Thường trực Thành ủy Hà Nội giao ban với các quận, huyện về quản lý đất đai, sắp xếp tổ chức bộ máy

Chiều 3/4, tại Huyện ủy Đông Anh, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP tổ chức Hội nghị giao ban Quý I/2025 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND TP và các sở, ngành.

Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 3 chủ đề chính, gồm: công tác quản lý đất đai tại các quận, huyện, thị xã trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính. Triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận 128-KL/TW ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ. Việc triển khai số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội.

Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì hội nghị

Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì hội nghị

Dự kiến giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã

Báo cáo về việc triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 128-KL/TW ngày 07/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trần Đình Cảnh cho biết, Hà Nội sẽ còn khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã, phường sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập.

Về nguyên tắc chung, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bảo đảm chính quyền cấp cơ sở mới phải gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất; phát huy tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương...

Thành phố có bổ sung một số nguyên tắc riêng đối với đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội: Thành phố sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển để đảm bảo lâu dài. Về phát triển hiện tại và trong tương lai, tổ chức lại các đơn vị hành chính cơ sở trên cơ sở các nguyên tắc chung nhưng đồng thời có tính đến yếu tố quy hoạch trong tương lai khi thực hiện quy hoạch, cần cụ thể hóa quy hoạch ngay giai đoạn hiện nay (vừa tính hiện tại, tương lai), tính đến xu thế theo quy hoạch định hướng phát triển: Hai đô thị trực thuộc Thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương… Đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (vùng văn hóa Thăng Long, vùng văn hóa xứ Đoài, vùng văn hóa Kinh Bắc, vùng văn hóa Sơn Nam Thượng…).

Đảm bảo được chức năng của từng địa phương (như đơn vị hành chính cơ sở Ba Đình là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, đơn vị hành chính cơ sở Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của 36 phố phường cổ của kinh thành Thăng Long xưa…).

Đảm bảo về địa giới đơn vị hành chính cơ sở, xác định đi theo các trục đường giao thông chính, ranh giới tự nhiên (như: sông ngòi, đường phân thủy, đường tụ thủy,…), địa vật theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập với các đơn vị hành chính khác (có toàn bộ đường địa giới đơn vị hành chính đi qua núi, sông, suối, hồ và khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với đơn vị hành chính liền kề), như: xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Trần Đình Cảnh trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Trần Đình Cảnh trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Về đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp, cùng với cách đặt tên theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin, ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2... Giám đốc Sở Nội vụ TP Trần Đình Cảnh cho biết, Hà Nội cũng đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của Đất nước và Thủ đô. Đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của Đất nước và Thủ đô. Lựa chọn 1 đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp. Ví dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Ông Trần Đình Cảnh cũng cho biết, tiêu chí xác định đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp - thực hiện theo tiêu chí tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng, vùng tỉnh, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Về dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp.

3 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đấu giá đất được khoảng 6.860 tỷ đồng

Báo cáo về công tác quản lý đất đai tại các quận, huyện, thị xã trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, theo đánh giá sơ bộ kết quả rà soát thống kê đất đai năm 2024 trên địa bàn TP Hà Nội, tổng diện tích tự nhiên của TP là 335.983,58ha. Trong đó đất chưa sử dụng dự kiến đến ngày 31/12/2024 còn 2.635ha (đạt tỷ lệ 23,31% so với diện tích phân bổ).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Về công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn TP là 1.678.912 thửa đất. Việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở được 328.690 căn/368.337 căn (tại 787 dự án), đạt 89,92%.

Đến nay nhìn chung công tác GPMB trên địa bàn các quận huyện, thị xã đã đạt được kết quả nổi bật. Trong đó, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai 2024, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và thực tiễn của Thủ đô.

Đối với các dự án trọng điểm của T.Ư và TP, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác thu hồi đất, GPMB, như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dự án mở rộng Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu. Hiện nay triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa TP như: Đầu tư xây dựng 3 cây cầu qua sông Hồng gồm cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi; dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Dự án tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP.

Kết quả từ tháng 10/2016 – 3/2025, trên địa bàn thành phố triển khai, thực hiện 2.969 dự án với diện tích thu hồi đất giải phóng mặt bằng 18.875ha. Thành phố đã thực hiện xong 1.630 dự án, diện tích thu hồi 7.233,1ha, tổng số hộ thu hồi 152.548 hộ; số dự án đang thực hiện 1.339 dự án, diện tích 11.641,9ha.

Ông Nguyễn Xuân Đại cũng cho biết, theo Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 15/1/2024 đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 - 2025 là 735 dự án (284 dự án chuyển tiếp), với tổng diện tích đất đấu giá là 555,21ha. Năm 2024, dự kiến đưa ra đấu giá khoảng 211,16ha với số tiền dự kiến thu được là 31.943 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 6336/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của UBND TP về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2024 TP Hà Nội, chỉ tiêu thu tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 là 25.105 tỷ đồng.

Tính đến ngày 26/11/2024, thành phố đã thu được 18.599 tỷ đồng, đạt 74,08% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Đến tháng 3/2025, thành phố thu được khoảng 6.860 tỷ đồng, đạt 34% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý đất đai được tăng cường, đã xử lý khoảng 28.913 trường hợp, đạt 57,37% tổng số vi phạm cần xử lý.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Ông Nguyễn Xuân Đại thông tin, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của T.Ư về sáp nhập đơn vị hành chính sẽ tạo chuyển biến mạnh, tác động tích cực đến công tác quản lý đất đai. Đồng thời, tạo sự tập trung, thống nhất trong quản lý đất đai; giảm tầng nấc hành chính trung gian; nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý ở cấp xã. Đặc biệt là đẩy mạnh số hóa và hiện đại hóa quản lý đất đai; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Thành ủy và UBND thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đảm bảo việc quản lý đất đai phát huy được tính tích cực, hiện hiệu quả từ công tác sáp nhập. Trong quá trình thực hiện sáp nhập và hợp nhất đơn vị hành chính, UBND thành phố đề ra các giải pháp cụ thể.

Lập đề án số hóa tài liệu của các cơ quan

Trình bày báo cáo về việc triển khai số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Cù Ngọc Trang cho biết, qua khảo sát sơ bộ công tác quản lý tài liệu lưu trữ tại một số đơn vị cho thấy tài liệu nhiều, hồ sơ phần lớn vẫn được bảo quản trong các tủ sắt đặt tại phòng làm việc. Điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, hầu hết các đơn vị chưa bố trí được phòng, kho hoặc bộ phận lưu trữ đảm bảo. Việc này dẫn đến tình trạng tài liệu bị xuống cấp, khó tập hợp, hệ thống hóa tài liệu, mất nhiều thời gian tra tìm. Hiện nay, việc quản lý và tra tìm hồ sơ, tài liệu chủ yếu vẫn sử dụng cách thức truyền thống bằng sổ sách, giấy tờ và theo các danh mục được lập thủ công.

Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Cù Ngọc Trang báo cáo tại hội nghị

Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Cù Ngọc Trang báo cáo tại hội nghị

Tài liệu của các đơn vị hầu hết chưa được lập thành hồ sơ, không được sắp xếp đúng quy định nghiệp vụ, không xác định giá trị tài liệu trước khi lưu trữ. Tình trạng tại từng cấp như sau: tại cấp TP, nhìn chung tài liệu được quan tâm chỉnh lý và số hóa một khối lượng nhất định. Tại cấp huyện, tài liệu lưu trữ phần lớn chưa được chỉnh lý hoặc đã được chỉnh lý một phần nhưng chất lượng chỉnh lý còn hạn chế, một số đơn vị đã triển khai số hóa một phần. Tại cấp xã, phần lớn tài liệu được đặt hỗn hợp tại các kho, chưa có sự phân loại, chưa được chỉnh lý và số hóa do thiếu nhân sự chuyên trách về lưu trữ. Hiện tại Hà Nội chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung.

Thực hiện các chỉ đạo của T.Ư và Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công lập Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội”. Mục tiêu đề ra số hóa kết hợp với sắp xếp lại hồ sơ tài liệu để phục vụ cho việc bỏ cấp huyện, sáp nhập xã theo tiến độ tại Kết luận số 127-KL/TW. Đồng thời, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung, bao gồm tài liệu của các cơ quan khối Đảng, khối chính quyền và khối đoàn thể trên địa bàn TP, đảm bảo dữ liệu được tập trung, liên thông, chia sẻ, tái sử dụng. Nâng cao hiệu năng, hiệu quả, hiệu suất quản lý điều hành. Tạo nền tảng dữ liệu vững chắc để hình thành hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phục vụ người dân, DN và xã hội.

Việc số hóa tài liệu được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ số hóa tài liệu của cơ quan trên địa bàn TP gồm 5 ưu tiên (Ưu tiên 1: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối Đảng và chính quyền cấp huyện. Ưu tiên 2: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối Đảng và chính quyền cấp xã. Ưu tiên 3: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối Đảng cấp TP. Ưu tiên 4: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối chính quyền cấp TP. Ưu tiên 5: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối đoàn thể của 3 cấp). Phục vụ tính cấp bách của việc sắp xếp lại các cơ quan cấp huyện, cấp xã theo Kết luận số 127-KL/TW, trong giai đoạn trước 30/6/2025, Đề án sẽ tập trung triển khai các ưu tiên 1 và ưu tiên 2. Đối với các ưu tiên còn lại, TP giao Trung tâm Phục vụ hành chính công xây dựng kế hoạch triển khai tập trung, chi tiết.

Giai đoạn 2: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung TP, trong đó, một số nội dung sẽ được thực hiện song song với Giai đoạn 1. Về đối tượng số hóa (trong giai đoạn trước 30/6/2025) gồm: số hóa toàn bộ tài liệu lưu trữ của các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể của cấp huyện và cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội có giá trị lưu trữ vĩnh viễn, tài liệu thường xuyên tái sử dụng.

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Đối với các tài liệu đã số hóa, đã đảm bảo chất lượng theo quy định, sẽ đồng bộ dữ liệu, không số hóa lại, tránh lãng phí thời gian và ngân sách. Đối với các tài liệu đã chỉnh lý, đã đảm bảo chất lượng theo quy định, sẽ tiến hành số hóa, không chỉnh lý lại. Đối với các tài liệu đã chỉnh lý, nhưng chưa đảm bảo chất lượng, gây khó khăn cho quá trình số hóa, sẽ tiến hành chỉnh lý lại nhưng áp dụng đơn giá thấp hơn. Đối với các tài liệu còn lại, sau khi được chỉnh lý, sẽ được bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền quản lý (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính) để tiếp tục lưu trữ.

Về khối lượng chỉnh lý, số hóa, tổng tài liệu ước tính cần chỉnh lý ở cấp huyện, xã trên địa bàn TP là 68.866,4m (cấp huyện 12.900m và cấp xã 55.966,4m). Trong giai đoạn từ nay đến trước 30/6/2025, đề xuất ưu tiên thực hiện số hóa đối với các tài liệu có thời hạn lưu trữ vĩnh viễn và các tài liệu thường xuyên tái sử dụng tại khối Đảng và chính quyền của cấp huyện và cấp xã để phục vụ trực tiếp cho việc triển khai Kết luận số 127-KL/TW ước tính chiếm khoảng 25% khối lượng thô và 5% khối lượng đã chỉnh lý.

Tiếp đó các đại biểu đã tiến hành thảo luận về 3 nội dung này. Điều hành phần thảo luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, mặc dù nhiệm vụ chính trị đặt ra nặng nề, khối lượng công việc lớn, nhưng lãnh đạo các quận, huyện, thị xã thể hiện thái độ trách nhiệm rất cao, triển khai công tác nhanh, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, một số quận như Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai… đã đăng ký về tiến độ đối với những công việc cụ thể...

"Lãnh đạo TP biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các lãnh đạo quận, huyện, thị xã. Thủ tục hành chính chuyển lên Văn phòng UBND TP rất nhanh gọn và nhiều; nên nếu không kịp thời điều chỉnh phương thức làm việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” thì chính cấp TP sẽ cản trở công việc, không đáp ứng được yêu cầu"- Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Hà Nội sẽ xây dựng đề án tổng thể liên quan sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh TP thực hiện rất nhiều nhiệm vụ lớn, hệ trọng và chưa có tiền lệ, nhất là việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, Quý I/2025 TP đạt mức tăng trưởng 7,35% và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024; thu ngân sách đạt cao; các nhiệm vụ khác thực hiện đồng bộ từ TP đến cơ sở. Thành phố đã sắp xếp lại các tổ chức, đơn vị thuộc TP, nhất các sở, ngành; các đơn vị sau sắp xếp đã rất nhanh đi vào hoạt động ổn định.

“Một cuộc sắp xếp rất lớn liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nhưng công việc của TP vẫn diễn ra theo chiều hướng ngày càng tốt hơn, điều này được thể hiện qua kết quả phát triển kinh tế -xã hội trong những tháng đầu năm 2025. Có thể nói, mục tiêu giữ vững sự ổn định và phát triển của TP, không làm gián đoạn hoạt động của người dân, DN, tổ chức khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị, đã đạt được” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho biết, thời gian qua, TP cũng triển khai nhiều việc mang tính riêng có của Hà Nội nhưng bước đầu cho thấy rất hiệu quả, điển hình như hình thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP…, từ đó tạo ra những bước chuyển lớn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN. "Những kết quả TP đã đạt được trong thời gian qua, chính nhờ sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cơ quan, địa phương, đơn vị từ TP đến cơ sở"- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhận định.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với những công việc rất lớn và mang tính cách mạng, trong đó có việc thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư "về nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị"; Kết luận 128-KL/TW ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ, Hà Nội đã nghiêm túc triển khai thực hiện theo đúng lộ trình, tiến hành một cách khoa học, bài bản. Đối với vấn đề sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Hà Nội là địa phương có số lượng xã, phường, thị trấn lớn nhất cả nước, do đó, các đơn vị liên quan cần xác định đây là việc rất quan trọng; nghiêm túc, gương mẫu và trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương lớn này của Đảng. Đặc biệt, cần có sự đồng thuận và thống nhất về mặt tư tưởng trong triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trước kết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của toàn TP.

Liên quan đến vấn đề đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, T.Ư đã có chỉ đạo, trong quá trình sắp xếp, sáp nhập, trước mắt giữ nguyên về mặt biên chế và sẽ giảm dần trong 5 năm; ngoài ra, đối với Hà Nội, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng đề án liên quan việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chế độ chính sách tổng thể để đáp ứng, đảm bảo “không có ai không được quan tâm”, nhất đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp, sáp nhập. Đồng thời, khi có chỉ đạo cụ thể và các căn cứ chính thức của T.Ư, TP Hà Nội sẽ tập trung xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với mục tiêu đảm bảo xây dựng phương án vừa đúng với chỉ đạo của T.Ư nhưng vẫn giữ được, làm rõ hơn đặc trưng của Hà Nội về vấn đề lịch sử, văn hóa, động lực phát triển và có tính đến trước mắt cũng như quy hoạch lâu dài cho sự phát triển của TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, các đơn vị thống kê và có đánh giá về đội ngũ cán bộ từ cấp huyện cho đến cấp xã để có được cơ sở dữ liệu tổng thể; tạo tiền đề quan trọng để bố trí, phân công, sắp xếp, bảo đảm theo đúng tinh thần chỉ đạo là Đảng lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ; cán bộ cấp nào cấp đó quản lý và quyết định. "Quận, huyện có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu, đề xuất phương án cụ thể về việc sắp xếp với tinh thần tuyệt đối đảm bảo công tâm, khách quan, không có tiêu cực trong sắp xếp các đơn vị hành chính và bố trí, sắp xếp cán bộ"- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ rõ.

Đối với vấn đề số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, cần thống nhất đây là công việc phải làm và xác định đây là việc đầu tư lâu dài, căn cơ; từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn TP và chánh làm thất thoát, lộ, lọt tài liệu. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị người đứng đầu các quận, huyện và các đơn vị trên toàn TP quan tâm, dành thời gian, công sức để chỉ đạo, lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho biết, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các cơ quan Đảng, đoàn thể TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 204) đã tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ triển khai tổng thể và chung cho toàn TP. Theo đó, một đơn vị của TP sẽ được giao nhiệm vụ triển khai để đảm bảo đồng bộ, thống nhất và tiết kiệm.

Đối với vấn đề quản lý đất đai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với một tinh thần trách nhiệm cao nhất và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn TP. Không để có khoảng trống trong công tác quản lý đất đai; kết quả của công tác này chính là thước đo năng lực lãnh đạo, ý thức trách nhiệm của các đơn vị. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai bởi đây là một trong những công cụ hiệu quả để quản lý lâu dài.

Trần Long,Thái San. Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuong-truc-thanh-uy-ha-noi-giao-ban-voi-cac-quan-huyen-ve-quan-ly-dat-dai-sap-xep-to-chuc-bo-may.661061.html
Zalo