Thương mại xanh, đòn bẩy mới cho doanh nghiệp hội nhập
Diễn đàn Thương mại Xanh 2025 vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh các chuẩn mực thương mại toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát thải thấp, minh bạch chuỗi cung ứng và tuân thủ tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp).

Giới thiệu doanh nghiệp Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh” đầu tiên tại Việt Nam - EcoHub. (Ảnh SGGP)
Những yêu cầu này đặt ra thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu theo hướng bền vững.
Một trong những điểm nhấn quan trọng tại diễn đàn là sự kiện ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh” đầu tiên tại Việt Nam - EcoHub. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhằm kiến tạo nền tảng số giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước thích ứng với xu thế “xanh hóa” thương mại toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
NHIỀU THÁCH THỨC CHUYỂN ĐỔI XANH
Mới đây, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1568/ QĐ-BCT ngày 3/6/2025 về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu cụ thể hướng đến thương mại điện tử xanh và tuần hoàn. Theo đó, đến năm 2030, thương mại điện tử Việt Nam phấn đấu đạt một số chỉ tiêu: tỷ lệ bao bì nhựa sử dụng giảm xuống còn tối đa 45%; tỷ lệ bao bì làm từ chất liệu có thể tái chế đạt 50%; ít nhất 40% số doanh nghiệp ứng dụng năng lượng sạch trong logistics và tối thiểu 50% số doanh nghiệp áp dụng chuỗi cung ứng xanh. Qua đó, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập xu thế thương mại bền vững toàn cầu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện hiệu quả cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cả về thể chế lẫn năng lực nội tại của doanh nghiệp. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), sắp tới Việt Nam sẽ triển khai cơ chế thử nghiệm về kinh tế tuần hoàn, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc về vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực... Song, kết quả khảo sát có tới 73% số doanh nghiệp niêm yết cho rằng thiếu quy định minh bạch về tiêu chuẩn ESG là rào cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi.
Cũng theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp còn thiếu sự dẫn dắt từ lãnh đạo cấp cao để thực thi các cam kết ESG, dẫn đến việc thực hành ESG trong nội bộ còn rời rạc, mang tính hình thức. Bên cạnh đó, khó khăn về tài chính, công nghệ, liên kết thị trường, nhân sự chất lượng cao tiếp tục là những thách thức, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Tổng Giám đốc Mebi Farm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Sài Gòn, Lâm Thúy Ái chia sẻ: “Một trang trại gà đẻ trứng đầu tư ban đầu có thể tốn tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó riêng hệ thống xử lý nước thải đã vài chục tỷ đồng. Theo đuổi sản xuất sạch, xanh là đúng, nhưng nếu đầu tư mà kinh doanh thua lỗ thì doanh nghiệp không thể tồn tại. Do đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi từ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC). Đồng thời, mong muốn được các nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ quảng bá sản phẩm xanh, tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu”.
CƠ HỘI DOANH NGHIỆP VÀO CHUỖI CUNG ỨNG
Tại Diễn đàn Thương mại xanh 2025, Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh” đầu tiên tại Việt Nam - EcoHub chính thức được công bố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập vào chuỗi thương mại toàn cầu theo tiêu chuẩn ESG. Sàn giao dịch được chia thành 7 nhóm ngành trụ cột, gồm: năng lượng tái tạo, giao thông xanh, vật liệu bền vững, tài chính xanh, tiêu dùng xanh, công nghệ chuyển đổi số và Vietmade. Những nhóm ngành này đều phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và tiêu chuẩn thương mại của các thị trường xuất khẩu lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Theo ông Trần Văn Chín, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Arobid - đơn vị phát triển EcoHub, đây là nền tảng tích hợp giữa không gian trưng bày sản phẩm và hệ sinh thái giao thương số, nơi doanh nghiệp có thể kể câu chuyện thương hiệu, công bố thông tin minh bạch, ký kết đơn hàng trực tiếp và tiếp cận dữ liệu phân tích thị trường. EcoHub được thiết kế như một hạ tầng thương mại thông minh, nơi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, sàn EcoHub không chỉ giới thiệu sản phẩm xanh mà còn là một sân chơi để kết nối các doanh nghiệp cùng cung cấp, tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ xanh. Đặc biệt, HUBA đang kết nối với HFIC để có thể hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh. HUBA cũng mong muốn sàn EcoHub sẽ liên tục mở rộng, tích hợp các giải pháp chuyển đổi phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa như mô hình trả góp, thuê thiết bị theo năm, chia sẻ hạ tầng, hướng đến giảm chi phí và rút ngắn thời gian thích nghi.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, sự ra đời của sàn EcoHub là minh chứng cho việc số hóa và “xanh hóa” thương mại có thể song hành, tạo nên hệ sinh thái giao thương linh hoạt, hiệu quả và dễ tiếp cận hơn so với các mô hình truyền thống. “Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu đang siết chặt quy định về phát thải carbon”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc HFIC Nguyễn Quang Thanh cam kết, HFIC luôn đồng hành cùng doanh nghiệp xanh, mỗi dự án đạt tiêu chí chuyển đổi xanh có thể được vay tới 200 tỷ đồng trong 7 năm với lãi suất 0%, thậm chí lên đến 1.200 tỷ đồng trong 10 năm nếu thuộc các lĩnh vực ưu tiên của thành phố, như: cơ khí tự động hóa, công nghiệp chế biến thực phẩm, môi trường, xử lý rác thải, nước thải, đổi mới sáng tạo...
Thực tiễn từ diễn đàn cho thấy, thương mại xanh không còn là lựa chọn mà là đòi hỏi bắt buộc nếu doanh nghiệp Việt muốn tiếp cận các thị trường cao cấp, ổn định và bền vững. Việc xây dựng nền tảng số như EcoHub, sự hỗ trợ kịp thời từ các định chế tài chính công như HFIC cùng quyết tâm từ các cơ quan quản lý, tổ chức nghề nghiệp đang mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cuộc chơi toàn cầu với tâm thế chủ động