Thương mại hóa 5G đem lại nhiều cơ hội trong chuyển đổi số ngân hàng
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thương mại hóa 5G sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho ngành ngân hàng trong tương lai, song nhiều thách thức cần giải quyết để đẩy nhanh quá trình này.
Ông cho biết, thương mại hóa 5G sẽ có tác động thế nào đến chuyển đổi số ngành ngân hàng trong thời gian tới?
Việc ứng dụng công nghệ 5G vào thực tiễn thành công, hứa hẹn sẽ thúc đẩy quá trình cung cấp dịch vụ ngân hàng tài chính một cách nhanh chóng, thông minh và hiệu quả.
Hệ thống tổ chức tín dụng vẫn xem xét, đánh giá các vấn đề để đưa ra cách thức triển khai công nghệ di động, đồng thời cân bằng hiệu quả giữa tính bảo mật, xác thực và trải nghiệm khách hàng. Các thiết bị công nghệ được áp dụng 5G sẽ có tính kết nối mạnh mẽ hơn, từ đó hình thành nên hệ sinh thái 5G đầy tiềm năng cho sự tăng trưởng ngành ngân hàng.
Các hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh toán sẽ được thực hiện trên nhiều hình thức khác nhau, với những kênh như điện thoại thông minh 5G, thiết bị IoT, thiết bị đeo tay, cũng như thiết bị công nghệ thực tế ảo. Tốc độ xử lý dữ liệu nhanh hơn, đi kèm với hệ thống bảo mật tiên tiến là những thứ mà công nghệ 5G sẽ thực hiện để cách mạng hóa thị trường, rút ngắn đáng kể thời gian xử lý giao dịch.
Với mạng 5G, độ trễ chỉ còn 1 mili giây. Như vậy, khách hàng sẽ trải nghiệm các dịch vụ với tốc độ siêu nhanh và gần như không phải chờ đợi để hoàn thiện tác vụ trên các thiết bị điện tử. Điều này đóng vai trò quan trọng đối với ngành tài chính ngân hàng trong phân tích và xử lý dữ liệu.
Việc triển khai 5G thực tế vẫn còn thách thức, nhưng chắc chắn, công nghệ mạng di động sẽ cung cấp những cách thức mới cho các tổ chức tài chính và Fintech để giành được nhiều khách hàng và thị phần hơn.
So với các nước trong khu vực, chuyển đổi số ngành ngân hàng ở Việt Nam đang đứng ở vị trí nào? Đâu là những bài học kinh nghiệm, thưa ông?
Tôi đã đi khảo sát việc chuyển đổi số của các ngân hàng trong khu vực, có thể nhận định, ngành ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kèm theo đó còn nhiều vấn đề phải bàn như hành lang pháp lý, quy trình phối hợp xử lý giữa các bộ, ban, ngành chưa đồng bộ, an toàn, an ninh bảo mật… là những nội dung hết sức quan tâm không riêng ngành ngân hàng, mà các bộ, ngành khác cũng phải vào cuộc mới đồng bộ.
Có nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước để có thể thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Thứ nhất, các ngân hàng thương mại (NHTM) rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng môi trường hoạt động vừa an toàn, vừa hiệu quả cho các công ty Fintech, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa Fintech với các NHTM Việt Nam.
Thứ hai, các NHTM cần tích cực thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng tích hợp đa kênh, đổi mới công nghệ tài chính, hướng đến xây dựng hệ sinh thái toàn diện.
Thứ ba, sớm nghiên cứu và tích cực ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động ngân hàng như AI, Big Data, Cloud Computing, IoT…
Thứ tư, ngân hàng cần quan tâm đến hành vi và nhu cầu của khách hàng, nhằm bảo vệ lợi ích cho khách hàng, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm hiện đại khi sử dụng dịch vụ tài chính, đồng thời gia tăng lòng tin của khách hàng khi thực hiện các giao dịch tài chính số với ngân hàng.
Thứ năm, chuyển đổi số thực chất xuất phát từ tầm nhìn và định hướng của lãnh đạo trong việc phát triển ngân hàng dài hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng làm chủ kỹ thuật số cho nhân viên, tuyển dụng bổ sung nhân lực thạo công nghệ...
Theo ông, ngành ngân hàng cần những động lực mới nào để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế số?
Để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế số, ngành ngân hàng cần xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024.
Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số...