Thương lái thu mua ong bầu với giá lên đến 4 triệu đồng/kg
Những người thu mua ong bầu cho biết, họ được thương lái từ Trung Quốc đặt hàng thu mua loại ong này, thậm chí còn cấp cả thuốc và hướng dẫn dùng thuốc dẫn dụ ong.
Giá 4 triệu đồng/kg ong bầu
Trong những tháng gần đây, một hiện tượng lạ đang diễn ra ở nhiều vùng quê Việt Nam khi ong bầu, loài côn trùng vốn quen thuộc và có lợi, bỗng nhiên trở thành mục tiêu săn lùng của nhiều người. Với giá thu mua lên đến hàng triệu đồng mỗi kg đã kích thích nhiều người dân, tham gia vào cuộc săn lùng loài ong này.
Cụ thể, ong bầu được chào giá thu mua công khai trên các hội nhóm với giá khoảng 4 triệu đồng/kg. Trên các hội nhóm chuyên mua các mặt hàng để xuất sang Trung Quốc, mỗi ngày có hàng chục bài viết thu mua ong bầu xuất hiện.
Không những thế, để thu mua được nhiều ong bầu nhất có thể, những thương lái còn tận tình hướng dẫn người dân bẫy ong bầu bằng thuốc mà họ bán với giá 300.000 đồng/kg.
“Chỉ cần đốt thuốc này lên, ong bầu cách xa từ 5-10km cũng theo hương thơm bay về, lúc này chỉ cần lấy vợt mà bắt là được”, một thương lái có tài khoản N.L. hướng dẫn. Theo đó, người đi bắt ong bầu thường dùng thuốc đã pha sẵn: “Đây là loại thuốc mà đầu mối thu mua ong bên Trung Quốc cung cấp cho, chỉ cần đập nhỏ ra bằng nửa hạt gạo, trộn với đường vàng rồi đốt, ong đang đi kiếm ăn ở trong bán kính 10km đổ lại khi ngửi thấy mùi thơm của thuốc sẽ bay đến, chỉ cần dùng vợt bắt về phơi 2-3 nắng là đem bán”.
Người này cho biết, tùy vào địa điểm có nhiều ong hay ít mà lượng ong thu được sẽ ít hoặc nhiều khi đốt thuốc. “Có người đốt nửa cân thuốc là bắt được hơn nửa cân ong rồi”.
Theo anh N.L., thuốc bắt ong có mùi thơm như phấn hoa, không hề có độc. Việc bắt ong bằng thuốc thậm chí bán còn được giá hơn bắt ong một cách tự nhiên. Anh L. lý giải rằng, do những con ong bị thuốc hấp dẫn đến là những con ong già, khỏe mạnh, bay đường xa nên chất lượng dược liệu tốt hơn.
N.L. là một đầu mối thu mua ong bầu, sinh sống tại Ninh Bình. Anh cho biết, từ đầu vụ đến hiện tại, anh đã thu mua hơn 1 tấn ong bầu. Nhưng con số này chưa là gì so với một đầu mối mà anh quen biết, sinh sống ở Quảng Ninh. “Gần đây tôi hỏi, họ đã thu mua được hơn 6 tấn rồi”.
Nguyễn Hưng, một người thu mua ong bầu, sinh sống tại Phú Thọ cho biết, ong bầu thường làm tổ trong thân cây khô họ nhà tre. Mỗi đốt tre chỉ có một con ong bầu làm tổ. Chúng kiếm mật về tổ, đẻ trứng, ấp nở và nuôi con non. Mỗi tổ như vậy thường ong cái sẽ đẻ 3-4 con.
Mật ong bầu rất thơm, con ong bầu cũng thơm mùi mật. Nếu đem ngâm rượu sẽ ra được loại rượu đặc biệt thơm. Quan niệm dân gian cho rằng, loại rượu này có thể chữa được bệnh thấp khớp. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chưa có bằng chứng cụ thể về hiệu quả của việc sử dụng ong bầu để chữa bệnh. Chính điều này đã tạo ra một thị trường ngầm cho sản phẩm này, đẩy giá ong bầu lên cao.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu ong bầu sang Trung Quốc cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu thu mua. Tại Trung Quốc, ong bầu được sử dụng làm nguyên liệu cho một số loại thuốc và thực phẩm chức năng.
Cảnh giác với chiêu trò của thương lái
Tuy nhiên việc khai thác ong bầu quá mức không chỉ gây ra sự mất cân bằng sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Ong bầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn cho cây trồng, đặc biệt là các loại cây ăn quả và cây công nghiệp. Việc giảm số lượng ong bầu sẽ dẫn đến giảm năng suất và chất lượng của các loại cây trồng này. Việc săn lùng ong bầu đang đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hàng chục năm trước, thương lái Trung Quốc bắt đầu sang Việt Nam thu mua những mặt hàng kỳ lạ với giá cao như móng trâu, móng bò... Vài năm trở lại đây họ gom đỉa, lá điều khô, cau non... Gần đây là xác ve sầu, giun đất...
Trong số này, có mặt hàng xác định được nhu cầu tiêu thụ, nhưng không rõ ràng về thị trường, có loại không thể xác định được giá trị sử dụng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thì mơ hồ khó xác định như móng trâu, móng bò, đỉa, lá điều khô... Những nông sản này thuộc loại cá biệt, bất thường. Chiêu bài thường thấy của những thương lái Trung Quốc là thu mua với giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất làm nông dân thiệt hại nặng.
Giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi thương lái Trung Quốc thu mua cây, con hoang dã, ít giá trị cũng vô cùng nguy hiểm. Việc tận thu dị vật hoang dã sẽ gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường. Về góc độ pháp lý, họ không nộp thuế, không đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Chưa kể, thu mua nông sản lạ như: tiêu lép, cam non hay rễ cây hồi… không đơn thuần là gây nhiễu loạn thị trường, mà sâu xa hơn là phá hoại cả nền sản xuất, vì cây mất rễ làm sao sống và cho thu hoạch.
Rất nhiều tiểu thương Việt Nam đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi làm ăn với thương nhân người Trung Quốc. Ở các thương vụ như thu mua cau non, tiêu non, lá điều… thương lái Trung Quốc có hành vi tung tin đồn, liên tục đẩy giá lên cao và thu mua với số lượng lớn. Không ít tiểu thương vì thế mà “găm hàng” chờ giá lên cao nữa rồi mới bán.
Khi một bộ phận thương lái trung gian Việt Nam gom đủ hàng, thương lái Trung Quốc biến mất, để lại đống hàng không biết dùng vào việc gì. Tiểu thương Việt Nam, những người từng vui mừng vì gom được món hời cũng nhanh chóng nhận ra mình đã sập bẫy. Chỉ có thương lái Trung Quốc lúc này đã cao chạy xa bay ôm theo cả đống tiền.
Phần lớn thương nhân Việt Nam làm trung gian, đầu mối thu mua thiệt hại trong những vụ mua bán bất thường liên quan đến thương lái Trung Quốc nhưng ít ai dám lên tiếng. Thu mua thiệt hại họ cũng không dám thừa nhận, bởi sợ ảnh hưởng đến uy tín. Các đại lý khác vẫn tưởng làm ăn được, tiếp tục thu mua và tạo cơ hội cho thương lái Trung Quốc kiếm lời, hoành hành gây nhiễu loạn..
Để giải quyết các vấn đề này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng và các cơ quan chức năng. Mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ đa dạng sinh học và không tham gia vào các hoạt động khai thác trái phép.