Thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ mở toàn bộ 6 cửa xả cắt giảm lũ
Do lượng nước đổ về hồ chứa nhiều nên Thủy điện Bản Vẽ đã mở 6 cửa xả để điều tiết nước, cắt giảm lũ cho vùng hạ du.
Thủy điện điều tiết nước để cắt giảm lũ cho vùng hạ du
Sáng 9/9, ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây mưa lớn ở một số khu vực thượng lưu hồ chứa thủy điện.
Từ ngày 8/9, lượng nước đổ về hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ (đóng tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) lên đến 1.300m3/s. Trước tình hình trên, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã tiến hành điều tiết nước để cắt giảm lũ cho vùng hạ du theo chỉ đạo.
Do cao trình hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ ở mức 193,4m, vì vậy phía Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã mở toàn bộ 6 cửa xả với tổng lưu lượng 670m3/s. Trong đó, xả nước qua tràn 500m3/s và xả qua tổ máy phát điện là 170m3/s.
"Thủy điện Bản Vẽ sẽ tiến hành xả nước với lưu lượng 670m3/s, bao gồm xả qua tràn 500m3/s, xả qua tổ máy 170m3/s và xả cả 6 cửa. Đến khi lưu lượng nước về hồ dưới 1.000m3/s, sau đó chúng tôi sẽ đóng dần các cửa xả để tích nước và vận hành theo quy định", đại diện Công ty Thủy điện cho biết.
Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung đóng tại địa bàn huyện Tương Dương. Thủy điện Bản Vẽ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Cả.
Hồ thủy điện Bản Vẽ có diện tích mặt nước 8.700km2, chiều dài đập theo đỉnh là 509m, chiều cao đập lớn nhất là 137m.
Sẵn sàng ứng phó với hoàn lưu bão và nước dâng từ thượng nguồn đổ về
Trước đó, vào ngày 5/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cũng đã có lệnh cho Công ty Thủy điện Bản Vẽ tiến hành điều tiết nước trong hồ chứa về mức 193m trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền, với mức xả từ 400m3/s đến dưới 1.000m3/s.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại trong thời gian Thủy điện Bản Vẽ vận hành giảm lũ cho hạ du, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Cụ thể, các đơn vị, địa phương thông báo cho chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; Cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; Các bến đò ngang, đò dọc; Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả nước hồ thủy điện;
Ngoài ra, rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã, thị trấn về việc xả nước các hồ chứa;
Đồng thời phối hợp các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả nước hồ chứa gây ra.