'Thương trường hóa' các cuộc thi Hoa hậu: Xu hướng hay biến chất?

Nhiều cuộc thi Hoa hậu thi nhau biến thành 'thương trường' khiến công chúng thổi bùng tranh cãi.

Cuộc thi Hoa hậu lớn nhỏ thi nhau "thương trường hóa"!

Diễn ra trong hàng chục thập kỷ và "đóng đinh" trong một khuôn khổ nhất định khiến "gia vị" về các cuộc thi Hoa hậu nhạt dần với khán giả. Nhiều sân chơi đồng loạt theo đuổi đường hướng mới nhằm định vị sự đa dạng.

Engfa Waraha không chỉ là một Hoa hậu, cô phát triển ở hình mẫu nghệ sĩ giải trí. (Ảnh tổng hợp)

Engfa Waraha không chỉ là một Hoa hậu, cô phát triển ở hình mẫu nghệ sĩ giải trí. (Ảnh tổng hợp)

Không còn là mô hình tìm kiếm một biểu tượng nhan sắc thông thường, nhiều sân chơi "đổ xô" xây dựng tính giải trí. Thậm chí, một số cuộc thi đình đám như Miss Universe hay Miss Grand International còn biến chính mình thành "thương trường".

Mở màn cho trào lưu này được cho bắt nguồn từ Miss Grand Thailand - nhánh nhỏ của "cuộc thi mẹ" Miss Grand International của ông Nawat. Khi từ 2 - 3 mùa giải gần đây, các thí sinh đều phải tham gia phần thi livestream bán hàng. Khung cảnh những người đẹp thi nhau í ới, trình diễn kỹ năng buôn bán online gây hỗn loạn khán phòng gây ngán ngẩm,

Thậm chí, ông Nawat tiếp tục đưa yếu tố bán hàng được nhiều doanh thu vào tiêu chí chọn lựa thí sinh vào top 10 chung cuộc hoặc được hưởng những đặc quyền có trong cuộc thi. Không ít lần, chủ tịch cuộc thi Miss Grand International còn bắt các Hoa - Á hậu sau khi đăng quang phải livestream bán các sản phẩm của ông.

Nhiều người đẹp xuất thân từ Miss Grand bị ông Nawat bắt livestream bán hàng. (Ảnh tổng hợp)

Nhiều người đẹp xuất thân từ Miss Grand bị ông Nawat bắt livestream bán hàng. (Ảnh tổng hợp)

Trước đó, ông Nawat thường xuyên bắt các hoa hậu, á hậu của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế và Hoa hậu Hòa bình Thái Lan livestream bán các sản phẩm của vị chủ tịch này.

Không riêng gì Miss Grand International, cả cuộc thi khốc liệt nhất hành tinh Miss Universe cũng bị "thương trường hóa". Từ giai đoạn năm 2020, khi vào tay bà Anne Jakkaphong Jakrajutatip, sân này đã tăng giá bản quyền lên con số "khủng khiếp". Hệ quả cho đường hướng này chính là nhiều tổ chức lâu đời tại các quốc gia đồng loạt tháo chạy, không đấu thầu bản quyền Miss Universe.

Tình huống này cũng diễn ra tương tự tại "nhánh nhỏ" Miss Universe Thailand, khi cuộc thi có chủ mới là ông Nawat. Hàng loạt những doanh nhân cũng phải trả một số tiền lớn để mua bản quyền Miss Universe Thailand mang quy mô cấp tỉnh.

Thí sinh Miss Universe cấp tỉnh tại Thái Lan cũng phải livestream bán hàng. (Ảnh tổng hợp)

Thí sinh Miss Universe cấp tỉnh tại Thái Lan cũng phải livestream bán hàng. (Ảnh tổng hợp)

Các thí sinh của mùa giải Miss Universe Thailand 2025 còn phải tích cực thi nhau bán hàng livestream nhằm "lấy lòng" ông Nawat. Điều này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của cuộc thi Miss Universe Thailand trước đó.

Ngoài ra, việc ông Nawat còn nhúng tay vào khâu tổ chức Miss Universe 2025, nắm vai trò giám đốc điều hành, khiến công chúng lo ngại chuyện các Hoa - Á hậu tương lai của sân chơi này cũng phải rơi vào tình cảnh như Miss Grand International.

Veena Praveenar Singh - cựu Á hậu 2 Miss Universe Thailand phải tích cực livestream bán hàng để "lấy lòng" ông Nawat. (Ảnh tổng hợp)

Veena Praveenar Singh - cựu Á hậu 2 Miss Universe Thailand phải tích cực livestream bán hàng để "lấy lòng" ông Nawat. (Ảnh tổng hợp)

Biến cuộc thi Hoa hậu thành chốn "thương trường": Nên hay không?

Các cuộc thi sắc đẹp ngày nay càng trở thành sân chơi chuyên nghiệp, đa dạng hình thức, thu hút nhà tài trợ và đầu tư truyền thông mạnh mẽ. Điểm sáng từ việc này chính là sự nâng cao chất lượng tổ chức, trải nghiệm của thí sinh cũng được nâng cao đáng kể.

Điển hình như một số người đẹp sau cuộc thi đã phát triển thành doanh nhân, nghệ sĩ hay infuluencer. Điều này phản ánh rõ về việc tạo ra bệ phóng cho sự nghiệp cá nhân.

Đương kim Miss Universe. (Ảnh tổng hợp)

Đương kim Miss Universe. (Ảnh tổng hợp)

Nhưng mặt trái từ xu hướng này cũng dần lộ rõ. Việc thương mại hóa quá mức hay biến cuộc thi nhan sắc thành thương trường dễ khiến cuộc thi bị nghi ngờ về tính minh bạch, công bằng. Bên cạnh đó, một số sân chơi như Miss Grand International hay Miss Universe còn bị chỉ trích vì tạo drama để thu hút sự chú ý, thay vì tìm kiếm những hình mẫu nhan sắc. Không ít người lo ngại yếu tố truyền thống, văn hóa cốt lõi của các cuộc thi Hoa hậu đang dần bị đánh đổi lấy sự "ăn khách" và tính thị trường.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, nếu không có những yếu tố này, các cuộc thi nhan sắc lấy gì để thu hút khán giả. Đặc biệt khi nó đang tồn tại ở thị trường ngày càng "bão hòa".

Miss International không còn tạo được nhiều tiếng vang trên thị trường. (Ảnh tổng hợp)

Miss International không còn tạo được nhiều tiếng vang trên thị trường. (Ảnh tổng hợp)

Khi nhắc đến cuộc thi nhan sắc vẫn thiên về tính chuyên môn, người ta sẽ nghĩ ngay đến Miss World hay Miss International. Nhưng để so sánh về sức hút hay độ bật truyền thông, hai sân chơi này sẽ khó lòng đọ lại những cuộc thi có sự đan xen về yếu tố thị phi, thương mại như Miss Universe hay Miss Grand International. Truyền thông là điều cần có và đóng vai trò khá quan trọng đối với một cuộc thi Hoa hậu trong bối cảnh hiện tại.

Tóm lại, xu hướng chuyên nghiệp hóa, thương mại hóa hay thương trường hóa là điều tất yếu cần có ở một cuộc thi nhan sắc. Nhưng nếu không giữ được giá trị cốt lõi, nó sẽ dễ rơi vào tình huống biến chất. Giá trị cốt lõi đó có thể gói gọn trong một số yếu tố như nhan sắc, trí tuệ và bản sắc. Phát triển bền vững cần là sự dung hòa giữa tính thương mại và giá trị nhân văn.

Tie Nguyên

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/nguoi-mau-hoa-hau/thuong-truong-hoa-cac-cuoc-thi-hoa-hau-xu-huong-hay-bien-chat-202505110722586046.html
Zalo