Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chiều 27/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, phương hướng công tác năm 2025 và việc sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN năm 2025 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì cuộc làm việc.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, về lĩnh vực văn hóa, trong năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai, đạt kết quả tích cực trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao (được giao 102 nhiệm vụ, đã hoàn thành 63 nhiệm vụ).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Cùng với đó, triển khai tổ chức 04 Ngày hội văn hóa: “Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Quảng Trị, năm 2024”; “Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024”; “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2024” và “Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024 tại Hà Nội”. Phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975- 30/4/2025…
Theo Báo cáo của Bộ, riêng lĩnh vực du lịch trong 8 tháng đầu năm 2024, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước tăng 46,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tham dự và tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại nước ngoài: Giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hội chợ Travex 2024 tại Lào; Hội nghị Du lịch Việt Nam – Úc; Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc…
Trong năm qua, toàn ngành đã chú trọng đầu tư trọng tâm, trọng điểm các môn thể thao Olympic để đạt suất tham dự Olympic Paris 2024, kết quả có 16 vận động viên/11 môn giành suất tham dự Olympic Paris 2024. Tính đến nay, Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 250 huy chương vàng, 230 huy chương bạc, 229 huy chương đồng tại các sự kiện thể thao quốc tế.
Dự kiến trong năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Thể dục, thể thao và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan năm 2025 và các sự kiện thể thao quốc tế quan trọng khác. Cùng với đó, tiến hành điều tra tài nguyên du lịch và đề xuất sửa đổi Luật Du lịch 2017; triển khai Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam; triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030…
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030….
Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phản ánh khá cụ thể, đầy đủ về tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Trong năm 2025, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể để đề xuất, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, đất đai, thuế, phí… nhằm huy động các nguồn lực phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 (khi được ban hành).
Tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, lưu ý các nhiệm vụ như: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao, chú trọng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; tăng cường đầu tư gắn với nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù…
Về thể thao, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và hướng dẫn cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực thể dục thể thao; nghiên cứu xây dựng các văn bản về tiêu chuẩn chuyên môn và các chế độ, chính sách đặc thù của ngành thể thao. Tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam; tiếp tục nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thị thực theo hướng tạo thuận lợi cho du khách song vẫn bảo đảm an ninh quốc gia và trên cơ sở có đi có lại; nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch, bảo đảm chính xác, khách quan...
Về kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được phê duyệt theo kế hoạch hoạt động hằng năm của từng lĩnh vực; tiếp tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, bảo đảm theo đúng kế hoạch đề ra.
Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ bản các nội dung làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều đạt được nhiều tiếng nói chung khi thảo luận, bởi lẽ hàng năm, hai bên đều phối hợp, làm việc với nhau rất chặt chẽ, các đề nghị của Ủy ban đều được Bộ nghiêm túc tiếp thu và triển khai trong thực tiễn.
Bày tỏ vui mừng khi hoạt động trong lĩnh vực văn hóa những năm trở lại đây đang phát triển đa dạng và dần đi vào nền nếp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, nếu Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được Quốc hội thông qua, năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn để năm 2026 bắt tay ngay vào triển khai. “Rút kinh nghiệm của các giai đoạn trước, hoàn thành xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi càng sớm thì càng có thời gian hướng dẫn tổ chức thực hiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: