Thương mại điện tử tăng tốc, làm sao giải bài toán nhân lực vận hành?

Trong bối cảnh thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, nhu cầu về nguồn nhân lực vận hành đang trở thành bài toán khó của nhiều doanh nghiệp.

Thương mại điện tửViệt Nam đang trên đà tăng tốc với tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng đi cùng với đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng vận hành bài bản, chuyên sâu. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để làm rõ thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tới.

Nhu cầu tất yếu về nguồn lực cho thương mại điện tử

- Thưa ông, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sẽ có những yêu cầu mới nào đối với nguồn nhân lực vận hành?

Ông Bùi Trung Kiên: Như chúng ta đã biết, trong những năm gần đây, thương mại điện tử của Việt Nam đã có những bước phát triển hết sức ấn tượng. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tới 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Việt Nam cũng tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thương mại điện tử, xếp thứ 5 thế giới về tốc độ phát triển. Thương mại điện tử đang tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số và trở thành trụ cột trong nền kinh tế số.

Với quy mô này, nguồn nhân lực thương mại điện tử sẽ phải đáp ứng nhiều mảng như: vận hành sàn, quảng cáo kỹ thuật số, quản trị đơn hàng, logistics, phân tích dữ liệu, bảo mật, chăm sóc khách hàng đa nền tảng…

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Ảnh: VECOM

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Ảnh: VECOM

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thực trạng thiếu hụt nhân lực thương mại điện tử hiện nay?

Ông Bùi Trung Kiên: Theo số liệu do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, chỉ 30% nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện được đào tạo bài bản, chính quy. 70% còn lại xuất thân từ các ngành khác như kinh doanh, công nghệ thông tin, marketing... và phải tự học, tự đào tạo để thích ứng với công việc.

Trong khi đó, số lượng cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành thương mại điện tử còn khá ít, chỉ có khoảng 36 trường đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử và hơn 50 trường đào tạo học phần liên quan.

Đó là chưa kể tới việc những yêu cầu đối với nguồn nhân lực thương mại điện tử hiện nay đã cao hơn xưa rất nhiều. Một nhân viên thương mại điện tử không chỉ làm việc với sản phẩm, mà còn phải hiểu thuật toán đề xuất trên sàn, biết sử dụng các nền tảng quảng cáo như Google, Facebook, Tiktok Shop và đọc hiểu các chỉ số hiệu suất như CR (conversion rate), AOV (average order value), CAC (customer acquisition cost)... Nếu thiếu nhân lực có kinh nghiệm, sẽ lãng phí ngân sách quảng cáo hoặc làm giảm tỷ lệ giữ chân khách hàng.

Không chỉ ở doanh nghiệp lớn, mà cả những hộ kinh doanh nhỏ, hợp tác xã, nếu muốn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng phải có người biết việc. Từ việc dựng gian hàng, chụp ảnh sản phẩm, viết mô tả, xử lý đơn, giao hàng, tất cả đều cần kỹ năng số. Nhưng thực tế, đa phần các chủ hộ, hợp tác xã chưa được đào tạo bài bản.

Ở các địa phương, tình hình còn nghiêm trọng hơn. Tôi từng tham gia một số chương trình về thương mại điện tử tại các tỉnh miền núi và nhận thấy, 90% người học lần đầu được tiếp cận với kiến thức như tối ưu hình ảnh sản phẩm, livestream bán hàng, hay sử dụng Zalo OA, TikTok Shop. Như vậy có thể thấy, khoảng cách đào tạo thương mại điện tử giữa các trung tâm đô thị và địa phương vùng sâu, vùng xa đang rất lớn.

Ngoài ra, nguồn cung từ các trường đại học hiện còn hạn chế. Chương trình thương mại điện tử trong nhiều trường vẫn quá thiên về lý thuyết. Ít sinh viên được học thực hành trên sàn thực tế như Lazada, Shopee, Tiktok Shop. Các môn như digital marketing, quản lý logistics thương mại điện tử, phân tích dữ liệu người tiêu dùng… chưa được đầu tư đúng mức.

Đổi mới hoạt động đào tạo, thực hiện mô hình hợp tác ba bên

- Vậy theo ông, cần những giải pháp cụ thể nào để giải bài toán nhân lực vận hành cho thương mại điện tử?

Ông Bùi Trung Kiên: Tôi cho rằng, cần tăng cường đào tạo nhân lực số theo 3 cấp: đào tạo chính quy, đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ. Đồng thời, phải huy động sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường.

Chúng ta cần điều chỉnh chương trình đào tạo thương mại điện tử trong các trường đại học, cao đẳng theo hướng ứng dụng, có nghĩa là tăng thời lượng thực hành, đưa mô hình thực chiến vào giảng dạy. Chẳng hạn, sinh viên nên được vận hành thật một gian hàng trên sàn thương mại điện tử, chạy thử các chiến dịch bán hàng, làm việc với KOLs hoặc trải nghiệm livestream bán hàng.

Bên cạnh đó, cần mở rộng mô hình đào tạo ngắn hạn tại các địa phương, đặc biệt tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Điều này thời gian qua phía Bộ Công Thương cũng đã làm khá tốt khi tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng bán hàng thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh, người dân vùng sâu vùng xa.

Về phía các doanh nghiệp, họ nên xây dựng các lớp học nội bộ một cách thường xuyên để chủ động đào tạo nhân lực thương mại điện tử theo đặc thù ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang tham gia. Những mô hình này nên được chia sẻ cho cộng đồng, kết nối với hệ thống đào tạo nhà nước để lan tỏa.

Chúng ta cũng cần tạo nên một mô hình liên kết ba bên giữa doanh nghiệp - nhà trường - hiệp hội để tạo ra môi trường thực hành liên tục cho sinh viên và người lao động.

Cuối cùng, phải coi thương mại điện tử là ngành kinh tế chiến lược, cần được hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể về đào tạo, ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng đội ngũ số và có quy hoạch nhân lực thương mại điện tử trong từng địa phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế số.

- Xin cảm ơn ông!

Thương mại điện tử chỉ thực sự bền vững khi được vận hành bởi đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, hiểu công nghệ và sát thực tiễn. Giải bài toán nhân lực không chỉ là yêu cầu trước mắt, mà là nền tảng cho tăng trưởng dài hạn. Đây là lúc các bên cần hành động quyết liệt và đồng bộ.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-dien-tu-tang-toc-lam-sao-giai-bai-toan-nhan-luc-van-hanh-412363.html
Zalo