Thượng tướng Lê Huy Vịnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội
Sáng 7-2, tại Hà Nội, đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) về công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Báo cáo với đoàn công tác về công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel khẳng định, thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của Viettel được quan tâm thúc đẩy từ khi Viettel bắt đầu tham gia vào thị trường viễn thông với mục tiêu tự chủ trong thiết kế, xây dựng, vận hành mạng viễn thông.
Sau gần 15 năm tham gia vào lĩnh vực công nghệ quốc phòng công nghệ cao, lũy kế đến năm 2024, Viettel đã và đang thực hiện 204 đề tài, dự án về quân sự, quốc phòng trong các lĩnh vực: Thông tin, tác chiến điện tử, quang điện tử, mô hình mô phỏng, tự động hóa chỉ huy, máy tính quân sự quốc phòng, vệ tinh, tác chiến không gian mạng...
Đến nay, Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, làm chủ và sản xuất đưa vào trang bị nhiều sản phẩm quân sự với tổng giá trị doanh thu hơn 50.000 tỷ đồng. Các sản phẩm được xây dựng phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện tác chiến của Quân đội, được Bộ Quốc phòng nghiệm thu có chất lượng tốt, một số tính năng kỹ-chiến thuật tiên tiến hiện đại, thay thế cho việc nhập khẩu. Hiện tại, Viettel đã nộp hơn 680 đơn đăng ký sáng chế và được cấp 175 bằng sáng chế trong nước; nộp 127 đơn đăng ký sáng chế và được cấp 41 bằng sáng chế tại Mỹ; công bố hơn 400 bài báo khoa học quốc tế.
Đến nay, Viettel đã xây dựng được nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất khoảng hơn 3.000 người; đã xây dựng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng việc nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm công nghệ cao, theo các tiêu chuẩn quốc tế…
Với những thành tích đã đạt được, Viettel đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các tổ chức khoa học và công nghệ khen thưởng cho nhiều công trình nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật. Đặc biệt, tập đoàn đã vinh dự nhận 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thượng tướng Lê Huy Vịnh biểu dương Viettel đã có rất nhiều cố gắng trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung, khoa học công nghệ quân sự nói riêng; thông qua đó đã khẳng định chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp Quân đội, của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị, trên cơ sở kinh nghiệm, nguồn lực, thể chế đã có, Tập đoàn tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2025. Theo đó, tiếp tục triển khai 37 nhiệm vụ khoa học công nghệ chuyển tiếp từ năm 2024 và mở mới 16 nhiệm vụ để triển khai nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm các sản phẩm theo các chương trình, đề án, nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao và nhu cầu của các quân, binh chủng.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để không xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, Viettel cần có những chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Tập đoàn, bảo đảm cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học yên tâm, tập trung vào nhiệm vụ; khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân khi có sáng kiến, ý tưởng, sáng chế, bài báo khoa học; đồng thời tôn vinh, ghi nhận những cá nhân có thành tích xuất sắc...
Thượng tướng Lê Huy Vịnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị dự hội nghị, nhất là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thành công của Viettel để định hướng công tác khoa học công nghệ của cơ quan, đơn vị mình trong những năm tới. Đi liền với xác định được thế mạnh của mình để đầu tư có trọng điểm về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, để lãnh đạo, chỉ đạo tăng tốc bứt phá với những sản phẩm được đánh dấu “sao” về chất lượng; các cơ quan, đơn vị cần chú trọng nghiên cứu về việc hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ thông tin, tạo điều kiện để từng đơn vị học hỏi kinh nghiệm, phát huy thế mạnh của mình…