Thương mại Việt -Trung: Bộ Công Thương thúc đẩy hợp tác sâu tới nhiều địa phương
Hợp tác kinh tế, thương mại là điểm sáng trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Quan hệ hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả tới các cấp địa phương.
Điểm sáng trong quan hệ Việt - Trung
Năm 2025 là một năm rất đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025) và là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.
Những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm sáng trong tổng thể quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược” giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Điều này được thể hiện ở việc Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; là đối tác nhập khẩu lớn nhất, đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và hiện nay Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2024 hợp tác kinh tế thương mại tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỷ USD và theo số liệu từ phía Trung Quốc, thương mại hai nước đạt 260 tỷ USD.
3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46%. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.

Hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm sáng trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Giang
Đáng chú ý, nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, trong bài viết đăng trên Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) ngày 14/4/2025 nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Quan hệ kinh tế - thương mại không ngừng phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trong hơn ba thập kỷ gần đây, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bứt phá hơn 6.400 lần, xác lập đỉnh cao mới, vượt 200 tỷ USD vào năm 2024.
Việt Nam duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam...”.
Không chỉ trong hợp tác thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng đã đạt được những mức tăng trưởng ấn tượng. Đến nay, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới.

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác phát triển dựa trên các FTA, các khuôn khổ hợp tác mà hai bên cùng tham gia. Ảnh: Hoàng Giang
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, những năm qua, quan hệ hợp tác, kinh tế, thương mại hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã và đang được củng cố thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hoặc thông qua các khung khổ hợp tác mà hai bên cùng là thành viên.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 FTA, đưa nước ta trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (200% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường. Trong khi đó, Trung Quốc đang tham gia 24 FTA, trong đó có 16 FTA đã được ký kết và thực hiện.
Không những vậy, năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và năm 2020, hai nước cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai FTA trên cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN - Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.
Hợp tác thực chất và hiệu quả tới các cấp địa phương
Điều đáng chú ý nữa là, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã và đang ngày càng trở nên thực chất và hiệu quả tới tận các cấp địa phương, thông qua các bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại được ký kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam với chính quyền các tỉnh của phía bạn như: Tứ Xuyên (năm 2009), Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (năm 2019), tỉnh Vân Nam (năm 2022), tỉnh Hải Nam (năm 2024), tỉnh Sơn Đông (năm 2024).
Việc ký kết và thực thi các Bản ghi nhớ với các địa phương không chỉ góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các địa phương tiềm năng của Trung Quốc, mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ổn định và bền vững.
Đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các địa phương Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhìn nhận, thương mại hai nước sẽ có nhiều đột phá khi các bộ, ngành, cơ quan hai nước ký kết nhiều văn kiện, biên bản hợp tác. Trong đó phải kể đến các văn kiện, biên bản hợp tác mà Bộ Công Thương Việt Nam đã thiết lập với Bộ đối tác cũng như các địa phương Trung Quốc. Điều này thể hiện dư địa và không gian hợp tác của hai nền kinh tế còn rất lớn, đặc biệt là đối với các địa phương biên giới.
“Những địa phương mà Bộ Công Thương lựa chọn ký kết thỏa thuận hợp tác (với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Vân Nam, tỉnh Hải Nam...) đại diện cho sự hợp tác đa dạng về nhu cầu của hai nước; đồng thời thể hiện tính đặc thù trong quan hệ hai nước” - TS. Võ Trí Thành nhận định và cho rằng, các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, giao thông vận tải, đường sắt, du lịch... sẽ là những lĩnh vực hợp tác trọng tâm, tiềm năng bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống.

Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nâng cấp mình hơn, tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn để tham gia vào chuỗi giá trị của Trung Quốc cũng như toàn cầu. Ảnh: Minh Hiếu
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, cơ hội và tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là rất lớn bởi, trước hết, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ của hai nước ngày càng được thắt chặt và củng cố, tạo tiền đề thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển;
Thứ hai, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước là rất lớn;
Thứ ba, nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản có thế mạnh, có giá trị cao của Việt Nam như: Sầu riêng (bao gồm cả sản phẩm tươi và đông lạnh), tổ yến, dừa tươi... đã được phía Trung Quốc mở cửa thị trường trong thời gian gần đây cho phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc;
Thứ tư, do đặc thù về vị trí địa lý nên hợp tác trong lĩnh vực logistics giữa hai nước rất đa dạng, hiệu quả góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường Trung Quốc;
Thứ năm, thị trường Trung Quốc có quy mô dân số lớn, nhu cầu hàng hóa đa dạng, vì vậy có nhiều dư địa để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và khai thác.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, TS. Võ Trí Thành khuyến cáo, doanh nghiệp, ngành hàng cần tận dụng tối đa những thỏa thuận, những khuôn khổ hợp tác mà hai bên cùng tham gia. Không chỉ vậy, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nâng cấp mình hơn, tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác với các địa phương Trung Quốc là phương hướng hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả mà Bộ Công Thương đang là một trong những đơn vị đi đầu. Mô hình hợp tác này cần được nhân rộng không chỉ trong các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương mà còn ở nhiều bộ, ngành khác để nâng tầm hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, từ ngày 14 - 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và là chuyến thăm lần thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đặc biệt là diễn ra trong “Năm giao lưu nhân văn”, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950 - 2025).
Dự kiến trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, lần lượt có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để trao đổi về các biện pháp, phương hướng, định hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực; ngoài ra đồng chí Tập Cận Bình cũng sẽ tham gia một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.