Thương mại quốc tế biến động, thủy sản Việt có thể bứt phá?
Trong bối cảnh tình hình thương mại toàn cầu có nhiều biến động, cơ hội với ngành thủy sản Việt Nam dường như đang nhiều hơn thách thức. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt trong ngành phải làm gì để có thể thích ứng và bứt phá.
Cơ hội tăng thị phần tại Mỹ
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam được đánh giá nằm trong top 4 các nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất trước những chính sách mới của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, chưa thể đoán định được liệu thủy sản Việt Nam có bị áp mức thuế mới hay không và khi nào sẽ bị áp dụng, vì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
"Dù vậy, với những động thái của Mỹ với các nước Trung Quốc, Canada, Mexico, có một số cơ hội và thách thức đan xen đối với thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 thị trường Trung Quốc và Canada", bà Lê Hằng nhìn nhận.
Ngày 1/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc, mở màn cho một đợt căng thẳng thương mại mới.
Trước diễn biến mới này, theo bà Lê Hằng, các doanh nghiệp Mỹ có thể chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Mỹ và cả các thị trường khác như Nhật Bản, Canada… cũng sẽ tìm kiếm đối tác gia công chế biến thủy sản ở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_304_51462134/2848c0fef0b019ee40a1.jpg)
Cơ hội với ngành thủy sản Việt Nam dường như đang nhiều hơn thách thức trước những diễn biến mới của thị trường quốc tế.
Hàng năm, Mỹ nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc với trị giá từ 1,6 – 2 tỷ USD. Trong đó, tập trung nhiều vào các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh với giá trị từ 1-1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 70%). Trong nhóm cá phile tươi/đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, cá rô phi chiếm khối lượng và giá trị lớn nhất, tiếp đến là cá tuyết, cá hồi…
Việc Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với nhập khẩu từ Trung Quốc có thế khiến giá cá rô phi của Trung Quốc tiếp tục tăng, điều này có thể làm giảm nhu cầu của Mỹ. Do vậy, dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn cho cá tra.
Cơ hội gia tăng thủy sản cao cấp sang Trung Quốc
Cũng theo bà Lê Hằng, việc Mỹ áp thuế 10% với sản phẩm của Trung Quốc, có thể sẽ dẫn đến hành động trả đũa tương tự từ Trung Quốc. Do vậy, thủy sản nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.
Bối cảnh này tiếp tục có lợi cho thủy sản Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang thị trường này mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
Những năm gần đây, Trung Quốc tăng đột phá xuất khẩu thủy sản sang các nước ASEAN một phần do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến thị phần tại Mỹ giảm, một phần Trung Quốc cũng tận dụng lợi thế địa lý và ưu đãi thương mại, đặc biệt là thị trường Thái Lan, Malaysia. Xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục trong thời gian tới khi mà xung đột thương mại với Mỹ gia tăng và bất ổn với Nhật Bản chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể (khoảng 19 – 21%) xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc. Do vậy, ngoài việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải cân đối lại thị phần cho chính thị trường nội địa. Do vậy, cá tra Việt Nam lại phải cạnh tranh với chính cá rô phi tại thị trường Trung Quốc.
"Cơ hội dường như đang nhiều hơn thách thức. Ngành thủy sản Việt có thể nắm bắt và bứt phá nếu nguồn cung ứng nguyên liệu tốt về cả khối lượng và chất lượng", Giám đốc Truyền thông của VASEP chia sẻ.
Về thương mại Mỹ - Canada, việc Mỹ áp thuế 25% lên hàng Canada sẽ khiến xuất khẩu thủy sản giảm, buộc Canada chuyển hướng sang các thị trường khác. Việt Nam có thể hưởng lợi khi Canada tăng xuất khẩu sang để gia công, chế biến và tái xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác nhập khẩu thủy sản Canada để tiêu thụ và gia công. Tuy nhiên, điều này vừa mở ra cơ hội cho doanh nghiệp vừa tạo áp lực cạnh tranh trong nước.
Canada cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, gây áp lực cạnh tranh cho thủy sản Việt tại đây. Ngoài ra, do thị phần Mỹ giảm, Canada sẽ tiêu thụ nhiều hơn trong nước, có thể giảm nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thay đổi liên tục, bà Lê Hằng khuyến nghị doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Xây dựng các kênh cung ứng bền vững và linh hoạt, bao gồm nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu nguyên liệu khi cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt.
Cập nhật và nắm bắt thông tin thị trường, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm – thị trường linh hoạt trong bối cảnh mới. Luôn bảo đảm chất lượng thủy sản xuất khẩu, tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc hiệu quả để giữ uy tín và tăng thị phần tại các thị trường tiềm năng trong năm 2025.
Ngoài ra, cần đầu tư hơn cho chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và mở rộng thị phần tại các thị trường, đồng thời tránh bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thuế khác trong bối cảnh mới này.