Thương tích, chết người vì pháo và thuốc nổ
Tất cả các vụ tai nạn do pháo, thuốc nổ đều rất nguy hiểm bởi sức công phá ghê gớm, gây ra các vết thương nặng trên cơ thể, nhiều trường hợp tử vong. Pháo, thuốc nổ còn tỏa ra nhiệt lượng lớn gây bỏng nặng; những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh khi hít phải sẽ ảnh hưởng lớn đến phổi.
Làm pháo tự chế, tàn phế suốt đời
Sau tiếng nổ chát chúa xảy ra vào tối 13/11 vừa qua tại nhà anh Bế Văn C (SN 1991) ở thôn Đồng Mận, xã Vô Tranh (Lục Nam) là cột lửa lớn sáng rực trong đêm, âm thanh dồn dập như tiếng pháo nổ liên tục phát ra. Vụ nổ làm anh C - chủ nhà tử vong tại chỗ. Ngôi nhà tường cứng, lợp mái fibro xi măng rộng khoảng 60 m² bị bay hết phần mái, sập hoàn toàn. Đồ đạc trong nhà bị hất tung, vỡ vụn chứng tỏ sức công phá của vụ nổ là rất lớn Một số người dân lân cận quay được clip vụ nổ cho biết có mùi thuốc pháo nồng nặc, nhận định nhiều khả năng nguyên nhân do anh C nhồi thuốc vào pháo tự chế dẫn đến phát nổ.
Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 23/10, trên địa bàn thôn Cầu Đồng 10, xã Ngọc Lý (Tân Yên) có tiếng nổ lớn phát ra trong gian nhà của vợ chồng anh chị Trương Văn Đ (SN 1989) và La Thị T (SN 1993). Người thân và hàng xóm hoảng loạn chạy sang thấy chị T thoát được ra ngoài nhưng bị bỏng. Trong khi đó, anh Đ bất tỉnh, trên người có nhiều thương tích, hai tay dập nát, chân bị bỏng nặng. Đồ đạc trong gian nhà bị hư hỏng toàn bộ, tường nhà ám khói đen, mái nhà bay mất một phần, dưới nền có nhiều chỗ bị lún vỡ. Vụ nổ nghi do thuốc pháo gây ra. Ngay sau vụ nổ, vợ chồng anh Đ đã được đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, sau đó cả hai được đưa lên Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) để cứu chữa. Đến nay, hai tay của anh Đ vẫn chưa hồi phục được.
Nhắc lại vụ nổ xảy ra vào tối 20/12/2021 tại thôn Thanh Văn 2, xã Tân Hoa (Lục Ngạn), nhiều người không khỏi đau xót khi 3 người thương vong đều đang là học sinh. Hôm đó, tại gia đình nhà anh P.V.D phát hiện tiếng nổ lớn. Khi người dân đến kiếm tra thì thấy cháu P.C.M. (SN 2008, con của anh D) bị thương tích nặng ở chân, vùng mặt và đứt hai cánh tay dẫn đến tử vong sau đó. Vụ nổ còn làm cháu L.P.L. (7 tuổi) và cháu H.L.H. (5 tuổi) cùng ở xã Tân Hoa bị thương nhẹ. Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tổ chức xác minh, Công an huyện Lục Ngạn xác định cháu P.C.M. có sử dụng một số hóa chất trộn lẫn với nhau để cuốn thành các khối hình trụ (pháo nổ). Trong quá trình chế pháo thì bị phát nổ.
Xảy ra cháy, nổ do pháo, thuốc nổ không chỉ gây hậu quả tại thời điểm đó mà còn di chứng nặng nề về sau do mức độ sát thương rất cao. Nhiều trường hợp đã không giữ lại được tay, chân, mù mắt, tàn phế suốt đời. Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ làm 14 người bị thương, 1 người tử vong nghi do liên quan đến pháo nổ.
Xác định tuyến, địa bàn trọng điểm để đấu tranh
Theo quy định tại Nghị định số 137/ 2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 thì pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là: “Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Thế nhưng, một bộ phận người dân vẫn đang lầm tưởng là có thể được đốt tất cả các loại pháo dẫn đến gia tăng vi phạm liên quan đến pháo nổ, chất nổ.
Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Nhận định nguy cơ xảy ra cháy, nổ do sử dụng, tàng trữ, sản xuất pháo nổ, chất nổ nhất là vào dịp Tết rất cao, Công an tỉnh đã xác định tuyến, địa bàn trọng điểm để đấu tranh, kiểm soát việc vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc nổ. Kết quả xác định tuyến quốc lộ 17 và địa bàn các huyện Tân Yên, Yên Thế là trọng điểm phức tạp về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tuyến quốc lộ 31 và 3 huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn là địa bàn trọng điểm phức tạp về pháo”.
Trên cơ sở xác định này, công an các địa phương, đơn vị liên quan đã tích cực vào cuộc, lên phương án đấu tranh. Qua đó phát hiện, ngăn chặn 82 vụ, 160 đối tượng liên quan đến sản xuất, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (tăng 7 vụ, 2 đối tượng so với năm 2023); thu 35 khẩu súng các loại, 27.799 viên đạn, 16 công cụ hỗ trợ, 749 linh kiện, 25 dao. Khởi tố 28 vụ, 99 đối tượng, xử phạt hành chính 43 vụ, 46 đối tượng. Cùng đó phát hiện, ngăn chặn 118 vụ, 139 đối tượng liên quan đến pháo, thu 867,75 kg pháo; khởi tố 29 vụ với 43 đối tượng, xử phạt hành chính 91 vụ, 97 đối tượng (tăng 62 vụ, tăng 59 đối tượng so với năm 2023).
Đơn cử như ngày 1/3, Công an huyện Lục Ngạn phối hợp với Công an xã Hồng Giang kiểm tra nhà của Vũ Đình Hương (SN 2004), trú tại thôn Lường, xã Hồng Giang thu giữ 37 kg pháo nổ và nhiều mẫu vật, vật dụng để chế tạo pháo nổ. Tối 5/5, Tổ tuần tra kiểm soát giao thông, Công an huyện Tân Yên phát hiện Giáp Văn Đông (SN 1969), trú tại xã Việt Lập và Nguyễn Đạt Thuyết (SN 1983), trú tại xã Cao Xá, cùng huyện Tân Yên đi trên 2 xe mô tô chở hai bao tải dứa.
Đông chở 38 khối hình hộp có tổng trọng lượng 53,2 kg pháo; Thuyết chở 36 khối hình hộp có trọng lượng 51 kg. Khám xét khẩn cấp nhà ở của Đông, thu giữ thêm 14 bệ pháo với tổng trọng lượng 19,6 kg. Như vậy tổng khối lượng pháo nổ bị thu giữ trong vụ việc là 123,8 kg. Cùng với đấu tranh, bắt giữ, công an các địa phương liên tục tổ chức tiếp nhận các loại vũ khí, vật liệu nổ, pháo, thuốc nổ 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Năm 2024, qua tuyên truyền, vận động, người dân đã tự giác giao nộp 541 khẩu súng, 557 linh kiện súng, 14.890 viên đạn, 106 quả đạn cối, 160 quả lựu đạn, 49 kíp mìn, hơn 5 kg thuốc nổ.
Tuy nhiên, chỉ riêng cơ quan công an vào cuộc là chưa đủ, chưa chặn được tận gốc mối nguy hiểm do pháo và chất nổ gây ra. “Dạo một vòng” trên mạng xã hội, chúng tôi thấy rùng mình bởi cách "dạy" chế tạo pháo nổ với nhiều video hướng dẫn cặn kẽ bất chấp sự nguy hiểm. Không ít thanh thiếu niên, học sinh “học hỏi” các cách chế tạo pháo trên mạng để đốt; nhiều người dân còn lén lút chế pháo để bán. Vì vậy bên cạnh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng công an cũng cần “làm sạch” thông tin trên không gian mạng liên quan đến pháo nổ. Tăng cường tuyên truyền về mối nguy hiểm, hậu quả của tai nạn pháo nổ nhất là đối với học sinh. Các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, quản lý con em, ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra từ việc học chế pháo trên mạng khi mà Tết Nguyên đán đang đến gần.
Bài, ảnh: Tuấn Minh