Thương ngày U23 về: Nẻo nọ đường kia của bóng đá Việt
Chuyến phiêu lưu của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á đã dừng lại ở tứ kết. Thầy trò Gong Oh Kyun đã để thua U23 Saudi Arabia với tỷ số 0-2. Nhưng...
Sở dĩ phải dùng từ “phiêu lưu” là bởi U23 Việt Nam bước vào giải đấu với sự chuẩn bị vội vã. Trước tiên từ vị trí HLV, ông Gong Oh Kyun chỉ có chừng 20 ngày tiếp quản đội bóng từ HLV Park Hang Seo để chuẩn bị và thi đấu.
Tính kế thừa giữa hai đội tuyển cùng mang tên U23 Việt Nam không nhiều. Thành phần giành tấm huy chương vàng môn bóng đá nam SEA Games 31 chỉ phân nửa lên đường sang Uzbekistan. U23 Việt Nam tại đại hội thể thao Đông Nam Á cũng phụ thuộc nhiều vào bộ ba trên tuổi Tiến Linh, Hoàng Đức và Hùng Dũng. Trong khi đó, vòng chung kết U23 châu Á trọng trách hoàn toàn thuộc về các tuyển thủ U23.
Triết lý bóng đá của thầy Gong cũng khác biệt hoàn toàn thầy Park. Vị tân HLV trưởng của đội tuyển U23 Việt Nam lựa chọn lối chơi mang tính chủ động và khuyến khích các học trò chơi bóng nhiều hơn. Khác biệt lớn nhất nằm ở sơ đồ chiến thuật. Ông Park sử dụng sơ đồ 3 trung vệ xuyên suốt thời gian 5 năm qua dẫn dắt các cấp đội tuyển Việt Nam, trông khi thầy Gong chọn sơ đồ 4-4-2 cùng nhiều biến thể 4-3-3 hay 4-2-3-1.
Thế nên, không hẳn không có cơ sở khi nhiều ý kiến quan ngại về khả năng thành công của U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 châu Á. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, một nhà cầm quân chưa hề có kinh nghiệm làm HLV trưởng, một lứa cầu thủ bị che phủ bởi các thế hệ đàn anh đã đạt được thành tích cả Đông Nam Á không đội bóng nào khác đạt được, đó là lọt vào tứ kết.
Tại vòng bảng, U23 Việt Nam mất chiến thắng tức tưởi ở phút bù giờ trước U23 Thái Lan, cầm hòa quả cảm U23 Hàn Quốc và đánh bại U23 Malaysia một cách thuyết phục ở lượt trận cuối để giành lấy vị trí nhì bảng. Ở tứ kết, cho dù thua 0-2 trước Saudi Arabia nhưng các học trò của HLV Gong Oh Kyun đã đem khiến đối phương phải trải qua những giây phút toát mồ hôi, đặc biệt là tình huống phối hợp tuyệt hay dẫn đến cú sút dội xà của Lê Bình Minh.
Trên hết, các tuyển thủ U23 Việt Nam không chỉ đem đến cho người hâm mộ cảm xúc thăng hoa qua từng đường bóng mà còn cho thấy sự trưởng thành vượt bậc. Họ dám cầm bóng, dám chơi bóng, dám thể hiện phẩm chất, kỹ năng và bản lĩnh. Tóm lại, khi thoát khỏi cái bóng của đàn anh, họ không bỡ ngỡ bơ vơ mà trưởng thành vượt bậc.
Thậm chí, cái cách thủ thành Quan Văn Chuẩn tự tin dâng lên tận giữa sân hay điềm tĩnh cầm bóng quan sát rồi phất trái bóng vượt tuyến cho tiền đạo, cái cánh Tấn Tài thâm nhập hành lang trong để thực hiện những quả tạt sớm, cái cách Tiến Long đột nhập vòng cấm tung cú vô-lê, cách Nhâm Mạnh Dũng tả xung hữu đột đều là những điểm tươi mới đáng giá ở U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra bây giờ là khi những tài năng mới đã đâm chồi, làm thế nào để săn sóc cho phát triển và trở thành đại thụ? Có hai trở lực lớn dành cho thế hệ U23 này lẫn những thế hệ tài năng trẻ sau này. Thứ nhất là tính kế thừa và liên tục tại đội tuyển quốc gia. Thứ hai là cơ hội cọ xát thường xuyên.
Vấn đề thứ nhất đã được đề cập phần nào ở đầu bài viết, đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đang áp dụng hai phong và sơ đồ chiến thuật khác nhau. Thế nên, giả như có sự kết hợp giữa hai lứa cầu thủ này, sự trúc trắc trong khâu ghép nối là không thể tránh khỏi. Thậm chí, có những vị trí đội tuyển Việt Nam cần thiết nhưng tại U23 Việt Nam lại không có.
Vấn đề thứ hai vĩ mô hơn, đó là cơ hội thi đấu thường xuyên của các tuyển thủ U23. “Trăm hay không bằng tay quen”, dẫu tài năng đến mấy song không được thi đấu cũng sớm bị thui chột. Chẳng cần số liệu nào to tát, đơn cử như Nhâm Mạnh Dũng, một trong những cầu thủ nổi bật nhất của U23 Việt Nam cũng chưa có nhiều cơ hội ra sân trong màu áo CLB.
Thống kê chỉ ra, tổng thời gian tiền đạo của Viettel thi đấu tại V.League trong vòng 4 năm qua là 214… phút và chỉ 1 lần duy nhất được chơi trọn 90 phút từ mùa giải 2020. Nên nhớ, Nhâm Mạnh Dũng cũng đã 22 tuổi, khá cứng tuổi để gọi là tài năng trẻ. Độ tuổi này cần được thi đấu thường xuyên chứ không phải sử dụng một cách nhỏ giọt.
Nhưng, sân chơi nào cho Dũng và các đồng đội?! Còn nhớ, chính HLV Park Hang Seo khi bàn giao U23 Việt Nam cho HLV Gong Oh Kyun cũng rất tâm tư về việc tại các CLB, cầu thủ trẻ không có nhiều cơ hội ra sân, đặc biệt là vị trí trung phong. Hệ lụy là các cấp đội tuyển Việt Nam luôn khan hiếm trung phong. Đây là căn bệnh chung của các nền bóng đá châu Á chứ không riêng gì V.League.
Đáng nói hơn nữa, số lượng tuyển thủ U23 được trải nghiệm V.League như Nhâm Mạnh Dũng chỉ đếm trên đầu ngòn tay, đa số chinh chiến tại giải Hạng Nhất và thực trạng “đói” cơ hội thi đấu không khác là bao. Phan Tuấn Tài, “thần tài” của U23 Việt Nam cũng mới chỉ góp mặt 1 trận trong màu áo Đắk Lắk tại giải Hạng Nhất. Khá khẩm hơn chút đỉnh, Huỳnh Công Đến ra sân 2 trận cho Phố Hiến. Bên cạnh cơ hội thi đấu còn là chuyện thu nhập để theo sự nghiệp cầu thủ vốn rất ngắn ngủi.
Nên nhớ, cấu trúc nền bóng đá Việt Nam vẫn đang ở dạng hình tháp ngược. V.League có sự tham dự của 13 đội, trong khi giải Hạng Nhất là 12. Giải Hạng Nhì chẳng khá khẩm hơn với tổng 14 đội. Đồng nghĩa ngay cả giải hạng dưới, thời gian thi đấu của các cầu thủ trẻ cũng bị hạn chế nhiều chứ chưa nói đến trình độ để cọ xát kém xa V.League.
Bởi vậy, mừng cho các tuyển thủ U23 Việt Nam vì đã thoát khỏi cái bóng của những đàn anh để khẳng định tài năng cũng như gây tiếng vang trên trường khu vực. Song, với cơ chế và kết cấu của bóng đá nước nhà hiện nay, thật thương cho tương lai của lứa cầu thủ này sau ngày trở về như những người hùng.
Bóng đá Việt Nam thật sự có thực lực, màn trình diễn của U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 châu Á là minh chứng nhãn tiền, nhưng để vươn xa hơn cần cơ chế và động lực thúc đẩy mạnh hơn.