Tỉ lệ vàng O không đạt, báo động đỏ đối với vụ sầu riêng 2025

Theo Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, có 55 mã số vùng trồng, 61 mã cơ sở đóng gói sầu riêng bị thu hồi vì nhiễm Cadimi.

Ngày 21-5, trao đổi với PLO, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đã ký văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) nhiều giải pháp xử lý những bất cập liên quan hoạt động xuất khẩu sầu riêng.

Tỉ lệ vàng O không đạt, liên tục bị thu hồi mã số vùng trồng

Theo Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, Trung Quốc hiện là thị trường chính của trái cây tươi Việt Nam, trong đó có quả sầu riêng. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỉ USD; chứng tỏ đây là ngành hàng tiềm năng, mang lại giá trị cao.

 Một container chở sầu riêng từ Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: T.T

Một container chở sầu riêng từ Đắk Lắk xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: T.T

Tuy nhiên, từ năm 2024 đến nay, Trung Quốc phát hiện sầu riêng Việt Nam nhiễm Cadimi. Vì vậy, Trung Quốc đưa ra yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm định Cadimi và tỉ lệ chất vàng O (Auramine O, tức chất tạo màu) mới được thông quan. Nếu phát hiện tồn dư, các mã số đóng gói và vùng trồng sẽ bị đình chỉ.

Theo Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, đến nay có 55 mã số vùng trồng sầu riêng, 61 mã cơ sở đóng gói sầu riêng bị thu hồi.

Từ tháng 9-2023 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật liên tục giới thiệu các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng mới sang Trung Quốc nhưng không được chấp thuận.

Vì vậy, Việt Nam chỉ có khoảng 20% trong 150.000 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng.

Bên cạnh đó, các phòng thí nghiệm thực hiện kiểm nghiệm hàng xuất khẩu cũng liên tục bị thu hồi. Việc này khiến công tác kiểm nghiệm hàng hóa không được thường xuyên, gây chậm trễ, các doanh nghiệp khó khăn.

 Một vựa thu mua sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: T.T

Một vựa thu mua sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: T.T

Ngoài ra, tình trạng mua bán mã số vùng trồng sầu riêng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xảy ra tại cửa khẩu như một dịch vụ. Việc này khiến nước nhập khẩu không thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm từ những lô hàng trôi nổi, không đúng với mã số đã được cấp.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp, hợp tác xã có mã số bị lợi dụng, đến khi bị mất mã số mới biết và không có phương án để khắc phục lấy lại mã số đã mất.

Cần báo động đỏ vùng trồng vi phạm

Theo Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, năm 2025, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có khoảng 45.000 ha sầu riêng cho thu hoạch, ước đạt sản lượng hơn 500.000 tấn.

Sầu riêng Tây Nguyên có lợi thế cạnh tranh vì mùa thu hoạch loại quả này rơi vào tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, đây là thời gian các nước khác trên thế giới không có sầu riêng.

 Nông dân Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. Ảnh: T.T

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. Ảnh: T.T

Tuy nhiên, vấn đề chung của sầu riêng của Việt Nam hiện nay là liên tục vi phạm các vấn đề an toàn thực phẩm như Cadimi, vàng O.

Vì vậy, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk kiến nghị Bộ NN&MT cần điều tra, kết luận đối với vùng trồng vi phạm để khoanh vùng báo động đỏ, đưa ra giải pháp cải tạo, xử lý đất, phân bón.

Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ NN&MT rà soát, kiểm tra quá trình triển khai cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng khi xuất khẩu.

Đồng thời xây dựng các quy định của pháp luật liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm xử lý những vi phạm liên quan để bảo vệ ngành hàng sầu riêng, giữ uy tín của nông sản Việt Nam đối với quốc tế, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk cũng kiến nghị bộ xem xét, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, đưa khoa học công nghệ vào để tính toán độ tuổi sầu riêng đạt yêu cầu xuất khẩu. Bởi lẽ, hiện không có công nghệ để đánh giá chính xác về độ tuổi sầu riêng trong xuất khẩu mà chỉ nhờ vào kinh nghiệm các “thợ gõ”.

 Một "thợ gõ" kiểm tra sầu riêng trước khi hái. Ảnh: T.T

Một "thợ gõ" kiểm tra sầu riêng trước khi hái. Ảnh: T.T

Hiện nay, phía Trung Quốc chỉ phê duyệt cho một số phòng thí nghiệm được Cục Bảo vệ thực vật giới thiệu sang để kiểm tra tỉ lệ vàng O và Cadimi. Vì vậy, hiệp hội đề nghị Bộ NN&MT chỉ đạo các phòng thí nghiệm tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối với chi phí ổn định; tránh trường hợp độc quyền, trục lợi, tạo ra cơ chế xin cho.

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ti-le-vang-o-khong-dat-bao-dong-do-doi-voi-vu-sau-rieng-2025-post850947.html
Zalo