Thượng tướng Vũ Lăng từ chiến sĩ đọc lời thề quyết tử đến vị tướng anh hùng - Bài 1: Từ chiến sĩ đọc lời thề quyết tử đến dấu ấn Tây Nguyên

Chúng ta đang tiến hành những hoạt động kỷ niệm lớn chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025) mà trong đó, những trận đánh lịch sử, nhân chứng lịch sử luôn được nhắc đến như một sự tri ân, ôn lại truyền thống hào hùng, nhắc nhở mỗi chúng ta phải suy nghĩ và hành động hữu ích hơn trong cuộc sống. Cá nhân tôi cũng vậy, tôi đã thực hiện một loạt các cuộc gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn, tiếp cận tài liệu và viết về nhiều vị tướng, nhân chứng lịch sử. Đó luôn là trách nhiệm và niềm vui nghề nghiệp đối với tôi.

Khi thực hiện loạt bài về Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, ông đã nói với tôi: “Chúng ta đang thực hiện các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà trong đó, Chiến dịch Tây Nguyên mang ý nghĩa vô cùng to lớn, có tính quyết định, là bước ngoặt dẫn đến Bộ Chính trị hạ quyết tâm Giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Nhắc đến Chiến dịch Tây Nguyên, điểm nhấn là chiến thắng Buôn Mê Thuột mà không nhắc đến Thượng tướng Vũ Lăng là không đủ. Với cá nhân tôi, ông luôn là vị tướng lừng danh ở Tây Nguyên”.

Thượng tướng Vũ Lăng là ai?

Tìm hiểu các nguồn tư liệu trong quân sử và gia đình, Vũ Lăng sinh năm 1921, ông quê xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Là một người thông minh, hiếu học, Vũ Lăng đã sớm tham gia cách mạng từ trước năm 1945. Tháng 11 năm 1945, Vũ Lăng tham gia đoàn quân Nam tiến khi giặc Pháp gây hấn ở Sài Gòn, rồi lần lượt mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam và Nam Trung bộ. Đơn vị do ông chỉ huy đã chiến đấu tại chiến trường Khu 6, thuộc tỉnh Bình Thuận. Trong chiến đấu, ông đã có nhiều thành tích, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2 năm 1947. Sau đó, Vũ Lăng được điều động ra Bắc, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy quan trọng: Trung đoàn phó Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 đánh Điện Biên Phủ. Tháng 5 năm 1954, ông là Tham mưu trưởng Sư đoàn 316. Hòa bình lập lại, năm 1956, Vũ Lăng được cử sang Liên Xô học ở Học viện Vô-rô-xi-lốp. Kháng chiến chống Mỹ, ông được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã góp phần công sức vào các công tác chỉ huy chiến đấu trên nhiều mặt trận, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ chiến đấu, đào tạo cán bộ quân sự. Trên cơ sở những đóng góp đó, ông được phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1980), Thượng tướng (1986), và được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý.

 Thượng tướng Vũ Lăng (1921 - 1988) - Ảnh: Tư liệu gia đình

Thượng tướng Vũ Lăng (1921 - 1988) - Ảnh: Tư liệu gia đình

Một điều đặc biệt, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ tháng 12 năm 1946, Vũ Lăng khi đó vừa từ mặt trận Nha Trang ra Bắc được phân công làm Ủy viên tác chiến của Trung đoàn Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ Phủ. Các chiến sĩ Quyết tử quân của Trung đoàn Thủ đô đã chiến đấu anh dũng suốt hai tháng trời trong vòng vây của địch. Ngày 14 tháng 1 năm 1947, tại rạp Chuông Vàng - Hà Nội, trong buổi Lễ Tuyên thệ của Trung đoàn Thủ đô, Vũ Lăng với cương vị tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103 cùng hai chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô được cử lên nhận thanh kiếm quyết tử và đọc lời thề: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong đó có câu: “Hôm nay, chúng ta làm lễ khai sinh đội quân Quyết tử. Chúng ta thề sống chết bảo vệ Thủ đô. Con cháu chúng ta sẽ lấy ngày này là ngày giỗ của chúng ta. Giặc Pháp muốn chiếm Thủ đô Hà Nội, nhưng chúng ta còn, Thủ đô Hà Nội sẽ không bao giờ mất. Xin thề! Xin thề! Xin thề!”.

Những ngày tháng quyết tử ấy, Vũ Lăng cùng đội quân Quyết tử chiến đấu vô cùng dũng cảm. Sau đó, nhận mệnh lệnh từ cấp trên, ông cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn, Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi dẫn hơn 2.500 đồng bào và chiến sĩ ra khỏi Thủ đô Hà Nội an toàn giữa vòng vây giặc Pháp qua ngả đường gầm cầu Long Biên lên chiến khu tiếp tục kháng chiến. Người chiến sĩ Quyết tử Vũ Lăng đã nêu một tấm gương sáng trong những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Thủ đô.

Lên chiến khu, Vũ Lăng được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 - Trung đoàn Thủ đô. Ông đã chỉ huy Tiểu đoàn tham gia các trận đánh Sông Lô, Đại Bục. Trận hạ đồn Đại Bục năm 1949 là một trong những chiến công lớn của Trung đoàn Thủ đô trong dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Năm 1953, Vũ Lăng được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 - Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 do Vũ Lăng chỉ huy đánh chiếm đồi C1 và C2. Trận ác chiến trên đồi C1 diễn ra trong suốt 31 ngày đêm mới giành được chiến thắng. Trong trận chiến ác liệt này, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng đã trực tiếp cầm tiểu liên lao lên cứ điểm cùng với các chiến sĩ.

Vũ Lăng luôn là như vậy. Sâu sát từng chiến sĩ, nắm chắc từng mét hầm hào, tìm ra phương án tiêu diệt từng ụ súng, từng ổ đề kháng của địch. Đó chính là phẩm chất và bản lĩnh của một vị chỉ huy biết tiết kiệm máu xương đồng đội, biết tạo dựng chiến thắng từ trí tuệ và nghệ thuật quân sự của cha ông.

Nhắc đến Vũ Lăng phải nhắc đến thời kỳ ông làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1974); Phó tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Quân đoàn 3 (1975). Đây cũng là thời điểm then chốt khi ta mở chiến dịch Tây Nguyên với đòn điểm huyệt Buôn Mê Thuột rung chuyển và làm thay đổi cục diện toàn bộ chiến trường tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau này, khi đảm đương cương vị Giám đốc Học viện Lục quân, ông đã chỉ đạo nghiên cứu và tổng kết nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Tây Nguyên.

Mặt trận Tây Nguyên sau Hiệp định Pari năm 1973 luôn được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đặc biệt quan tâm. Điều Vũ Lăng vào chiến trường Tây Nguyên đã cho ông thể hiện tư duy quân sự chiến lược xuất sắc, đặc biệt là việc tổ chức các chiến dịch lớn hiệp đồng quân binh chủng. Bản thân ông từng tốt nghiệp xuất sắc tại Học viện Vô-lô-xi-lốp (Liên Xô) năm 1956. Vũ Lăng hiểu sâu sắc một điều rằng, muốn đánh thắng trên chiến trường phải thực hiện những đòn đánh mang tính chất điểm huyệt, đánh sập xương sống phòng thủ của địch, đánh vào nơi địch không ngờ tới, đánh thần tốc, đánh liên hoàn, đánh một trận lớn để mở ra các chuỗi trận liên tiếp khiến địch không thể kịp trở tay.

Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn 3 (ngoài cùng bên phải, hàng đầu) và đồng đội tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn 3 (ngoài cùng bên phải, hàng đầu) và đồng đội tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng từng nhắc đi nhắc lại khi trò chuyện với tôi: “Tính cụ Vũ Lăng thẳng thắn và sâu sắc lắm. Sau này chúng tôi mới hiểu đường đi nước bước của các vị tướng như Vũ Lăng, Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp trong Chiến dịch Tây Nguyên là một liên hoàn kế sách vượt địch một cái đầu, dẫn dắt chúng, lừa chúng vào thế trận đã được cài sẵn, điểm huyệt chúng, điểm huyệt cả quan thầy của chúng. Mà một trong những vị tướng sâu sắc nhất, trầm tính và linh hoạt nhất chính là Thượng tướng Vũ Lăng”.

Trong hồi ký của Trung tướng Khuất Duy Tiến, ông đã viết lại lời nói của Thượng tướng Vũ Lăng khi tổ chức phương án tác chiến trong Chiến dịch Tây Nguyên: “Ta phải tìm mọi cách nhử địch về Kon Tum và Pleiku rồi hãm chúng ở đó, tạo sơ hở Buôn Mê Thuột để ta đột phá thật nhanh vào đây tiêu diệt địch và làm chủ thị xã này trong thời gian ngắn nhất. Sau đó sẽ phát triển đánh chiếm Gia Nghĩa, Phú Bổn để mở rộng khu vực, làm bàn đạp phát triển tiến công các hướng khác. Để thực hiện được ý định này, vấn đề có tính quyết định là lập thế trận chiến dịch. Thế trận đó phải thể hiện chia cắt, vây hãm, vừa vây hãm vừa tiến công, đột phá, vừa bí mật, vừa nghi binh. Tôi giao cho đồng chí Tiến, trưởng phòng Tác chiến làm Tổ trưởng Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh thị xã Buôn Mê Thuột. Các anh nghiên cứu phương án, một là đánh địch không có phòng ngự dự phòng và một phương án nữa là đánh địch có phòng ngự dự phòng. Đánh địch không có phòng ngự dự phòng là số một, ta phải làm mọi cách điều địch theo ý ta để đánh địch không có phòng ngự dự phòng”.

Khi chúng tôi phỏng vấn Trung tướng Khuất Duy Tiến về Thượng tướng Vũ Lăng, vị tướng trận họ Khuất đã nghẹn đi, nước mắt như dồn ứ lên gương mặt phong sương. Ông chầm chậm nói: “Anh Vũ Lăng là một trong những người thầy trong chiến trận của tôi. Tư duy tổ chức các chiến dịch hiệp đồng quân binh chủng của anh sâu sắc lắm. Thế trận Tây Nguyên có được từ những bộ óc quân sự sắc sảo nhất trong đó có anh. Khi anh đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3 đánh thẳng xuống Sài Gòn, những chiến công vang dội của Quân đoàn đều từ những bộ óc xuất sắc của Mặt trận Tây Nguyên trong đó có anh và các anh Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Năng,… Đó chính là sự quý giá nhất mà chúng tôi luôn học tập được ở các anh”.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên mà then chốt nhất là đòn điểm huyệt Buôn Mê Thuột đã cho thấy tài năng quân sự đặc biệt của các vị tướng trong đó có Vũ Lăng. Rất am hiểu mặt trận Tây Nguyên, đặc biệt là hiểu sâu sắc về binh lực của địch, quân ta đã thực hiện liên hoàn kế lừa địch, dụ địch, đánh vào nơi yếu nhất của địch, đánh chiếm Buôn Mê Thuột chỉ trong một ngày khiến cả Tây Nguyên rung chuyển. Tiếp đó quân ta thần tốc đánh lên phía Bắc Tây Nguyên, giải phóng Pleiku và Kon Tum, khiến ngụy quân và ngay cả người Mỹ đều bị bất ngờ, không thể kiểm soát được tình hình buộc phải bỏ Tây Nguyên. Cuộc rút chạy càng trở nên hỗn loạn khi bộ đội ta truy kích, dùng pháo kích đánh địch trên đường số 19 từ Pleiku về Quy Nhơn và đường số 7 từ Phú Bổn về Phú Yên đã khiến Quân đoàn 2 ngụy mất kiểm soát hoàn toàn. Tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy đã phải tự sát trong vô vọng.

Đối với Thượng tướng Vũ Lăng, hành trình từ người chiến sĩ đội quân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” tới người tham gia chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên quả là đã để lại rất nhiều dấu ấn đặc biệt.

(còn nữa)

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thuong-tuong-vu-lang-tu-chien-si-doc-loi-the-quyet-tu-den-vi-tuong-anh-hung-bai-1-tu-chien-si-doc-loi-the-quyet-tu-den-dau-an-tay-nguyen-822301
Zalo