'Thủy cung' ngoài trời tại cầu đi bộ Trần Nhật Duật - địa điểm check-in cực nghệ giữa lòng Hà Nội
Ở phố cổ Hà Nội, cầu đi bộ Trần Nhật Duật sở hữu một 'thủy cung' ngoài trời cực kỳ ấn tượng. Đây sẽ là gợi ý thú vị để du khách khám phá trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này.

Không gian nghệ thuật công cộng bên trong cầu đi bộ Trần Nhật Duật.
Dù đã khánh thành được khoảng 1 năm nay, nhưng thời điểm gần đây, cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ được nhiều bạn trẻ chú ý trở lại nhờ những bức ảnh check-in lung linh, huyền ảo trên mạng xã hội Threads.
Điểm nhấn của cây cầu nằm ở hệ thống tác phẩm sắp đặt ánh sáng rực rỡ, bao gồm mô hình các loài sinh vật biển như cá voi, cá heo, cá đuối, cá kiếm... được làm từ vật liệu tái chế. Dưới ánh sáng của đèn cao áp chiếu xuống cây cầu vào mỗi buổi tối, những tác phẩm này tạo cảm giác như một "thủy cung trên cạn", thu hút không ít bạn trẻ tới đây chụp ảnh.
Bạn Dũng (quận Cầu Giấy) hào hứng chia sẻ: "Tôi vô tình biết đến địa điểm này qua mạng xã hội và rất bất ngờ khi ở Hà Nội lại có không gian độc đáo như vậy. Đi qua cây cầu này khiến việc di chuyển thông thường trở nên thú vị và đặc biệt hơn rất nhiều. Tôi rất trân trọng sự sáng tạo và tâm huyết của những người đã tạo nên công trình này."
Như bao chiếc cầu khác, cầu đi bộ Trần Nhật Duật từ lâu vốn chỉ là một khối kết cấu thép và bê tông đơn điệu, nối khu phố cổ với khu vực Phúc Tân ngoài đê, chủ yếu phục vụ việc đi lại hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, kể từ khi UBND quận Hoàn Kiếm hợp tác cùng nhóm họa sĩ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân và nghệ sĩ thị giác - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, cây cầu này đã có một cuộc "hồi sinh" ngoạn mục. Dự án nghệ thuật công cộng này được khánh thành và khai mạc vào tầm này năm ngoái, cụ thể là ngày 23/4/2024, nhằm chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước và ngày Quốc tế lao động 1/5.

Người dân di chuyển trên cầu như bước vào thế giới đại dương thu nhỏ.
Các mô hình sinh vật biển không chỉ đẹp mắt mà còn được làm hoàn toàn từ vật liệu tái chế thu gom từ khắp nơi trong thành phố. Điều này thể hiện thông điệp bảo vệ môi trường mạnh mẽ, nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức phân loại rác và hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần. Đồng thời, đây cũng là một trong những mục tiêu của nhóm nghệ sĩ: giải quyết vấn đề môi trường thông qua sáng tạo nghệ thuật gần gũi và dễ tiếp cận với công chúng.

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật hóa "thủy cung" lung linh, huyền ảo.
Ngoài ý nghĩa về môi trường, việc cải tạo cây cầu đi bộ Trần Nhật Duật thành không gian nghệ thuật công cộng còn nhằm cải thiện chất lượng và sự an toàn của cây cầu vốn đã xuống cấp sau hơn 10 năm sử dụng. Trước đây, cây cầu này không còn đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, sự cũ kỹ và nguồn sáng yếu có thể gây nguy hiểm cho các em học sinh, người cao tuổi, hay những người bán hàng rong thường xuyên qua lại mỗi ngày.
Việc bổ sung hệ thống ánh sáng nghệ thuật và làm mới không gian cầu không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao thông, giảm bớt nguy cơ mất an ninh mà còn biến nơi đây thành một điểm nhấn văn hóa, kết nối không gian phố cổ trong đê với khu vực Phúc Tân ngoài đê. Điều này gợi mở một hành trình hòa nhập, lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng rộng lớn hơn. Từ đây, một tuyến đi bộ nghệ thuật đặc sắc được hình thành, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và phát triển du lịch cho Hà Nội.

Những mô hình sinh vật biển được làm bằng các vật liệu tái chế, gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường.
Với chủ đề "Nước", nhóm nghệ sĩ đã tái hiện vẻ đẹp sinh động của đại dương , đồng thời gửi gắm thông điệp về sự chuyển động, kết nối và dòng chảy liên tục của đời sống đô thị. Tác phẩm "Thủy cung" của họa sĩ Vũ Xuân Đông mô phỏng một hành lang biển cả, nơi các loài cá lượn lờ dưới ánh sáng rực rỡ, tạo nên cảm giác như đang bước vào một thế giới dưới nước kỳ ảo. Không gian nghệ thuật này được thiết kế để tương tác hài hòa với địa hình cây cầu, tận dụng ánh sáng tự nhiên ban ngày và hệ thống đèn vào ban đêm, giúp cầu không chỉ an toàn hơn mà còn trở nên sống động, hấp dẫn thị giác.

Tác phẩm "Sóng" tái hiện dòng chảy văn hóa Hà Nội qua hình ảnh người lao động xưa dưới ánh sáng đèn LED rực rỡ.
Dọc theo hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề "Sóng" của họa sĩ Lê Đăng Ninh mang đến một lớp nghĩa mới cho không gian nghệ thuật nơi đây. Lấy cảm hứng từ những đợt sóng sông Hồng – dòng sông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội – tác phẩm như một biểu tượng về dòng chảy văn hóa không ngừng nghỉ. Xen kẽ giữa các lớp sóng là những hình ảnh vẽ tay theo kỹ thuật in mộc bản, tái hiện chân dung người lao động thuộc đủ ngành nghề như thợ mộc, gánh hàng, phu xe... được trích từ bộ sưu tập "Kỹ thuật của người An Nam" do Henri Oger thực hiện đầu thế kỷ 20. Khi đêm xuống, ánh sáng đèn LED đa sắc chiếu rọi khiến các hình ảnh hiện lên sống động, tạo hiệu ứng thị giác đầy cuốn hút. Bên cạnh tính thẩm mỹ, tác phẩm còn góp phần tôn vinh giá trị của lao động phổ thông – những con người âm thầm kiến tạo nên diện mạo của thành phố qua từng thời kỳ.

Hình ảnh "Cá chép vượt Vũ Môn" được vẽ ở hai đầu cầu thang, lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống.
Không chỉ tập trung vào phần thân cầu, khu vực chân cầu đi bộ Trần Nhật Duật cũng được chăm chút kỹ lưỡng với điểm nhấn là loạt tranh "Cá chép vượt Vũ Môn" do họa sĩ Cấn Văn Ân thực hiện, lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Hàng Trống. Hình tượng cá chép – biểu tượng cho sự kiên trì, nỗ lực và khát vọng vươn lên – được đặt ở vị trí đầu các bậc thang lên xuống như một lời động viên thầm lặng gửi tới người qua đường. Đặc biệt, với những em học sinh thường xuyên đi bộ qua cầu để đến trường, hành trình leo từng bậc cầu thang mỗi ngày càng trở nên ý nghĩa hơn, gợi liên tưởng đến câu chuyện "cá chép hóa rồng" quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam. Sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu truyền thống và không gian công cộng hiện đại giúp tác phẩm này vừa gần gũi, vừa truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng.

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật về đêm với ánh sáng rực rỡ, tạo nên không gian nghệ thuật độc đáo giữa lòng phố cổ.
18 giờ mỗi ngày, khi thành phố lên đèn, cầu đi bộ Trần Nhật Duật khoác lên mình diện mạo rực rỡ của một "thủy cung" ngoài trời sống động và đầy cuốn hút. Không chỉ mang ý nghĩa về nghệ thuật, môi trường và cộng đồng, không gian này còn là một địa điểm check-in độc đáo, hoàn toàn miễn phí, dành cho bất kỳ ai muốn khám phá một Hà Nội mới mẻ từ những điều tưởng chừng quen thuộc.
Ngoài ra, vị trí của cầu nằm ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm, rất gần các khu phố đi bộ, chợ đêm, các điểm tham quan nổi tiếng như Hồ Gươm, Nhà hát Lớn hay Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm... giúp bạn dễ dàng kết hợp nhiều trải nghiệm trong cùng một hành trình. Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, nếu bạn đang tìm một nơi vừa đẹp, vừa ý nghĩa để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, đừng bỏ lỡ cơ hội dừng chân tại cây cầu nghệ thuật đặc biệt này.