Thưởng người tố giác vi phạm giao thông: Tránh xâm phạm quyền cá nhân

Theo chuyên gia, việc thưởng người tố giác vi phạm giao thông giúp khích lệ người dân tham tố giác hơn, nhưng tránh xảy ra tình trạng 'đua nhau săn tiền thưởng' dẫn tới nguy cơ xâm phạm hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác.

Khích lệ người dân hưởng ứng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Mới đây, Bộ Công an đưa ra đề xuất các cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính có thể khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nếu mua tin thì mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân; nhưng không quá 5 triệu đồng. Trường hợp tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì mức chi không quá 5 triệu đồng mỗi vụ việc.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết: “Việc tiếp nhận thông tin phản ánh về trật tự an toàn giao thông từ người dân hoặc cơ quan báo chí, truyền thông đã và đang thực hiện, được quy định tại các thông tư của Bộ Công an về tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông nhưng đều chưa có cơ chế trả tiền để mua tin. Với đề xuất tại dự thảo nghị định, việc này sẽ góp phần động viên, khích lệ người dân hưởng ứng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lên án các hành vi vi phạm để lực lượng chức năng kịp thời xử lý”.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, đề xuất của Bộ Công an mới là dự thảo, cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận ý kiến của người dân, cơ quan, bộ, ngành để có sự tiếp thu, điều chỉnh hợp lý. Nếu như đề xuất được thông qua thì đây sẽ là "bộ khung pháp lý" để thực hiện cơ chế trả tiền mua tin hoặc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết về cơ chế chi trả.

Về nguyên tắc, yêu cầu đối với thông tin cung cấp để được trả tiền hoặc thưởng tương tự với các quy định về tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến trật tự an toàn giao thông đang áp dụng hiện nay. Điển hình như thông tin phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt; cơ quan tiếp nhận có thể thực hiện giám định thông tin trong trường hợp cần thiết.

Hoặc tổ chức, cá nhân phải có tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin cung cấp. Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm bảo mật thông tin của người cung cấp thông tin…

Hệ thống camera giám sát của lực lượng chức năng không thể phát hiện hết được các hành vi vi phạm giao thông ở khắp mọi nơi

Hệ thống camera giám sát của lực lượng chức năng không thể phát hiện hết được các hành vi vi phạm giao thông ở khắp mọi nơi

Quy trình tiếp nhận thông tin sẽ được áp dụng tối đa yếu tố công nghệ thông tin. Ngoài việc tiếp nhận qua cổng thông tin điện tử, đường dây nóng hoặc trang Facebook, Zalo… như hiện nay, Bộ Công an dự kiến xây dựng một ứng dụng (app) để thống nhất đầu mối tiếp nhận thông tin trên toàn quốc. Khi người dân gửi thông tin vào ứng dụng này, cơ quan quản lý sẽ phân công cho công an các tỉnh, huyện theo thẩm quyền và địa bàn, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý diễn ra kịp thời.

Tránh tình trạng đua nhau ghi hình nhưng xâm phạm quyền cá nhân người khác

Theo TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc trả tiền để mua tin hoặc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ giúp khích lệ người dân tham tố giác hơn, đồng thời cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với lĩnh vực này.

TS Khương Kim Tạo

TS Khương Kim Tạo

“Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông đòi hỏi phải bỏ thời gian, công sức, thậm chí là trang thiết bị để đảm bảo chất lượng của thông tin. Vì thế, số tiền chi trả hoặc thưởng từ cơ quan chức năng dù không nhiều nhưng cũng là nguồn khích lệ đáng kể đối với họ. Không phải chúng ta dùng đồng tiền để kêu gọi tố giác, người dân cũng không phải vì đồng tiền mới cung cấp thông tin; mục đích lớn nhất là động viên để người dân tích cực tham gia, qua đó cũng gián tiếp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về trật tự an toàn giao thông, rất nhiều lợi ích", TS Khương Kim Tạo chia sẻ.

Theo TS. Khương Kim Tạo, các cơ quan chức năng cần xây dựng các tiêu chí đối với thông tin cung cấp, chỉ thông tin nào đủ điều kiện thì mới được chi tiền hoặc thưởng. Đối với một thông tin do người dân cung cấp, lực lượng CSGT xác minh, xử lý thành công thì người cung cấp tin sẽ được trả tiền theo phần trăm số tiền người vi phạm bị xử phạt. Đồng thời, việc chi tiền cũng nên có mức thấp nhất và cao nhất, không thể tịnh tiến không giới hạn theo số tiền xử phạt.

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Từ trước đến nay, dù không có tiền thì người dân vẫn cung cấp thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông. Việc trả tiền để mua tin hoặc thưởng tiền nếu có thì ý nghĩa chính là động viên, khích lệ. Thực tế, lực lượng cảnh sát giao thông không phải lúc nào cũng có mặt mọi thời điểm, mọi tuyến đường, nếu đông đảo người dân tham gia vào việc giám sát, cung cấp thông tin thì đây sẽ là một kênh rất hữu ích nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm. Với việc giám sát của người dân, tài xế cũng nâng cao ý thức hơn, bởi lúc nào cũng có tai mắt giám sát, nếu vi phạm sẽ bị phát hiện ngay lập tức".

Tuy nhiên, theo luật sư Diệp Năng Bình nên có sự chọn lọc đối với thông tin được trả tiền hoặc thưởng, tránh việc áp dụng tràn lan sẽ ảnh hưởng đến ngân sách. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tính toán đến khả năng xảy ra tình trạng "đua nhau săn tiền thưởng", ghi hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, thậm chí tìm mọi cách để có được thông tin nhằm hưởng khoản tiền chi trả, dẫn tới nguy cơ xâm phạm hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho rằng, đây là đề xuất hay. “Tôi rất tán thành với đề xuất này. Tôi đã từng có lần trích xuất camera trên thiết bị giám sát hành trình để lấy thông tin về vi phạm gửi cho cơ quan chức năng. Nhưng thực sự sau đó, tôi không biết nó có được xử lý để ra quyết định xử phạt hay không. Điều này, một mặt khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm giao thông, mặt khác, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xử lý đầy đủ, đến nơi đến chốn các thông tin tố giác ấy, nâng cao hiệu quả hoạt động xử phạt. Nếu quy định này được đưa vào áp dụng, tôi cho rằng, với hàng triệu xe được lắp camera giám sát như hiện nay, sẽ tạo ra quá trình giám sát giao thông do toàn dân thực hiện, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi ô tô”.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phan Lê Bình, việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi cho người gửi thông tin cần được rõ ràng, minh bạch. Vẫn phải đảm bảo quyền riêng tư bảo mật cho người tố giác. Còn cụ thể làm thế nào, thông qua công cụ gì, VneID hay gì khác thì cơ quan chức năng cần xem xét kỹ lưỡng.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thuong-nguoi-to-giac-vi-pham-giao-thong-tranh-xam-pham-quyen-ca-nhan-post1114624.vov
Zalo