Thuyền trưởng tàu SAR 412: 'Chúng tôi không có thời gian để sợ!'

Liên tiếp thực hiện các chuyến cứu nạn trên biển trong và sau siêu bão Yagi, tàu SAR 412 do ông Trần Quang Thanh (57 tuổi) làm thuyền trưởng hiện vẫn đang tìm kiếm người mất tích tại vùng biển Quảng Ninh.

Đối mặt với hiểm nguy giữa muôn trùng sóng gió, ông tâm sự: "Khi tính mạng của ngư dân đang ngàn cân treo sợi tóc, chúng tôi không có thời gian để sợ!".

Cứu nạn không ngừng nghỉ

Tối 7/9, tàu SAR 412 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam) được lệnh tức tốc ra vùng biển Quảng Ninh.

Ngay khi nhận lệnh, tàu khởi hành đi suốt đêm từ Quảng Ngãi để sáng sớm hôm sau có mặt cứu hộ, cứu nạn tàu Bạch Đằng 01, trên tàu có 13 thuyền viên gặp nạn.

Thuyền trưởng tàu SAR 412 Trần Quang Thanh.

Thuyền trưởng tàu SAR 412 Trần Quang Thanh.

Thuyền trưởng Trần Quang Thanh kể, lúc ở vùng biển miền Trung sóng còn khá êm ả, nhưng ra tới Quảng Ninh thì sóng gió rất dữ dội: "Chúng tôi phải vật lộn với cơn sóng cao hơn 4m, huy động mọi thiết bị, căng mắt theo dõi để phát hiện nơi tàu Bạch Đằng 01 gặp nạn".

Khi tới nơi, phát hiện các thuyền viên trên tàu không ai bị thương, tàu vẫn có thể vận hành được, tàu SAR 412 đã hỗ trợ khắc phục sự cố. Sau đó, tàu SAR 412 tiếp tục áp tải tàu Bạch Đằng 01 về bờ an toàn.

Một thuyền viên tàu Bạch Đằng 01 chia sẻ: "Khi tàu gặp nạn, bị trôi dạt trên biển trong điều kiện sóng cao tới hơn 4m, có những lúc tôi nghĩ quẩn "thế là hết". Tới khoảng 4h30 sáng 8/9, khi thấy những ánh đèn pha, rồi tàu SAR 412 xuất hiện, chúng tôi ai nấy mừng rơi nước mắt".

Ngay sau khi cứu thành công tàu Bạch Đằng 01, tàu SAR 412 tiếp tục ứng cứu 7 người đang làm việc trên tàu cẩu Tiến Thành 05 bị trôi dạt, mắc kẹt tại Vũng Đục, Cẩm Phả và phối hợp với lực lượng biên phòng ứng cứu 4 thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa HY-0496.

Tàu SAR 412 lai dắt tàu cá gặp nạn trên biển về bờ.

Tàu SAR 412 lai dắt tàu cá gặp nạn trên biển về bờ.

Tiếp đó, tàu SAR 412 nhận lệnh tiếp tục ra vùng biển Quảng Ninh, cùng tàu SAR 411 thực hiện nhiệm vụ tại khu vực tàu lai Hồng Gai (thuộc Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh) bị chìm ngày 7/9.

"Sáng 12/9, người nhái đã lặn xuống nơi con tàu Hồng Gai chìm và tìm được 2 thi thể. Chúng tôi đã bàn giao cho chính quyền địa phương và tiếp tục tìm kiếm những người còn lại", thuyền trưởng Trần Quang Thanh kể.

Đó là chỉ là một vài trong số hàng chục vụ cứu nạn mà tàu SAR 412 đã thực hiện trước, trong và sau siêu bão Yagi.

Hai thập kỷ cứu hơn 500 người gặp nạn

Thuyền trưởng Trần Quang Thanh năm nay 57 tuổi nhưng vẫn rất rắn rỏi, có những nét đặc trưng của người dân miền biển (ông sinh ra tại Đà Nẵng).

Sau nhiều năm làm thuyền trưởng tàu chở hàng, bôn ba khắp các vùng biển trên thế giới, năm 2001 ông về đầu quân tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam.

Tàu SAR 412 là một trong 3 tàu cứu nạn hiện đại nhất Việt Nam. Đây là tàu có tầm hoạt động 600 hải lý, được thiết kế phần khoang bằng vỏ thép, còn boong tàu bằng nhôm, trang bị máy vô tuyến radio telephone VHF của Furuno kiểu FM-8500; máy vô tuyến VHF cầm tay hiệu SRH kiểu 50; hệ thống ra đa hiện đại, có phòng chăm sóc y tế...

Hơn 20 năm gắn bó với nghề cứu nạn hàng hải, ông Thanh cùng các đồng nghiệp của mình đã cứu khoảng 500 người gặp nạn trên biển.

Hai lần được tàu SAR 412 cứu nạn, ông Nguyễn Văn Quang, ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Khi đó tôi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì gặp sự cố.

Tôi cùng 11 thuyền viên cảm thấy bất lực, lúc đang nghĩ đến tình huống xấu nhất thì tàu SAR 412 kịp thời có mặt. Đối với chúng tôi, tàu SAR 412 như vị cứu tinh, giúp chúng tôi có thêm động lực, niềm tin để bám biển".

Khi được hỏi kỷ niệm nhớ nhất, đối mặt với nguy hiểm nhất, ông chỉ cười: "Cứu nạn hàng hải luôn đối mặt với sóng gió nên lần nào cũng nguy hiểm cả. Chúng tôi thường nói với nhau, ai làm nghề này cũng phải có cái tâm với nghề mới có thể gắn bó được".

Dù vất vả, hiểm nguy nhưng ông chia sẻ, rất hạnh phúc mỗi khi cứu được một người giữa biển nước mênh mông. Tâm niệm điều đó nên mỗi khi được lệnh, các thuyền viên luôn cố gắng làm sao có thể đến nhanh nhất.

"Như những vụ cứu nạn trong cơn bão số 3 vừa rồi, thông tin về cơn bão rất mạnh, thậm chí có thể vượt qua sức chịu đựng của tàu.

Trong trường hợp này, chúng tôi có thể từ chối nhiệm vụ vì lý do không đảm bảo an toàn. Tuy vậy, vì mệnh lệnh trái tim, tàu đã lập tức di chuyển với tốc độ nhanh nhất.

Xuất phát từ Quảng Ngãi, chỉ trong vòng 10 tiếng tàu SAR 412 đã có mặt tại biển Quảng Ninh. Giữa sóng to, gió lớn, hơn 10 thủy thủ trên tàu dù đều là những người dày dạn kinh nghiệm vẫn bị say sóng. Lúc đó, tôi phải động viên anh em rất nhiều", ông Thanh tâm sự.

Gác tình riêng vì nhiệm vụ

Ông Thanh tâm sự, con tàu cứu nạn như là ngôi nhà của mình và các thuyền viên, bởi họ phải trực 24/24h.

Thời điểm bình thường, ông và các thuyền viên được phép lên bờ nhưng đặc thù của nghề nghiệp quy định bất cứ giờ nào, khi có lệnh, sau 10 phút toàn bộ thủy thủ đoàn phải có mặt, sau 15 phút tàu phải nhổ neo.

Tàu SAR 412 trong một lần thực hiện nhiệm vụ tại biển miền Trung.

Tàu SAR 412 trong một lần thực hiện nhiệm vụ tại biển miền Trung.

Chính vì vậy, ông và đồng nghiệp không ai dám đi xa nơi con tàu neo đậu quá 2km. Dù nhà ngay ở TP Đà Nẵng, song cũng rất ít khi ông được về thăm, chỉ có thể trò chuyện với vợ con qua điện thoại.

"Chúng tôi hiểu, tính mạng của ngư dân khi đó đang ngàn cân treo sợi tóc. Bởi vậy, mỗi giây phút đều đáng quý", ông Thanh bộc bạch.

Khi được hỏi về nỗi sợ, vị thuyền trưởng hơn 20 năm trong nghề cười: "Chúng tôi không còn thời gian để sợ. Khi đó chỉ nghĩ phải làm sao có thể cứu được ngư dân thoát khỏi cơn nguy kịch một cách nhanh nhất".

Không chỉ cứu nạn ngư dân, khi đưa họ vào bờ, vì hầu hết người thân chưa tới kịp nên ông Thanh cũng như các thuyền viên trên tàu đều bỏ tiền túi tạm ứng làm thủ tục để cứu chữa cho ngư dân.

Niềm vui đến sau đó là những món quà cảm ơn nho nhỏ của ngư dân. Đó có thể là con gà, con cá hay chỉ là nụ cười biết ơn nhưng cũng đủ khiến ông và đồng nghiệp thấy ấm lòng.

"Đó chính là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa để giảm thiểu thiệt hại xảy ra cho ngư dân", vị thuyền trưởng tâm sự.

Ông Bùi Văn Minh, Tổng giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam cho hay, thuyền trưởng và các thuyền viên tàu SAR đều là những người dày dạn kinh nghiệm và rất có tâm với nghề.

"Trong số các thuyền trưởng của trung tâm, anh Trần Quang Thanh là một trong những người dày dạn kinh nghiệm nhất.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh Thanh là người có chuyên môn vững và đặc biệt là sự nhiệt huyết. Suốt hơn 20 năm qua, chưa bao giờ thấy anh Thanh từ chối một nhiệm vụ nào.

Khi cơn bão số 3 đổ bộ gây hậu quả nặng nề, ngay khi có lệnh, tàu SAR 412 do anh Thanh chỉ huy chỉ sau khoảng 10 tiếng đã hành trình từ Quảng Ngãi ra tới Quảng Ninh cứu nạn. Đây có thể coi là kỷ lục cơ động cứu nạn trên biển", ông Minh nói.

Cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương mà còn khiến cho hàng loạt tàu, thuyền đang neo đậu gặp nạn.

Bộ GTVT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, phối hợp với các địa phương chỉ đạo quyết liệt, toàn bộ các phương tiện đã vào nơi tránh, trú bão.

Xác định sức tàn phá của cơn bão số 3 là quá lớn, khả năng nhiều phương tiện không chống chọi được dẫn đến tai nạn hàng hải nên Bộ GTVT đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó sự cố hàng hải.

Sở Chỉ huy tiền phương do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ huy được lập tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, sau đó Sở chỉ huy được di chuyển về Hải Phòng để tiện theo dõi, chỉ đạo. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo tình hình đột xuất và báo cáo định kỳ 1 tiếng/lần.

Việt Hòa

Hoàng Long

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thuyen-truong-tau-sar-412-chung-toi-khong-co-thoi-gian-de-so-192240913174119442.htm
Zalo