Thương vụ AI tỷ đô có điều kiện: SoftBank cam kết rót 40 tỷ USD vào OpenAI, định giá lên 300 tỷ USD nhưng buộc phải chuyển đổi thành công ty vì lợi nhuận

Thế giới công nghệ lại được phen xôn xao khi OpenAI, cha đẻ của ChatGPT, vừa công bố huy động thành công khoản đầu tư 'khủng' lên tới 40 tỷ USD từ tập đoàn đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank. Thương vụ này không chỉ đẩy định giá của OpenAI lên mức 300 tỷ USD mà còn đi kèm những điều kiện đáng chú ý.

Theo thông báo được đưa ra vào ngày 1/4 vừa qua, khoản vốn mới sẽ giúp OpenAI tăng cường năng lực tính toán, nâng cấp các công cụ nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), phục vụ cho lượng người dùng khổng lồ lên tới 500 triệu lượt truy cập ChatGPT hàng tuần.

Đáng chú ý, "ván cược" trị giá 40 tỷ USD của SoftBank được chia thành hai giai đoạn: 10 tỷ USD dự kiến giải ngân vào giữa tháng Tư và 30 tỷ USD còn lại vào tháng 12. Tuy nhiên, SoftBank đã đặt ra một điều kiện tiên quyết: OpenAI phải hoàn tất việc tái cơ cấu, chuyển đổi sang mô hình công ty vì lợi nhuận (for-profit) trước khi kết thúc năm nay. Nếu quá trình chuyển đổi này không thành công như kỳ vọng, tổng cam kết đầu tư của SoftBank sẽ giảm xuống còn 20 tỷ USD.

Với mức định giá 300 tỷ USD sau vòng gọi vốn này, OpenAI chính thức gia nhập câu lạc bộ các công ty tư nhân giá trị nhất hành tinh, sánh vai cùng những cái tên như SpaceX của Elon Musk, ByteDance (công ty mẹ của TikTok) và gã khổng lồ fintech Stripe. Con số này cũng đánh dấu bước nhảy vọt so với mức định giá 157 tỷ USD mà công ty đạt được sau vòng huy động 6,6 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái.

Sam Altman, CEO của OpenAI, nhiều lần nhấn mạnh rằng việc xây dựng "trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) vì lợi ích của toàn nhân loại" đòi hỏi nguồn lực khổng lồ về năng lực tính toán, năng lượng, hạ tầng toàn cầu và tất nhiên là cả tiền bạc. Khoản đầu tư từ SoftBank được xem là bước tiến quan trọng trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn đó.

SoftBank cũng cho biết họ dự kiến sẽ chuyển nhượng khoảng 10 tỷ USD trong tổng cam kết đầu tư cho các nhà đầu tư khác cùng tham gia (chưa công bố danh tính cụ thể). Một nguồn tin tiết lộ rằng các tên tuổi lớn như Microsoft (đối tác chiến lược hiện hữu của OpenAI), Coatue Management, Altimeter Capital và Thrive Capital có thể nằm trong danh sách này. Để tài trợ cho khoản giải ngân 10 tỷ USD đầu tiên, SoftBank dự kiến sử dụng các khoản vay từ Ngân hàng Mizuho và một số tổ chức tài chính khác.

"Cơn sốt" đầu tư vào lĩnh vực AI đã bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt sau sự phổ biến của các chatbot và sự xuất hiện của các tác nhân AI ngày càng phức tạp. Doanh nghiệp đua nhau tích hợp AI để tối ưu vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm cạnh tranh gay gắt để rót vốn vào các startup AI tiềm năng.

Tuy nhiên, quy mô đầu tư khổng lồ cũng đi kèm những thách thức. Nhà phân tích Gil Luria từ D.A. Davidson & Co nhận định: "OpenAI có những kế hoạch đầy tham vọng và cần lượng vốn cực lớn. Nhưng danh sách nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn ở quy mô này đang thu hẹp, và có thể phần lớn chỉ còn lại SoftBank – vốn chính họ cũng có thể đối mặt với giới hạn về nguồn lực."

Bên cạnh việc huy động vốn, OpenAI cũng đang xúc tiến kế hoạch cải tổ cấu trúc. Công ty cho biết sẽ thành lập một công ty vì lợi ích công cộng (public benefit corporation - PBC) nhằm thu hút thêm đầu tư và nguồn lực, đồng thời tìm cách cân bằng lợi ích giữa các cổ đông và lợi ích cộng đồng.

Ngoài ra, OpenAI cũng đang hợp tác với chính SoftBank và Oracle trong siêu dự án Stargate trị giá 500 tỷ USD, nhằm xây dựng một mạng lưới trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Hoa Kỳ, cung cấp hạ tầng thiết yếu cho các tác vụ AI trong tương lai.

Công ty luật Morrison Foerster của Hoa Kỳ được cho là đơn vị tư vấn pháp lý cho SoftBank trong thương vụ đầu tư này.

Nam Khánh

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/thuong-vu-ai-ty-do-co-dieu-kien-softbank-cam-ket-rot-40-ty-usd-vao-openai-dinh-gia-len-300-ty-usd-nhung-buoc-phai-chuyen-doi-thanh-cong-ty-vi-loi-nhuan-82029.html
Zalo