Thụy Sĩ tính cải tạo mạng lưới hầm trú ẩn hạt nhân

Chính phủ Thụy Sĩ đã tiến hành tham vấn để đảm bảo khả năng phục hồi của đất nước 'trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang' và có kế hoạch nâng cấp các công trình cũ nhưng quan trọng trong thời điểm bất ổn gia tăng.

Thụy Sĩ muốn nâng cấp mạng lưới hầm trú ẩn hạt nhân cũ kỹ của mình, vốn ngày càng được coi là một tài sản quan trọng trong thời điểm bất ổn toàn cầu gia tăng, đặc biệt là kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.

Nhờ có những điều luật được thông qua vào năm 1963 quy định phải có hầm trú bom hạt nhân trong quá trình xây dựng các công trình trên khắp đất nước, Thụy Sĩ cho đến nay đã đi trước một bước so với các nước láng giềng như Đức.

Mỗi người trong số 9 triệu cư dân ở quốc gia vùng Alps, bao gồm cả người nước ngoài và người tị nạn, đều được đảm bảo có một chỗ trong hầm trú ẩn để bảo vệ họ khỏi bom và bức xạ hạt nhân.

Mỗi người trong số 9 triệu cư dân ở Thụy Sĩ, bao gồm cả người nước ngoài và người tị nạn, đều được đảm bảo có một chỗ trong hầm trú ẩn để bảo vệ họ khỏi bom và bức xạ hạt nhân. Ảnh: Smithsonian Magazine

Mỗi người trong số 9 triệu cư dân ở Thụy Sĩ, bao gồm cả người nước ngoài và người tị nạn, đều được đảm bảo có một chỗ trong hầm trú ẩn để bảo vệ họ khỏi bom và bức xạ hạt nhân. Ảnh: Smithsonian Magazine

"Trong những năm tới, Liên bang Thụy Sĩ muốn xóa bỏ một số ngoại lệ đối với các quy tắc hiện hành và nâng cấp một số hầm trú ẩn cũ hơn", ông Louis-Henri Delarageaz, chỉ huy phòng vệ dân sự của bang Vaud, cho biết hôm 14/12.

Chính phủ đã tiến hành tham vấn vào tháng 10 để đảm bảo "khả năng phục hồi của Thụy Sĩ trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang" và có kế hoạch nâng cấp các công trình cũ với chi phí 220 triệu Franc Thụy Sĩ (247 triệu USD).

"Điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột – đó không phải là thông điệp – nhưng chúng tôi có một mạng lưới trú ẩn an toàn và chúng tôi cần duy trì chúng và đảm bảo chúng hoạt động tốt", ông Delarageaz nói.

Tại ngôi làng Bercher ở bang Vaud, các nhân viên phòng vệ dân sự mặc quần yếm màu cam đã kiểm tra một boongke bên dưới một tòa nhà chung cư như một phần của đợt kiểm tra bắt buộc 10 năm.

Một người đã cố đẩy cửa boongke để bịt kín nhưng nó không nhúc nhích. Một lỗ thông hơi được kẹp giữa các chậu cây và một vật trang trí bằng đá được cho là phù hợp, nhưng một đường hầm thoát hiểm đầy mạng nhện dẫn đến một hố ga sâu không có thang.

"Nơi trú ẩn này không thể sử dụng được trong tình trạng hiện tại", trưởng nhóm Gregory Fuhrer kết luận. Chủ sở hữu sẽ được gia hạn 1 năm để sửa chữa các lỗi hoặc phải trả 800 Franc (896 USD) cho mỗi chỗ ở của cư dân trong một nơi trú ẩn công cộng, ông nói thêm.

Thụy Sĩ đã tránh xa các cuộc chiến tranh nước ngoài kể từ khi trở thành quốc gia trung lập vào năm 1815. Nước này từng bị Pháp chiếm đóng vào thế kỷ 18 và hứng chịu một số cuộc không kích trong Thế chiến II.

Ông Delarageaz cho biết, văn phòng của ông đã nhận được một lượng lớn cuộc gọi từ những cư dân lo lắng về nơi trú ẩn sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào đầu năm 2022.

"Đột nhiên... chúng tôi dồn dập nhận được những câu hỏi kiểu nơi trú ẩn ở đâu, nơi trú ẩn đã sẵn sàng chưa…", ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng các yêu cầu xin một chỗ trú ẩn từ công dân của các nước láng giềng đã bị từ chối.

Trong khi hầu hết người Thụy Sĩ đều có nơi trú ẩn riêng, một số người lại dựa vào các hầm trú ẩn cộng đồng. Bên cạnh văn phòng của ông Delarageaz là một trong 350 nơi trú ẩn như vậy của bang, được bảo dưỡng tốt với giường tầng và nhà vệ sinh.

Gần đó là một trung tâm chỉ huy ngầm, một bệnh viện ngầm có phòng phẫu thuật và phòng tắm khử trùng cùng một hầm trú ẩn để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật.

Minh Đức (Theo Asia One)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thuy-si-tinh-cai-tao-mang-luoi-ham-tru-an-hat-nhan-204241214210754832.htm
Zalo