Thương mại cà phê Trung Quốc, Brazil bùng nổ
Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Brazil, thị trường cà phê Trung Quốc dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội giao thương mới.
Thị trường cà phê tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh, đạt 313,3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 44 tỷ USD) vào cuối năm 2024, so với mức 265,4 tỷ Nhân dân tệ của năm ngoái. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê tại quốc gia này đang tăng nhanh chóng.
Trong buổi khánh thành Đại sứ quán Brazil tại Bắc Kinh năm 1974, Thứ trưởng Bộ Thương mại Ngoại giao Trung Quốc khi đó, ông Trần Kiệt, đã có bức ảnh chụp cùng Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Azeredo da Silveira, khi hai vị quan chức này nâng ly espresso chứa cà phê Arabica Brazil để chúc mừng.
Hình ảnh mang tính biểu tượng này đã xuất hiện trở lại vào tháng 6 năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Brazil. Và gần đây, mối quan hệ giữa hai quốc gia tiếp tục được củng cố thông qua việc xuất khẩu cà phê Brazil sang Trung Quốc.
Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil ước tính, xuất khẩu cà phê của Brazil sang Trung Quốc sẽ tăng 65% vào năm 2024, đạt khoảng 525 triệu USD. Năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 80 triệu USD cà phê từ Brazil, con số này đã tăng lên 280 triệu USD vào năm ngoái, theo ông Jorge Viana, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Brazil (ApexBrasil).
Giáo sư Tài chính Triệu Tây Quân, Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận định: "Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Brazil. Đây là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi". Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất sang Trung Quốc, chiếm 44% tổng lượng cà phê nhập khẩu của Trung Quốc theo số liệu từ Wind, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính của Trung Quốc.
Brazil không chỉ là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất mà còn là quốc gia sản xuất cà phê số một thế giới, chiếm 39% sản lượng cà phê toàn cầu theo dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Trong năm kinh doanh 2023/24, Brazil đã xuất khẩu 66,3 triệu bao cà phê tiêu chuẩn (mỗi bao 60kg), gấp đôi so với con số 29,1 triệu bao của Việt Nam. Theo Viện nghiên cứu World Coffee Portal có trụ sở tại London, trong 18 tháng qua, Brazil đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc, nhờ nhu cầu tăng vọt.
Các quan chức từ Đại sứ quán Brazil tại Bắc Kinh chia sẻ với báo giới rằng, sự gia tăng tiêu thụ, sự đa dạng của hương vị cà phê, cùng với cam kết đảm bảo tính bền vững về xã hội và môi trường tại nơi trồng cà phê, là những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển này.
Ông Adriano Giacomet Higa de Aguiar, người đứng đầu bộ phận xúc tiến thương mại và đầu tư của Đại sứ quán Brazil tại Bắc Kinh, cho biết: "Cà phê vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Brazil, chiếm hơn 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái. Tuy nhiên, thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu cà phê của Brazil chỉ dưới 4%, dù tăng trưởng tới hơn 250% từ năm 2022 đến năm 2023. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn."
Theo dự báo, đến cuối năm 2024, thị trường cà phê Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 265,4 tỷ Nhân dân tệ (37 tỷ USD) năm ngoái lên 313,3 tỷ Nhân dân tệ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17,14% trong ba năm qua. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lượng cửa hàng cà phê, với gần 50.000 quán cà phê, trong khi Mỹ chỉ có khoảng 38.000 quán. Thành phố Thượng Hải hiện đứng đầu thế giới về mật độ quán cà phê, với 9.553 quán vào cuối năm 2023, so với 3.755 quán tại New York.
Giáo sư Triệu Tây Quân từ Đại học Nhân dân chia sẻ thêm: "Nhu cầu cà phê tại Trung Quốc đang phát triển rất nhanh - các chuỗi lớn đã di chuyển từ những thành phố lớn đến các thành phố vừa và nhỏ. Giờ đây, vấn đề nằm ở gu thưởng thức và khả năng chi trả của người tiêu dùng, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi họ sẵn sàng trả mức giá cao hơn."
Vốn là quốc gia có truyền thống uống trà, nhưng tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong các khách sạn quốc tế, và được mở rộng hơn nhờ sự phổ biến của chuỗi cà phê Mỹ như Starbucks. Người tiêu dùng Trung Quốc đã dần quen với thói quen ngồi tại các quán cà phê và thưởng thức không gian.
Luckin Coffee, chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc, đã ký thỏa thuận trị giá khoảng 500 triệu USD với ApexBrasil vào tháng 6 năm nay để mua 120.000 tấn cà phê từ Brazil trong hai năm tới, theo hãng tin Agência Brasil. Luckin đã mở thêm 8.034 cửa hàng vào năm ngoái, nâng tổng số lên 16.248 cửa hàng, vượt xa con số 7.000 của Starbucks tại Trung Quốc.
Trung Quốc được coi là thị trường tiềm năng lớn cho các nhà xuất khẩu cà phê nhờ vào dân số đông đảo và người tiêu dùng thích những xu hướng mới, hiện đại. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng ưa chuộng những thức uống sáng tạo, pha trộn cà phê với nước dừa, nước ép trái cây hay thậm chí cả trà.
Đặc biệt, Trung Quốc còn nổi tiếng với mô hình giao hàng độc đáo. Nhiều cửa hàng cà phê, như Luckin, chủ yếu hoạt động như điểm nhận hàng cho tài xế giao hàng. Thiết kế lấy khách hàng làm trung tâm này giúp quy trình giao nhận diễn ra hiệu quả và nhanh chóng, cung cấp cà phê với chi phí thấp mà tốc độ giao hàng cao.
Cả giá cà phê và dịch vụ giao hàng tại Trung Quốc đều rẻ hơn nhiều so với các nước khác, mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho thị trường này.