Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với các đơn vị về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Ngày 25/9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với một số đơn vị về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng chủ trì cuộc làm việc.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng 24/9, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Dự án Luật có bố cục gồm 03 điều, tập trung vào 03 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; hoàn thiện các quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng, ngày 25/9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Y tế về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và đại diện các Cục, Vụ liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo, làm rõ các vấn đề trong thi hành chính sách, pháp luật về quảng cáo, những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua, trong đó có các nội dung mới, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Quảng cáo hiện hành.
Đồng thời, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng giải thích, làm rõ kiến nghị của một số cơ quan báo chí, đại lý quảng cáo, doanh nghiệp về: Việc quy định trách nhiệm của các bên (nhãn hàng, nhà sản xuất nội dung quảng cáo, đại lý quảng cáo, mạng xã hội/cơ quan báo chí đăng tải nội dung quảng cáo); việc bổ sung quy định miễn trừ trách nhiệm đối với hoạt động quảng cáo vi phạm lồng ghép vào chương trình mua bản quyền và tiếp sóng chương trình truyền hình nguyên vẹn từ nước ngoài; quy định cụ thể cơ chế, thời gian cho các đại lý quảng cáo tiếp nhận, phản hồi, điều kiện để gỡ bỏ nội dung quảng cáo…
Cùng với đó, các nội dung như: Cơ chế phân phối quảng cáo phụ thuộc vào thuật toán tự động của các nền tảng mạng xã hội; tình trạng sai phạm khi đại lý quảng cáo bán lại cho bên thứ 3 không tuân thủ pháp luật Việt Nam; quy trình tổ chức, tiếp nhận, rà soát, xử lý vi phạm về quảng cáo trên mạng hiện nay; căn cứ, tiêu chí, cơ sở phân loại để đưa vào các trang blacklist, whitelist… cũng được đưa ra thảo luận, làm rõ tại buổi làm việc.
Trong cuộc làm việc buổi chiều với Bộ Công thương và Bộ Y tế, đại diện hai Bộ cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cho các nội dung được quy định trong dự thảo Luật; đồng thời báo cáo với Ủy ban về công tác phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo thời gian qua; thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động quảng cáo các sản phẩm do Bộ quản lý, cùng những khó khăn, vướng mắc đặt ra.
Ngoài ra, đại diện Bộ Công thương cũng cung cấp các thông tin liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, sản phẩm vi phạm điều kiện quảng cáo; quy trình, cơ chế, phát hiện, tiếp nhận thông tin và xác định chủ thể vi phạm về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực Bộ quản lý, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới…
Về phần mình, đại diện Bộ Y tế cũng trao đổi cụ thể các nội dung về thực trạng cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm quảng cáo thuộc quản lý của Bộ; cùng với đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến dịch vụ khám, chữa bệnh, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng cho rằng, những thông tin về thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về quảng cáo mà các bộ cung cấp, cũng như các ý kiến góp ý, đề xuất bổ sung tại cuộc làm việc sẽ là cơ sở quan trọng cho quá trình thẩm tra và góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trong thời gian tới, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quảng cáo; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Chương trình làm việc, sáng 26/9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung này.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc: