Thường trực Ban Bí thư: Công tác nhân sự phải 'chặt chẽ, đúng nguyên tắc, chọn trúng người'

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cho rằng, công tác nhân sự cấp ủy đại hội các cấp cần làm chặt chẽ về nguyên tắc, đúng quy trình, lựa chọn đúng người, trúng người trên cơ sở các tiêu chuẩn, điều kiện.

Sáng 9/7, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 15.644 điểm cầu trên toàn quốc với trên 1,28 triệu cán bộ, đảng viên tham dự.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh, qua phần trình bày của Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng, các cấp ủy đảng, các cán bộ, đảng viên đã nắm bắt một cách đầy đủ có hệ thống nội dung của hai văn bản quan trọng nêu trên.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. (Ảnh: Như Ý)

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. (Ảnh: Như Ý)

Thường trực Ban Bí thư nêu, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 là bước cụ thể hóa Kết luận số 21 của Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Điều này cũng khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức - cụ thể hóa thành 5 điều, 19 nội dung - để Đảng ta thực sự "là đạo đức, là văn minh" như lời Bác Hồ đã dạy, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân, gọi Đảng Cộng sản Việt Nam với cái tên rất trìu mến: Đảng ta.

Theo Thường trực Ban Bí thư, để Quy định 144 thành công, tất cả cán bộ, đảng viên phải tự quán triệt, thực sự thấm nhuần sâu sắc quy định, thực hành các chuẩn mực đạo đức một cách tự giác, thường xuyên như cơm ăn nước uống hằng ngày.

"Làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng nổi bật của người cán bộ, đảng viên; trở thành vũ khí sắc bén, vượt qua mọi thách thức, cám dỗ; đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ; làm đạo đức cách mạng trở thành hồn cốt của văn hóa đảng, định hướng thúc đẩy xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức văn hóa xã hội, lan tỏa mạnh mẽ ra Nhân dân, làm cho văn hóa con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển và bảo vệ đất nước", Thường trực Ban Bí thư nói.

Nhấn mạnh từng chi bộ, chi ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu các cấp chính quyền cần phải đề cao vai trò trách nhiệm nêu gương trong thực hiện quy định, Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng.

"Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa theo chuẩn mực đạo đức; yêu nước, tôn trọng Nhân dân; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đoàn kết kỷ cương, tình thương trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn; tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân; luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức; không bị cám dỗ trước tiền tài, vật chất danh vọng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất. Cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao danh dự, tự trọng, liêm sỉ, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức để việc 'có lên có xuống, có vào có ra' trở thành văn hóa trong Đảng, và là việc bình thường trong công tác cán bộ của Đảng ta", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Về thực hiện Chỉ thị 35, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng nắm chắc 7 yêu cầu, 6 nội dung đề cập trong Chỉ thị; quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với tổ chức mà đó là công việc có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước.

Trong số các nhiệm vụ đặt ra, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo chuẩn bị tốt các dự thảo văn kiện trình đại hội, đồng thời tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện cấp mình và cấp trên. Cùng với đó, cần tập trung lãnh đạo, nâng cao chất lượng, xây dựng báo cáo chính trị của Đảng.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Như Ý)

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Như Ý)

Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu cao với tinh thần tự phê bình và phê bình, nhìn thẳng vào sự thật, nhất là đánh giá cho đúng những kết quả, ưu điểm cũng như khuyết điểm, yếu kém, làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan và đề ra được các giải pháp khắc phục có hiệu quả.

Riêng về công tác nhân sự và bầu cấp ủy, Thường trực Ban Bí thư lưu ý cần bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định. Quá trình thực hiện phải làm đúng nguyên tắc, đúng quy trình, phát huy dân chủ, giữ kỷ cương, kỷ luật trong công tác lựa chọn giới thiệu và bầu cấp ủy các cấp. Công tác chuẩn bị nhân sự phải chú ý cả về tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu và số lượng, trong đó cần đặc biệt coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

"Yêu cầu cao nhất là làm chặt chẽ về nguyên tắc, đúng quy trình, lựa chọn đúng người, trúng người, trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện", Thường trực Ban Bí thư cho rằng, điều này rất quan trọng, có thể khắc phục "những cái sai, những cái yếu vừa qua" về "có thể đúng quy trình, đúng nguyên tắc nhưng chọn người không đúng".

"Những người được giới thiệu ứng cử vào cấp ủy khóa mới là những đồng chí có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức lối sống gương mẫu, trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhiệm vụ chung; tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tín nhiệm. Không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy", Thường trực Ban Bí thư lưu ý.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị chú ý đến tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, làm tốt công tác tư tưởng, chế độ chính sách đối với những người không đủ tuổi tái cử, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Một vấn đề nữa, theo Thường trực Ban Bí thư, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết luận giải quyết tồn đọng, bức xúc trong dư luận cán bộ, đảng viên và Nhân dân theo thẩm quyền. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật của Đảng, đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ...

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-cong-tac-nhan-su-phai-chat-che-dung-nguyen-tac-chon-trung-nguoi-post1653412.tpo
Zalo