Thường xuyên xao nhãng, mất tập trung do đâu?

Thường xuyên xao nhãng, mất tập trung (tiếng Anh: Zone out) có thể ảnh hưởng tới chất lượng học tập và công việc của bạn. Nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Zone out là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng cơ thể trở nên xao nhãng, mơ màng, mất tập trung hơn bình thường, cảm giác giống như tâm trí "tạm thời bị đóng băng", tạm thời "quên mất" mình đang ở đâu hay đang làm gì và bạn không thể chú tâm vào sự việc đang xảy ra xung quanh như bình thường.

Hiện tượng này bắt nguồn từ sự tương tác của các mạng lưới trong não, đặc biệt là vùng não hoạt động mặc định (default mode network), chịu trách nhiệm cho "nội tâm bên trong", hoạt động khi chúng ta thiếu sự gắn kết với thế giới bên ngoài mà lại quá tập trung vào suy nghĩ bên trong.

1. Thường xuyên xao nhãng, mất tập trung do đâu?

Về mặt tâm lý học thì zone out là một "hình thức" nghỉ ngơi của tâm trí, nhận thức. Người trong trạng thái zone out sẽ tách biệt về mặt tinh thần ra khỏi môi trường xung quanh, trở nên xao nhãng và mất tập trung giống như bị "ngắt kết nối" với thế giới bên ngoài. Các dấu hiệu nhận biết một người rơi vào trạng thái phân ly (dissociation), trở nên xao nhãng hơn điển hình là: Nhìn xa xăm, mắt dường như trống rỗng; giảm khả năng phản ứng với các kích thích từ môi trường bên ngoài.

Thường xuyên xao nhãng, mất tập trung do đâu? Ảnh: ST

Thường xuyên xao nhãng, mất tập trung do đâu? Ảnh: ST

Theo Medical News Today, dưới đây là những nguyên nhân khiến một người thường xuyên xao nhãng, mất tập trung hay nguyên nhân gây ra tình trạng zone out mà bạn có thể tham khảo:

- Mệt mỏi: Mệt mỏi quá mức có thể ảnh hưởng tới cách não hoạt động bình thường. Trong khi nhìn thì có vẻ bạn đang hoàn toàn tỉnh táo nhưng não lại có thể đột nhiên bị tình trạng tựa như sương mù não. Hầu hết sự xao nhãng, mất tập trung do mệt mỏi chỉ là tạm thời, kéo dài vài giây - vài phút - hoặc dài hơn nhưng thường biến mất nếu bạn nghỉ ngơi đầy đủ sau khi làm việc quá sức, thiếu ngủ hay các hoạt động thể chất gắng sức quá mức.

- Căng thẳng và lo âu: Căng thẳng, lo âu có liên quan mật thiết tới cách não bộ hoạt động. Theo đó, não của bạn có thể "ngừng giao tiếp" tạm thời nếu như bị quá tải. Theo Very Well, căng thẳng đã được chứng minh là có liên quan tới sự giải phóng hormone cortisol có thể gây mất cân bằng chức năng não. Nồng độ cortisol càng cao có liên quan tới khả năng kém tập trung, xao nhãng ngay cả khi không có bất kỳ một tình trạng sức khỏe tâm thần nào khác chẳng hạn như hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn).

- Huyết áp thấp: Tình trạng huyết áp thấp khiến lưu lượng lên não giảm có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, choáng váng do não bị thiếu oxy. Và huyết áp thấp cũng có thể gây ra tình trạng phân ly thậm chí mất nhận thức chung trong vài giây hoặc vài phút do thiếu oxy trong các mô của vỏ não sau giữa (posteromedial cortex, là vùng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trạng thái ý thức).

Về mặt tâm lý học thì zone out là một "hình thức" nghỉ ngơi của tâm trí, nhận thức (Ảnh: ST)

Về mặt tâm lý học thì zone out là một "hình thức" nghỉ ngơi của tâm trí, nhận thức (Ảnh: ST)

- Đường huyết thấp: Khi lượng đường trong máu thấp kéo dài có thể ảnh hưởng tới não bộ, khiến người bệnh khó tập trung, cảm thấy lú lẫn và giảm khả năng ghi nhớ. Còn gọi là triệu chứng giảm thần kinh (neuroglycopenia), bắt đầu bằng sự phân ly ý thức, xao nhãng hơn trước khi chuyển sang lú lẫn, buồn ngủ và co giật. Điều này được giải thích là do glucose (lượng đường trong máu) là nhiên liệu chính cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Các triệu chứng hạ đường huyết có thể gồm chóng mặt, choáng váng; run rẩy; đổ mồ hôi, ớn lạnh; nhịp tim đập nhanh hơn;...

- Hội chứng đau nửa đầu: Đau nửa đầu thường gây ra cơn đau đầu dữ dội ở một bên đầu. Đôi khi, cơn đau có thể dữ dội đến mức có thể khiến bạn mất nhận thức tạm thời về môi trường xung quanh. Mặt khác, những người bị chứng đau nửa đầu mãn tính có thể trải qua các cơn phân ly, xao nhãng hay mất tập trung bất kể cơn đau nhẹ hay nặng. Các biểu hiện này thường xảy ra trước cơn đau đầu thực sự và kèm theo chứng tăng nhạy cảm đột ngột với ánh sáng, âm thanh.

- Chất gây nghiện: Có nhiều chất hướng thần có thể gây ra tình trạng phân ly dẫn tới ảo giác hoặc các thay đổi hành vi và tâm thần khác trong thời gian ngắn hoặc dài tùy mức độ sử dụng. Đó có thể là rượu bia, các chất gây nghiện,...

- Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua: Triệu chứng thiếu máu não thoáng qua có thể cảnh báo tình trạng đột quỵ nghiêm trọng sẽ xảy ra trong tương lai gần. Một cơn thiếu máu não thoáng qua vẫn có thể ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát cơ và hoạt động của não. Trong đó, tình trạng phân ly, xao nhãng của tâm trí tương là biểu hiện tương đối phổ biến của cơn thiếu máu não thoáng qua.

Nếu chỉ thỉnh thoảng bị xao nhãng, mất tập trung mà không ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc hay học tập thì bạn không cần quá lo lắng (Ảnh: ST)

Nếu chỉ thỉnh thoảng bị xao nhãng, mất tập trung mà không ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc hay học tập thì bạn không cần quá lo lắng (Ảnh: ST)

Các triệu chứng khác bao gồm: Yếu và/hoặc mất cảm giác ở một bên cơ thể, lú lẫn hoặc mất phương hướng, thay đổi về thị lực như nhìn mờ hoặc tầm nhìn đôi, chóng mặt và choáng váng, nói lắp, mất phối hợp các chi cơ thể. Tần suất của các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ tắc nghẽn lưu lượng máu như thế nào.

- Cơn động kinh vắng ý thức: Người bị động kinh vắng ý thức thường đột ngột rơi vào trạng thái ngây người ra, như đang nhìn bất thần vào khoảng không trong khoảng 10 - 20 giây. Sau đó sẽ nhanh chóng tỉnh lại như bình thường. Các biểu hiện của cơn vắng ý thức thoáng qua rất nhẹ, khó phát hiện nhưng không có nghĩa là không nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.

Triệu chứng của cơn động kinh vắng ý thức có thể kể đến như: Đột ngột dừng di chuyển nhưng không bị ngã, liếm môi, giật ở mí mắt hay chớp mắt nhanh, các chuyển động nhỏ ở cả hai tay và không nhớ những gì vừa xảy ra xung quanh.

- Cơn mất trí nhớ thoáng qua:Là tình trạng gián đoạn tạm thời của trí nhớ ngắn hạn, có thể liên quan tới bệnh động kinh, đột quỵ hay do chấn thương não nhưng cũng có thể xảy ra sau các sự kiện gây sang chấn tâm lý, gây sốc. Cơn mất trí nhớ thoáng qua có thể kéo dài hàng giờ liền nhưng không quá 24 giờ. Nếu bạn gặp phải cơn mất trí nhớ thoáng qua, bạn sẽ không nhớ các sự kiện vừa xảy ra, mặc dù bạn có vẻ cư xử bình thường với những người xung quanh.

Một đặc điểm chung của cơn mất trí nhớ thoáng qua gồm các câu hỏi lặp đi lặp lại của người bệnh, thường là cùng một câu hỏi như: "Tôi đang làm gì ở đây?" hoặc "Làm thế nào chúng ta đến đây?".

Khi nào tình trạng phân ly, xao nhãng cần thăm khám bác sĩ?

Khi nào tình trạng phân ly, xao nhãng cần thăm khám bác sĩ?

- Rối loạn phân ly: Các tình trạng rối loạn tâm thần liên quan đến sự tách biệt và cảm giác mất kết nối hoặc tách biệt khỏi cơ thể. Dấu hiệu và triệu chứng của người mắc tình trạng này sẽ phụ thuộc vào các kiểu rối loạn phân ly. Trong đó, có biểu hiện mất trí nhớ (Amnesia) trong khoảng thời gian nhất định, liên quan đến sự kiện, con người, thông tin cá nhân. Những biểu hiện bệnh có thể thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng hoặc cũng có thể bị tái phát trở lại khi các sự kiện sang chấn tâm lý vẫn tiếp tục diễn ra.

2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Nhìn chung, nếu chỉ thỉnh thoảng bị xao nhãng, mất tập trung mà không ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc hay học tập thì bạn không cần quá lo lắng. Nhưng hãy thăm khám và trao đổi với bác sĩ nếu như tình trạng mất tập trung của bạn có liên quan tới bất kỳ điều nào sau đây:

- Bạn thường xuyên rơi vào trạng thái phân ly lặp đi lặp lại.

- Bị mất trí nhớ, không thể nhớ lại các sự kiện đã xảy ra hoặc những việc bạn đã làm trong khi lơ mơ.

- Có các hành vi kỳ lạ khác với tính cách, hoạt động thường ngày của bạn.

- Mất khả năng kiểm soát ruột hoặc bàng quang, bao gồm cả việc không nhận ra bản thân cần đi vệ sinh hoặc không thể di chuyển tới nhà vệ sinh đúng lúc.

- Chấn thương xảy ra khi tâm trí đang ở trạng thái phân ly, đặc biệt là bản thân bạn không thể nhớ được điều gì gây ra chấn thương,...

- Thời gian mỗi cơn phân ly, xao nhãng kéo dài hơn vài phút.

- Kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại như lú lẫn, mất phương hướng.

Nhìn chung thì tình trạng xao nhãng, mơ màng, mất tập trung có thể được cải thiện tùy theo nguyên nhân gây ra là gì, đa phần nếu như nguyên nhân là do mệt mỏi, hoạt động quá sức, buồn chán thì nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, học cách kiểm soát căng thẳng, hạn chế làm quá nhiều việc cùng một lúc, thực hành chánh niệm và hít thở sâu, tập trung vào các hoạt động kích thích đa giác quan và trị liệu tâm lý có thể hữu ích.

Tuy nhiên, khi các cơn phân ly, xao nhãng của tâm trí trở nên thường xuyên, kéo dài và có xu hướng gây hại cho bản thân thì cần được can thiệp y tế bởi bác sĩ chuyên môn. Điều quan trọng là việc ghi lại các mốc thời điểm mà bạn nhận ra mình đã bị xao nhãng, mơ màng sẽ rất hữu ích trong việc chẩn đoán cũng như nhờ người khác giúp đỡ để tránh nguy hiểm.

Châu Anh (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuong-xuyen-xao-nhang-mat-tap-trung-do-dau-20250506102601794.htm
Zalo