Thượng đỉnh EU giữa những mối tơ vò
Liên minh châu Âu (EU) có lẽ đang trải qua một trong những giai đoạn lịch sử đầy biến động và bất ổn khi mối quan hệ Đức – Pháp và nền chính trị tại những đầu tàu của khối đang đứng trước nhiều diễn biến khó lường.
Trong khi đó, Ukraine - quốc gia mà khối viện trợ hàng chục tỉ USD trong xung đột với Nga, thừa nhận không đủ sức giành lại các vùng lãnh thổ bị mất kiểm soát. Còn đồng minh Mỹ phía bên kia Đại Tây Dương thì gia tăng áp lực, thậm chí chỉ trích khối lợi dụng về thương mại trong khi vẫn nhờ cậy nước này hỗ trợ phòng thủ.
Diễn ra từ 18-19/12 tại Brussel (Bỉ) trong bối cảnh đầy rẫy những thách thức như vậy, Hội nghị Thượng đỉnh EU càng thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Chương trình nghị sự được giới lãnh đạo liên minh bàn thảo xuyên suốt dịp này phần lớn là vai trò địa chính trị của khối, tình hình xung đột Nga - Ukraine, cách tiếp cận với chính quyền sắp tới của Mỹ cùng loạt diễn biến tại Trung Đông. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, vấn đề nổi cộm được quan tâm hơn cả và phần nào liên quan tới những thách thức khác, đó chính là sự xuất hiện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong các phiên thảo luận từ khi mở đầu hội nghị.
Việc ông Zelensky có mặt tại Brussels truyền đi một thông điệp rõ ràng của các lãnh đạo EU muốn gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về “cam kết không lay chuyển” trong việc hỗ trợ Ukraine “cho đến khi đạt được mục tiêu”. Theo kết luận từ giới lãnh đạo EU, “Nga không được phép giành chiến thắng” trong cuộc xung đột với Ukraine. Và để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh các lực lượng Nga tăng đà tiến quân, dồn dập tấn công và giành được quyền kiểm soát nhiều thành trì chiến lược trên các mặt trận ở Ukraine, EU đã thảo luận về khả năng đưa khoảng 100.000 quân tới Kiev đồn trú trong trường hợp có lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình.
Euronews dẫn nguồn thạo tin cho hay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dẫn đầu các nỗ lực để có thể đóng băng chiến sự Nga – Ukraine. Quy mô của lực lượng này sẽ phụ thuộc vào các nhiệm vụ cụ thể nhằm cung cấp đảm bảo an ninh với Kiev. Tờ Kyiv hôm 18/12 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất chính là sự sẵn sàng của châu Âu trong việc gửi quân đến Ukraine để hỗ trợ bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào có được giữa Kiev và Moscow.
Chuyên gia Franz-Stefan Gady thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế phân tích, dự định đưa quân tới Ukraine đồn trú của EU được coi là một sự đánh đổi. Đóng băng xung đột bằng việc gửi quân tới Kiev sẽ cho phép phương Tây khôi phục lại sức mạnh của quân đội Ukraine sau 3 năm chiến đấu, giúp Ukraine khôi phục lại ngành công nghiệp quân sự vốn thường xuyên bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công. Hơn hết, đây sẽ là khoảng thời gian mà các đầu tàu EU có thể tập trung hơn vào việc tự giải quyết các cuộc khủng hoảng trong nước, cũng như khối được củng cố về địa chính trị.
Nhưng điều này sẽ khiến lực lượng trên bộ của châu Âu phải căng mình, bởi mới đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã loại trừ khả năng tham gia vào các nhiệm vụ như vậy của quân đội nước này. Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron hôm 7/12, ông Trump khẳng định rằng các nước châu Âu cần phải hành động độc lập. Đồng thời, ông Trump cũng nhiều lần kêu gọi kết thúc nhanh chóng cuộc chiến kéo dài gần ba năm qua ở Ukraine. Hôm 16/12, Tổng thống đắc cử Mỹ còn phát biểu rằng ông Zelensky nên sẵn sàng đạt thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh chính Kiev cũng phải thừa nhận không đủ sức giành lại các vùng lãnh thổ hiện dưới quyền kiểm soát của Moscow.
Nhìn về quá khứ, các lực lượng châu Âu thường dựa vào sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ trong các hoạt động quân sự lớn. Để so sánh, châu Âu, Mỹ và các đối tác khác đã triển khai khoảng 60.000 quân ở Bosnia và 50.000 quân ở Kosovo trong những năm 1990. Sau này, các nhiệm vụ đó đã bị thu hẹp đáng kể. Vì vậy, sự vắng bóng của Mỹ trong việc đưa quân đồn trú tới Ukraine có thể sẽ tạo ra khoảng trống không nhỏ giữa EU và quốc gia đồng minh quan trọng này.
Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, Tổng thống đắc cử Mỹ lại lôi kéo các nước châu Âu gia tăng áp lực lên Trung Quốc, gọi đây là đòn bẩy để thúc đẩy Nga chấm dứt cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, thậm chí sử dụng con bài thuế quan để mặc cả. Hôm 16/12 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua gói trừng phạt đối với Nga và tuyên bố thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với các thực thể Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine. Danh sách trừng phạt mới bổ sung thêm 84 cá nhân và thực thể, trong đó có 7 cá nhân và thực thể của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên EU áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện với Trung Quốc liên quan đến cuộc xung đột này, trong đó có cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Và khi Thượng đỉnh EU vẫn đang diễn ra, chính quyền Bắc Kinh đã phát đi tuyên bố phản đối lệnh trừng phạt của khối, nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của châu Âu đi ngược lại tinh thần nhận thức chung giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu. Cụ thể, đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, việc EC công bố các biện pháp trừng phạt toàn diện đầu tiên đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Trung Quốc không hài lòng với điều này và kiên quyết phản đối.
Giới quan sát nhận định, có vẻ như các quốc gia châu Âu đang mắc kẹt giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ukraine. Trong bối cảnh đó, chìa khóa duy nhất có thể giúp EU ở thời điểm này chính là sự thống nhất hay sự đồng thuận tương đối. Muốn vậy, trục cân bằng Đức – Pháp phải được hàn gắn, củng cố để dẫn dắt EU đối phó với các thách thức. Nếu các thành viên trong liên minh tự tìm kiếm lối đi riêng, hậu quả sẽ là va chạm lợi ích lẫn nhau, lục địa già lại vẫn quanh quẩn với cơn bĩ cực không lời giải.