Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo thực hiện cải cách tiền lương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết chưa có cơ sở để đề xuất năm 2026 có điều chỉnh mức lương cơ sở hay không.

Phiên họp sáng 17/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 44, sáng 17/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Tại báo cáo này, Chính phủ cho biết từ 1/7/2024, lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP.
Như vậy, so với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW) thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng thêm 68,3%) cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.
Về chế độ tiền thưởng, theo báo cáo, căn cứ thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai xây dựng Quy chế tiền thưởng của cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực nổi trội, thành tích đặc biệt xuất sắc thì được hưởng tiền thưởng theo thành tích xuất sắc do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định từ quỹ tiền thưởng.
Ngoài ra, từ 1/7/2024, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.
Đối tượng nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi điều chỉnh theo mức điều chỉnh chung nêu trên, những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tháng; Những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Dự kiến kinh phí thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp trong năm 2024 là 16.786 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%.
Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung có mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/1 người/1 lần. Trong đó điều chỉnh cơ cấu nội dung chi bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; tham quan...
Mức chuẩn trợ giúp xã hội là 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9%). Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng, tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.
Chính phủ khái quát việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Những điều chỉnh này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.
Phần kiến nghị, Chính phủ cho hay sẽ báo cáo tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (cuối năm 2025) nội dung về điều chỉnh tiền lương.
Cụ thể là căn cứ tình hình kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2026 đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng, việc thực hiện một số nội dung cải cách tiền lương được triển khai thực hiện gấp rút, trong bối cảnh vừa thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, vừa rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý để bảo đảm phù hợp trong tình hình mới, vừa điều hành nền kinh tế của đất nước, bám sát các nhiệm vụ được phân công bảo đảm tiến độ và hiệu quả nên khó tránh khỏi những hạn chế nhất định.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung, báo cáo những kết quả đã đạt được, hạn chế và vướng mắc, bất cập, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để có thể thấy được hiệu quả của việc thực hiện chủ trương của Quốc hội đặt trong tổng thể của lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.
Báo cáo thêm cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2026, việc lớn nhất là sẽ phải tập trung hoàn thiện toàn bộ hệ thống thể chế tác động trực tiếp đối với việc xây dựng chính quyền địa phương hai cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với chính quyền địa phương hai cấp.
“Nguồn kinh phí để chi trả cho đối tượng tác động trực tiếp này cũng rất lớn nên chúng tôi chưa dám đề xuất năm 2026 có điều chỉnh mức lương cơ sở và các đối tượng có liên quan hay không, việc đó chúng tôi sẽ báo cáo sau”, bà Trà cho hay.
Theo Bộ trưởng, thời điểm này chưa có căn cứ, chưa có cơ sở đề xuất bởi vì còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế của đất nước năm 2025. Dự báo đang có các khó khăn tác động trực tiếp đến thu ngân sách, “cho nên, chúng tôi thấy rằng việc này sẽ phải lui sau một bước và tính toán, sau đó sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau”, Bộ trưởng trình bày.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khái quát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ đã cụ thể hóa và tích cực triển khai các nội dung về cải cách chính sách tiền lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp người có công và trợ cấp xã hội theo Nghị quyết 142 của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các cơ quan tham gia thẩm tra để bổ sung, hoàn thiện báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Đây là vấn đề rất được cử tri quan tâm - bà Thanh nhấn mạnh.