/2018 của Chính phủ, hành vi sử dụng đèn laser trong cảng hàng không, sân bay; hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến việc máy bay cất/hạ cánh và di chuyển… sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

Nếu lắp đặt, sử dụng các loại đèn, nguồn sáng, ký hiệu, tín hiệu hoặc các vật thể trong cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến việc máy bay cất - hạ cánh, di chuyển tại cảng hàng không, sân bay hoặc việc nhận biết cảng hàng không, sân bay sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính phủ nêu rõ, nếu thả diều ở địa bàn giáp ranh sân bay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Người vi phạm ngoài bị phạt hành chính, người vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm.

Sử dụng đèn laser trong cảng hàng không, sân bay sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng. Ảnh: Nbaa.

Sử dụng đèn laser trong cảng hàng không, sân bay sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng. Ảnh: Nbaa.

Liên quan đến hành vi chiếu đèn laser vào máy bay, các quốc gia như Anh và Mỹ… có chế tài xử phạt rất nặng để ngăn chặn tình trạng này.

Tại Mỹ, mọi hoạt động chiếu tia laser trong các khu vực chỉ định đều phải được báo trước với phi công trước chuyến bay, qua điện văn thông báo hàng không (NOTAM). Những cá nhân hay tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tới 5 năm tù, hay mức phạt hành chính tới 250.000 USD, hoặc cả hai.

“Sử dụng tia laser nhắm vào máy bay gây ra rủi ro an toàn nghiêm trọng và vi phạm luật liên bang. Nhiều tia laser cường độ cao có thể vô hiệu hóa phi công hoàn toàn trong khi họ đang nỗ lực đưa máy bay, chở hàng trăm hành khách vận hành an toàn tới đúng địa điểm”, Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) nêu rõ.

Ở Anh, ánh sáng cường độ cao và tia laser bị cấm ở trong khu vực bán kính 5,6km xung quanh sân bay cùng với khu vực đường băng dài 37km và rộng 1km. Mọi hoạt động sử dụng tia laser, đèn pha rọi và bắn pháo hoa đều cần phải báo trước ít nhất 28 ngày. Đặc biệt, người chiếu tia laser vào phi công hoặc lái tàu, xe bus sẽ bị phạt tù tới 5 năm. Thậm chí, tòa án tại Anh còn được phép quyết định mức phạt không giới hạn đối với hành vi này nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại Úc, nước này cấm sử dụng tia laser cường độ cao để ngăn chặn hành vi tấn công phi công bằng laser.

Lộc Liên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tia-laser-nguy-hiem-voi-phi-cong-the-nao-vi-pham-bi-phat-ra-sao-post1737052.tpo
Zalo