Thượng tướng Bế Xuân Trường - người con ưu tú của quê hương Cao Bằng

Như một cơ duyên, một ngày tháng 8/2024, Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết công tác vận động tập hợp Cựu quân nhân giai đoạn 2020 - 2023, tôi gặp Thượng tướng Bế Xuân Trường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Khi còn công tác tại Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, tôi từng được tháp tùng Thượng tướng trong những dịp anh vào công tác tại các đơn vị phía Nam nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cuộc trò chuyện với anh - người con ưu tú của quê hương cách mạng Cao Bằng.

GIA ĐÌNH GIÀU TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG NUÔI DƯỠNG NÊN NGƯỜI CON ƯU TÚ

Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Hoài Trung gặp gỡ Thượng tướng Bế Xuân Trường.

Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Hoài Trung gặp gỡ Thượng tướng Bế Xuân Trường.

Thượng tướng Bế Xuân Trường sinh ngày 19/12/1957 tại thôn Hồng Quang, xã Hưng Đạo (trước đây là thuộc huyện Hòa An), thành phố Cao Bằng. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông nội là cụ Bế Tiệp một thầy đồ giỏi, có tiếng trong vùng. Cụ Bế Tiệp sớm giác ngộ cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bác Hồ. Sau Cách mạng Tháng Tám, với danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật, quân của Tưởng Giới Thạch đã truy lùng những người cách mạng, cùng với một số chí sĩ yêu nước khác, cụ Bế Tiệp bị quân Tưởng Giới Thạch bắt sang Trung Quốc rồi bị sát hại.

Ông ngoại của Thượng tướng Bế Xuân Trường cũng giác ngộ và tham gia cách mạng rất sớm. Với vỏ bọc bên ngoài là Lý trưởng để che mắt địch, ông bí mật vận động đồng bào các dân tộc tại địa phương tích cực ủng hộ kháng chiến. Bản thân ông đã bảo vệ, nuôi giấu nhiều cán bộ về hoạt động bí mật tại Cao Bằng, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Chính phủ) đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Bố của Thượng tướng Bế Xuân Trường là ông Bế Giang Hà, sinh năm 1919, tham gia cách mạng từ năm 1943. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp ông Bế Giang Hà làm Chính ủy Đoàn 83. Một điều đặc biệt là Đoàn 83 là đơn vị đầu tiên sang Lào chiến đấu trong liên minh ba nước Đông Dương chống Pháp năm 1949. Với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, ông Bế Giang Hà chuyển ngành làm Chánh Văn phòng Ban Dân tộc Trung ương; ở cương vị công tác nào, ông Bế Giang Hà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Mẹ của Thượng tướng Bế Xuân Trường là bà Lê Thị Miên, sớm tham gia cách mạng, làm giao liên, tiếp tế cho các cơ sở cách mạng bí mật ở Cao Bằng, bà được giao nhiệm vụ nắm tin tức của địch, hàng ngày đưa cơm lên cho đồng chí Phạm Văn Đồng và báo những thông tin cho cách mạng. Bà là một trong những Lão thành cách mạng tỉnh Cao Bằng. Với lòng thành kính và tri ân đến những đồng chí lão thành cách mạng đã từng gắn bó với mảnh đất Cao Bằng trong gian khó, tại nhà của ông ngoại Thượng tướng Bế Xuân Trường vẫn trang trọng giành một gian thờ tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tuổi thơ của Xuân Trường cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác nơi miền biên ải rất vất vả, thiếu thốn đủ điều. Cha đi công tác xa nhà, thương mẹ tần tảo sớm hôm, anh có lối sống tự lập, nhường nhịn, ý chí vượt khó và bản lĩnh vươn lên trong công việc và cuộc sống. Sau mỗi buổi đi học về, những buổi giúp mẹ công việc ruộng, nương hay khi chiều chăn trâu trên đồng quê, Xuân Trường tranh thủ đọc sách, tranh thủ học và tối về bên ngọn đèn dầu leo lét, anh vẫn miệt mài bên những trang sách. Những người bạn cùng học trường cấp 3 đặc biệt Cao Bình ngày đó luôn cảm mến và nể phục anh - một cán sự toán thông minh, học giỏi và sẵn lòng giúp đỡ bạn bè trong học tập.

Ngày đó, Trường cấp 3 đặc biệt Cao Bình là Trường chuyên Toán của tỉnh, nơi hội tụ nhiều thầy giỏi, trò thông minh từ khắp miền quê của tỉnh Cao Bằng về học. Là cán sự toán của lớp, Xuân Trường luôn được phân công đảm nhận giải các đề toán. Trước mỗi bài toán, anh luôn tìm cách giải khác nhau và sau đó chọn cách giải ngắn nhất. Ước mơ của anh là được vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng thời điểm (1972 - 1975), cả nước đang bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với phương châm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” năm 1975, thực hiện lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, anh viết đơn tình nguyện lên đường ra trận trong khí thế hào hùng của dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Tháng 3/1975, Xuân Trường vào bộ đội, khi đơn vị đang huấn luyện tại Sư đoàn 304 thì miền Nam được giải phóng. Sau huấn luyện, anh được điều về đại Đội 3, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 122, Sư đoàn 304. Từ năm 1977 - 1980, anh học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau khi ra trường, anh được điều động về công tác tại Sư đoàn 346, Quân đoàn 26, trải qua các cương vị: Trung đội trưởng, Đại đội trưởng rồi Trợ lý Tác chiến, Phó ban tác chiến, Quyền Trưởng ban tác chiến Sư đoàn 346. Thời gian này, Sư đoàn 346 đảm nhiệm nhiệm vụ phòng ngự mặt trận phía Bắc trên địa bàn các huyện: Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Thời gian làm cán bộ tác chiến tại Sư đoàn 346, với trí thông minh, sáng tạo và dũng cảm, anh được Sư đoàn trưởng Phạm Quang Bào rất tin tưởng. Anh được Thủ trưởng Sư đoàn đánh giá là sĩ quan có năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Từ kết quả trong công tác, từ năm 1985 - 1988, anh được cử đi học tại Học viện Lục quân. Sau khi đỗ thủ khoa Học viện Lục quân, anh về công tác tại Trung đoàn 529, Sư đoàn 311, Quân đoàn 26 trên cương vị Trung đoàn phó Tham mưu trưởng, quyền Trung đoàn trưởng. Một thời gian sau, Trung đoàn 529 chuyển về trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng. Tháng 9/1990, Bế Xuân Trường được bổ nhiệm làm Phó Tham mưu trưởng kiêm Trưởng ban Tác chiến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng.

Từ năm 1996 - 1998, Xuân Trường tiếp tục đi học tại Học viện Quốc phòng, cũng như những lần trước đó, với trí thông minh và sáng tạo trong học tập, anh đã đỗ thủ khoa. Sau khi ra trường, anh được bổ nhiệm làm Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 3 rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng đóng quân tại Lạng Sơn và Bắc Giang làm nhiệm vụ trấn ải phía Bắc Tổ quốc). Ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn 3 còn xây dựng tình đoàn kết quân dân nơi biên giới, bám bản làng, bám biên giới cùng các lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

DẤU ẤN CỦA VỊ TƯỚNG, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TÂM HUYẾT

Trong thời gian công tác tại Sư đoàn 3 (từ năm 1998 - 2004), Sư đoàn trưởng Bế Xuân Trường đã cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng ba con đường cho nhân dân địa phương: đường đèo Lừa, đèo Thạc tại huyện Hữu Lũng và đường Kéo Ca tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Đơn vị tích cực tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo của các tỉnh trên địa bàn đơn vị đứng chân. Có đường, có điện, đời sống bà con từng bước đổi thay, đến thăm xã Tân Lập hôm nay, những mái nhà trù phú, giao thông thuận tiện, cuộc sống ấm no. Ông Long Hữu Thọ, thôn Lập Thạch, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn cho biết: “Bà con địa phương luôn biết ơn Sư đoàn 3, Quân khu 1 đến giúp bà con hạ cái đèo Thạc, ai cũng phấn khởi, mọi người thường nhắc nhở nhau khi qua đèo Thạc ghi nhớ những công sức và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn”.

Năm 2003, Bế Xuân Trường học lớp Chiến dịch Chiến lược 2 tại Học viện Quốc phòng, sau đó, về công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 1. Trong 10 năm công tác tại Quân khu 1 (2004 - 2014), anh đã trải qua các cương vị công tác: Phó Tham mưu trưởng Quân khu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu, Tư lệnh Quân khu 1. Anh cùng với Thường vụ Đảng ủy Quân khu phối hợp với đảng ủy, chính quyền địa phương 6 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Thái Nguyên xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng an ninh, đề cao, coi trọng thế trận lòng dân.

Năm 2014, anh được điều động về Bộ Tổng tham mưu với cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách Tác chiến. Tháng 10/2015, anh được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, khoa học quân sự. Sau đó, được Chủ tịch nước thăng quân hàm Thượng tướng.

Thượng tướng Bế Xuân Trường là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, khoa học quân sự, Thượng tướng Bế Xuân Trường luôn sâu sát, trách nhiệm và quyết tâm cao, truyền cảm hứng cho cấp dưới để từ đó tập hợp được đông đảo đội ngũ khoa học công nghệ trong và ngoài quân đội, xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm tạo bước đột phá cho những năm tới đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Một quan điểm luôn nhất quán, kiên định nơi Thượng tướng Bế Xuân Trường đó là xây dựng và phát triển đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ đất nước cũng như an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trên nghị trường, anh đã có nhiều ý kiến góp phần không nhỏ cùng các đại biểu uy tín tác động đến những quyết định của Quốc hội, Chính phủ trong việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách pháp luật quan trọng. Đại biểu Bế Xuân Trường cũng bày tỏ quan điểm về xây dựng nền quốc phòng vững chắc cần đi đôi xây dựng quốc gia giàu mạnh không những cần phải có biên cương bờ cõi vững bền như đường biên giới cứng mà còn cần những quyền lực mềm từ kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục là chất lượng sống của nhân dân đặc biệt là bà con các dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ, quan tâm làm sao cho cái bụng phải ấm phải no thì người dân mới tin vào Đảng, Nhà nước mới bảo vệ được vùng “phên dậu” của Tổ quốc. Đại biểu Bế Xuân Trường cho rằng, vấn đề kinh tế biển phải gắn với quốc phòng an ninh bảo vệ chủ quyền biển đảo và từ đó đề xuất phải luật hóa việc phát triển kinh tế biển và nêu chủ trương dân sự hóa những đảo xa bờ.

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khẳng định: “Tôi rất ấn tượng về đại biểu Bế Xuân Trường, quan điểm hết sức rõ ràng, khi đồng chí tham gia về chủ trương dân sự hóa của đảo Trường Sa của chúng ta dựa trên quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhưng đây là cách làm tích cực của đồng chí Bế Xuấn Trường, từ quan điểm của Đảng muốn đưa ra người dân thực hiện phải thể chế hóa về mặt nhà nước là thành pháp luật. Sau này chúng ta đã thông qua Luật biển Việt Nam, có một chương phát triển kinh tế biển để chúng ta củng cố phát triển quần đảo Trường Sa của chúng ta không chỉ về mặt quốc phòng mà còn kết hợp rất chặt chẽ phát triển kinh tế”.

Tháng 12/2021, anh nghỉ hưu. Tháng 12/2022, Thượng tướng Bế Xuân Trường được đại hội đại biểu Cựu chiến binh toàn quốc lần thứ 7 bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Thượng tướng Bế Xuân Trường tặng quà cho xóm Đồng Chúp, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Thượng tướng Bế Xuân Trường tặng quà cho xóm Đồng Chúp, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Với Thượng tướng Bế Xuân Trường, truyền thống gia đình, quê hương, luôn là dòng chảy xuyên xuốt trong cảm thức, niềm tự hào thiêng liêng trong mỗi người dân đất Việt. Dù ở cương vị nào, anh luôn hướng về quê hương với những hoạt động nghĩa tình, nhằm tri ân vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Con đường liên xã nối liền 6 xóm, Nhà văn hóa thôn Hồng Quang, xã Hưng Đạo (Thành phố) được anh đóng góp công sức xây dựng. Mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng có dịp, Thượng tướng Bế Xuân Trường lại dành thời gian về thăm quê hương Cao Bằng yêu dấu, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhân dân, đặc biệt các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách tại địa phương để lắng nghe tâm tư tình cảm, để thấu hiểu mọi nỗi vui buồn, những khó khăn thuận lợi trong cuộc sống của nhân dân, chuyển hóa những tình cảm đó thành những hành động thiết thực.

Trong cuộc sống đời thường, Thượng tướng Bế Xuân Trường là người khiêm nhường, giản dị, cởi mở, gần gũi với nhân dân, với bà con quê hương, anh là một vị tướng có tư duy và tầm nhìn chiến lược sâu rộng trước mọi vấn đề lớn nhỏ, hội tụ đủ các yếu tố về tư chất: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung. Được đông đảo nhân dân và đồng đội luôn nhớ tới, là tấm gương sáng “Bộ đội Cụ Hồ” hết lòng vì nước, vì dân.

Đoàn Hoài Trung

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thuong-tuong-be-xuan-truong-nguoi-con-uu-tu-cua-que-huong-cao-bang-3171432.html
Zalo