'Đi xa để trở về'
Nửa tháng nay, mấy tuyến đường nối liền Long Xuyên - Rạch Giá cứ nhộn nhịp những chuyến xe cá nhân, xe công vụ mang biển số 67. Tất cả bắt đầu hành trình mới - hành trình kiến tạo cho tương lai của vùng đất An Giang.
Tuần cuối tháng 6, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh An Giang (cũ) đã chủ động qua Rạch Giá, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tranh thủ xem nhà công vụ, nhà trọ, chuẩn bị cho quá trình công tác sắp tới. Ngoài đường chính (Quốc lộ 80, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), tùy theo vị trí mà mọi người chọn đi theo Đường tỉnh 943 - Đường tỉnh 961 (hướng Thoại Sơn - Vĩnh Thông) hoặc men theo kênh Tám Ngàn về Hòn Đất, Rạch Giá.
Đi lần đầu còn lúng túng, lạ lẫm với đường sá, cảnh vật. Đi lần thứ 2, mọi thứ hơi quen. Đến lần 3 - 4 thì họ đã thông thuộc các tuyến đường lớn, hiểu phần nào về nơi sắp gắn bó lâu dài. Có người đã biết món đặc sản bún cá Kiên Giang, quán hải sản tươi ngon, những đoạn đường bán đồ ăn vặt, cà-phê “chill chill” khu lấn biển… Các con đường ở phường Rạch Giá kết nối với nhau như bàn cờ, đi lòng vòng cũng đến điểm cần đến, không sợ lạc đường.

Cán bộ, công chức, viên chức được sắp xếp nhiệm vụ mới. Ảnh: MI NI
Dĩ nhiên, chẳng có điều gì là dễ dàng. Vốn đã quá quen với góc làm việc cũ, đơn vị cũ, đồng nghiệp cũ... hành trình thay đổi sang nơi làm việc mới, đơn vị mới, đồng nghiệp mới luôn đầy ắp cảm xúc. Cùng với đó là rất nhiều công việc phải làm: Thu dọn đồ đạc, tài sản công của đơn vị cũ, vận chuyển qua đơn vị mới; tranh thủ quét dọn, sắp xếp, bố trí nơi làm việc, nơi ăn nghỉ mới…
Trong thời gian này, câu cửa miệng cán bộ, công chức hay hỏi nhau, không phải là “Dạo này khỏe không?”, mà là “Hiện giờ công tác ở cơ quan nào, sang Rạch Giá chưa?”. Mọi người cùng chia sẻ thông tin về tiến độ bố trí nhà công vụ; giới thiệu nhà trọ giá cả phải chăng, thuận đường; quán ăn ngon mà rẻ…
Trong câu hỏi thăm chất chứa sự quan tâm thật lòng, không phải “hỏi cho có hỏi”. Bởi vì, phải giúp nhau vượt qua khó khăn ban đầu, “an cư” mới có thể tính đến chuyện “lạc nghiệp”. Ngoài sự hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách của tỉnh mới; bằng tấm lòng nhiệt tình của cán bộ, công chức “thổ địa” Rạch Giá, mỗi cán bộ ở Long Xuyên phải “học hỏi”, dung nạp nhiều kiến thức, để nơi đây từ một địa phương xa lạ trở thành quê hương thứ 2 của mình.
Anh Lê Thanh Tiền (Phòng Đoàn thể và các hội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy) “gửi gắm” trọng trách chăm sóc 2 con cho vợ (đang công tác ở xã, cách Rạch Giá chừng 100km), bắt đầu khăn gói đi làm xa, không thể về nhà mỗi ngày như trước. Do đặc thù công việc, anh không chỉ làm theo giờ hành chính, mà còn tất bật với các chuyến công tác đột xuất. Đi sớm về trễ, ở nhà công vụ sẽ phát sinh nhiều bất tiện, nên anh và đồng nghiệp cùng cơ quan quyết định thuê nhà trọ. Mức giá hơn 2 triệu đồng/tháng, có gác lửng, máy lạnh… tương đối phù hợp túi tiền. Anh di chuyển bằng xe Honda cá nhân, dự định mỗi tuần tranh thủ về nhà vào chiều thứ 4 và thứ 6 hàng tuần. Trước mắt, mọi chi phí thuê nhà, đi lại đều tự túc, nên anh mong sớm nhận được hỗ trợ của tỉnh.
“Sau bỡ ngỡ ban đầu, tôi cảm thấy rất vui khi được anh em đồng nghiệp mới giúp đỡ nhiệt tình, chuẩn bị phòng làm việc. Lãnh đạo cơ quan đang sắp xếp lại nhân sự các phòng chuyên môn, chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào công việc khi được phân công. Dù bận rộn nhiều việc giai đoạn “giao thời”, nhưng trước, trong và sau quá trình sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, chúng tôi vẫn luôn đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, tiến độ sáp nhập trên các nền tảng số, mạng xã hội, giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ chủ trương, cùng đồng thuận thực hiện” - anh Tiền chia sẻ.

Thu dọn tài liệu chuẩn bị di dời sang trụ sở làm việc mới. Ảnh: NGUYỄN XÊ
Chúng tôi đùa nhau rằng, đang bắt đầu lại thời sinh viên mới ra trường: Đi tìm nhà trọ, lọ mọ làm quen đường sá, tiếp cận công việc và địa bàn từ số 0. Nhưng thuận lợi lớn nhất là sự hỗ trợ từ gia đình đến lãnh đạo cơ quan, cùng chia sẻ khó khăn trước mắt, cùng nhìn về phía trước. Mỗi người tự sắp xếp lại nhịp sống, sắp xếp luôn cả tâm trạng cá nhân, tiếp nhận nhanh chóng sự thay đổi này. Chúng tôi không đơn độc, bởi có những cán bộ hưu trí luôn tích cực theo dõi bước chân, động viên bằng nhiều lời khuyên ý nghĩa.
“Thế hệ tôi sau năm 1975 chứng kiến sự biến đổi lớn lao. Tiếp đến là năm 1986 với bao thay đổi phi thường. Và bây giờ, nhiều chuyển biến nhanh, hy vọng cũng rất lớn... Mong anh em trẻ biết chọn lọc điều tốt đẹp, tránh xa những “chiếc xe lớn nghiêng ngả - đổ nhào”, thật tâm toàn ý góp phần đưa đất nước sánh vai cùng thiên hạ! Đường lên phía trước rộng thênh thang!” - ông Lê Chí Thành (nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) chia sẻ.
Ngày 30/6, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi: “Các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động hãy chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế phát triển, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch, của dân, do dân và vì dân.
Hãy để mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận đổi mới. Hãy để tinh thần cách mạng tấn công mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo, thấm đẫm hồn dân tộc trong từng hành động, từng quyết sách và từng bước phát triển đi lên. Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”.
“Lời hiệu triệu” ấy đang được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện bằng nhiều cách, trong đó có những chuyến đi làm “xa mà gần”, khắc phục trở ngại về không gian, thời gian… để tiếp nối hành trình xây dựng quê hương, đất nước. Đi xa, là để trở về, theo cách hiểu mới trong thời kỳ mới!