Thụt tháo đại tràng không đúng cách có thể gây nguy hiểm tính mạng
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị vỡ đại tràng, trực tràng do tự thụt tháo tại nhà.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Một trong những ca bệnh đáng chú ý xảy ra vào khoảng 16h ngày 17/2/2025, khi khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam 78 tuổi, trú tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu, mạch nhanh, huyết áp tụt sau khi tự thụt tháo đại tràng tại nhà.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đã nhiều lần sử dụng phương pháp thụt nước qua đường hậu môn để làm sạch đại tràng và điều trị táo bón. Tuy nhiên, trong lần tự thụt tháo này, bệnh nhân đột ngột đau dữ dội vùng bụng dưới, chảy máu qua hậu môn nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có dịch và khí trong ổ bụng, nghi ngờ vỡ trực tràng. Ngay sau đó, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Ngoại Tiêu hóa đã tiến hành hội chẩn và phẫu thuật cấp cứu để xử trí tổn thương.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị vỡ phần cuối đại tràng, khiến phân và dịch tiêu hóa tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu lại vết vỡ đại tràng, rửa sạch ổ bụng và đặt hậu môn nhân tạo. Nhờ được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, do tuổi cao và thể trạng gầy yếu, bệnh nhân phải chịu đựng một cuộc mổ nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt.
Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn liên tục tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị thủng đại trực tràng do tự thụt tháo tại nhà nhằm mục đích thải độc, chữa bệnh, giảm cân hoặc làm đẹp. Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng của phương pháp này. Theo các bác sĩ, việc bơm nước vào hậu môn thường xuyên có thể làm giảm kích thích trực tràng, dẫn đến mất phản xạ đại tiện. Khi không thụt tháo, bệnh nhân có thể bị táo bón nặng, lâu dần không thể tự đi đại tiện. Nguy cơ vỡ trực tràng cũng tăng lên do người bệnh không còn cảm giác buồn đại tiện, dễ bơm quá nhiều nước vào trực tràng.
Ngoài ra, thụt tháo không đúng cách còn gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm tăng nguy cơ viêm đại trực tràng, mất nước, rối loạn điện giải, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột. Các bác sĩ khuyến cáo rằng thụt tháo đại tràng chỉ nên được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tại các cơ sở y tế có cấp phép. Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định hiệu quả của phương pháp thải độc này. Vì vậy, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn các phương pháp làm sạch cơ thể.
Thay vì áp dụng các biện pháp chưa được chứng minh khoa học, mỗi người nên bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế bia rượu, thịt đỏ và thực phẩm nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen vận động thường xuyên cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Khi gặp các dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến hậu môn, trực tràng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.