Sản xuất kết hợp du lịch trên vườn nhãn
Thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn các xã Đất Đỏ, Phước Hải, Hòa Hiệp, Bình Châu (TPHCM) đang bước vào thu hoạch nhãn đầu vụ. Thời tiết tương đối thuận lợi, sản lượng cao nhưng giá bán lại thấp. Nông dân đã kết hợp làm du lịch sinh thái trên vườn nhãn để có thêm nguồn thu.

Nông dân xã Phước Hải, TPHCM phấn khởi thu hoạch nhãn. Ảnh: Hải Đăng.
Năng suất cao nhưng giá bán thấp
Vườn nhãn 1,5 ha của gia đình ông Nguyễn Công Kỳ, ở xã Hòa Hiệp bước vào vụ thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng với sản lượng ước khoảng 15 tấn trái, tăng 50% so với vụ năm ngoái. Tuy nhiên, giá bán trái nhãn chính vụ thời điểm này chỉ còn dao động từ 8.000-11.000 đồng/kg thay vì 25.000-30.000 đồng/kg so với năm ngoái, sau khi trừ chi phí, ông Kỳ không có lợi nhuận do chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc cao.
Vườn nhãn của gia đình ông Đỗ Yến - trú xã Bình Châu với 4ha, dự kiến vụ năm nay gia đình ông thu khoảng 40 tấn, cao hơn 10 tấn so với năm ngoái nhưng do giá bán thấp, bình quân chỉ 10.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với năm ngoái, thu nhập của ông do đó cũng giảm mạnh.
Các vùng chuyên canh nhãn xuồng cơm vàng tại xã Hòa Hiệp, xã Bình Châu… có diện tích khoảng 500ha, hầu hết đang trong giai đoạn kinh doanh, với sản lượng ước hơn 5.000 tấn.
Còn tại vùng chuyên canh trồng nhãn xuồng bao công, nhãn xuồng bắp cải tại xã Phước Hải hiện có khoảng hơn 100 ha cũng đang bước vào mùa thu hoạch. Từ đầu tháng 7 đến nay, gia đình ông Phạm Thẩm - ấp An Điền, xã Phước Hải có 4ha diện tích trồng nhãn, với trên 30 năm tuổi đã chín rộ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nhãn được xử lý ra hoa đúng thời điểm nên đạt năng suất cao, dự kiến vụ nhãn năm nay, gia đình ông Thẩm thu về khoảng 60 tấn, trong khi đó, năm ngoái chỉ thu được 18 tấn.
Ông Thẩm cho biết, năm ngoái vườn nhãn của gia đình ông thất thu về sản lượng nhưng giá bán lại ở mức cao, dao động từ 35.000-50.000 đồng/kg nhãn xuồng bao công và khoảng 150.000 đồng/kg nhãn xuồng bắp cải. Năm nay vườn nhãn của gia đình ông tuy được mùa nhưng giá lại đang ở mức thấp hơn, dao động từ 32.000 - 33.000 đồng/kg nhãn xuồng bao công và 130.000 đồng/kg nhãn xuồng bắp cải, trong khi sức tiêu thụ lại khá chậm.
Sản xuất kết hợp làm du lịch sinh thái
Để tăng năng suất cho cây nhãn, ngành nông nghiệp các xã chuyên canh nhãn đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tháng 6/2022, nhãn xuồng Lộc An (nay là xã Phước Hải, TPHCM) đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Còn tại xã Phước Hải, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm trồng trọt phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho 15ha nhãn. Việc được công nhận VietGAP sẽ góp phần nâng cao quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và nâng cao giá trị của cây nhãn xuồng trên thị trường.
Theo ngành nông nghiệp, nhãn xuồng cơm vàng là một trong những cây ăn trái chủ lực của các xã Đất Đỏ, Phước Hải, Hòa Hiệp, Bình Châu... Ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nhiều nông dân đã biết áp dụng kỹ thuật cao vào canh tác, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên phần nào đã cạnh tranh được với một số loại trái cây khác. Các địa phương cũng đã đưa vào khai thác mô hình du lịch cộng đồng tại vườn nhãn. Sản phẩm nhãn xuồng được khách du lịch ưa chuộng, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định và làm giàu từ cây nhãn.
Ngày cuối tuần, vườn nhãn bác Thẩm (xã Phước Hải, TPHCM) đón khoảng 30-40 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức nhãn tại vườn. Chị Thùy Linh (du khách đến từ Đồng Nai) cho biết, qua tìm thông tin trên Internet, chị biết đến vườn nhãn bác Thẩm nên tranh thủ dịp hè đưa các con xuống Phước Hải du lịch, kết hợp thăm quan vườn nhãn.
Vườn nhãn Hòa Thuận nằm trên tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu những ngày hè cũng nhộn nhịp khách tham quan. Theo bà Trương Thị Bảy - chủ vườn nhãn Hòa Thuận, vườn nhãn rộng hơn 2ha, trồng các loại nhãn bao công, nhãn tiêu và nhãn bắp cải. Sản lượng bình quân hơn 20 tấn/vụ. Từ năm 2022, vườn nhãn của gia đình bà được chọn là điểm du lịch cộng đồng nên mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, lượng khách thăm quan tại vườn cũng khá nhiều.
Đây là hướng đi mới cho nông dân và cũng cần nhân rộng, mô hình này kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng sẽ giúp tăng thu nhập cho người trồng nhãn. Đồng thời, khách du lịch mua sản phẩm về dùng hoặc làm quà sẽ góp phần quảng bá sản phẩm nhãn xuồng của địa phương.