Thuốc trị bệnh ngoài da thường gặp sau mưa lũ
Sau mưa lũ, do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém nên sẽ làm bùng phát một số bệnh ngoài da. Dưới đây là 3 bệnh ngoài da thường gặp và cách ứng phó...
1. Nước ăn chân - bệnh ngoài da phổ biến sau mưa lũ
Đây là bệnh ngoài da thường gặp ở kẽ chân nên gọi là nước ăn chân. Thực chất đây là bệnh do nấm Candida gây ra, xảy ra nhiều sau mưa lũ. Nguyên nhân là do điều kiện bị ngập nước bẩn, chân tay ngâm trong nước lâu, sẽ khiến nấm xâm nhập và phát triển. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu sẽ lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.
Bệnh do nấm gây ra, nên việc điều trị cần phải dùng thuốc kháng nấm. Dùng thuốc bôi tại chỗ khi bệnh nhẹ, nếu để bệnh nặng thì phải dùng thuốc uống.
- Thuốc bôi tại chỗ: Các loại thuốc kháng nấm thông dụng hiện nay như clotrimazole, econazole, ketoconazole, miconazole.
Khi dùng cần lưu ý một số vấn đề sau:
+ Không ngâm rửa tổn thương khi bôi thuốc.
+ Bôi thuốc đúng cách, vừa đủ lượng. Chỉ bôi một lớp mỏng, dàn đều lên bề mặt tổn thương. Nếu bôi quá nhiều thuốc không khiến bệnh mau khỏi hơn mà còn gặp các triệu chứng khó chịu như nóng, rát...
+ Không sát khuẩn bằng dung dịch ôxy già. Việc sát khuẩn bằng oxy già có thể làm tổn thương vết loét sâu hơn, chảy nước nhiều hơn và làm giảm hiệu quả khi bôi thuốc. Do vậy chỉ cần rửa tổn thương bằng nước sạch,dùng khăn sạch thấm khô tổn thương trước khi bôi thuốc.
- Thuốc dùng toàn thân: Có thể dùng fluconazole, itraconazole, ketoconazole hoặc griseofulvin đường uống khi bệnh nặng.
Khi dùng cần lưu ý các vấn đề sau:
+ Các thuốc này chuyển hóa qua gan và thải trừ qua thận, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng ở người già, người suy gan, suy thận.
+ Fluconazole có thể gây một số tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nổi ban đỏ, ngứa ngoài da.
+ Ketoconazole có thể gây buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, đầy hơi, chảy máu đường tiêu hóa, tiêu chảy...
+ Griseofulvin có thể gây tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, nổi ban đỏ ở da.
Lưu ý khi điều trị nước ăn chân: Việc điều trị nước ăn chân không khó, nhưng cần dùng thuốc đúng cách. Ngoài ra không nên đi giày, tất nhiều giờ trong ngày. Không đi giày, tất bị ẩm vì sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển và dễ tái phát.
2. Bệnh ghẻ
Mặc dù bệnh ghẻ hiện nay không còn nhiều như trước đây, nhưng trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes Scabies xâm nhập da, lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp.
Các thuốc thường dùng là:
+ Permethrin 5% với hiệu quả hơn 90% các trường hợp mắc ghẻ người lớn và trẻ em trên 2 tháng tuổi.
+ Benzyl benzoat hàm lượng 25% cho người lớn, hàm lượng 10-12,5% cho trẻ nhỏ trên 1 tuổi.
+ Ivermectin 1%, spinosad 0,9% dùng cho người lớn và trẻ em trên 4 tuổi...
+ Mỡ lưu huỳnh 2-10%, dùng được cho cả người lớn và trẻ em dưới 2 tháng tuổi, có thể dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú do an toàn, không gây độc tuy nhiên thuốc có nhược điểm là gây mùi khó chịu.
Với trường hợp ghẻ có biến chứng bội nhiễm thường do tụ cầu vàng trên da dùng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân tùy từng trường hợp. Bôi corticoid trong trường hợp ngứa, chàm hóa, nếu sẩn cục dai dẳng có thể tiêm corticoid nội tổn thương.
Lưu ý khi bôi thuốc trị ghẻ:
+ Bôi thuốc điều trị vào buổi tối, sau tắm, lau khô người.
+ Bôi thuốc vào tổn thương. Trẻ em có những trường hợp ghẻ bị ở vùng đầu, có thể bôi thuốc cả ở đầu mặt trừ các hốc tự nhiên như mắt, miệng.
+ Cần điều trị cho bệnh nhân và cả gia đình, tập thể vì ghẻ rất dễ lây lan và dễ tái phát.
+ Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cá nhân, giặt/luộc/phơi ngoài trời nắng quần áo, chăn màn, ga gối...
3. Viêm nang lông
Bệnh thường xảy ra do thiếu nước sạch trong sinh hoạt. Đây là điều kiện khiến vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.
Điều trị viêm nang lông bằng cách sử dụng thuốc bôi kết hợp thuốc uống. Mỗi loại thuốc sẽ phù hợp với mỗi nguyên nhân gây bệnh và mức độ của các triệu chứng khác nhau như:
- Các dung dịch sát khuẩn: Có tác dụng làm sạch các tác nhân gây bệnh, hạn chế sự tiến triển của bệnh và tổn thương da. Các dung dịch thông dụng như chlorhexidine 4%, hexamidine 0,1%, povidon - iod 0.1%. Sử dụng 2 - 4 lần/ ngày để mang lại kết quả tốt nhất.
- Thuốc kháng sinh tại chỗ: Có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn còn bám sâu ở nang lông. Thuốc dùng sau khi dùng các dung dịch sát khuẩn giúp cho quá trình điều trị nhanh hơn. Một số thuốc thường dùng như mỡ neomycin, mupirocin, dung dịch bôi clindamycin, erythromycin. Bôi thuốc liên tục trong 7 - 10 ngày để tiêu diệt chúng tận gốc.
- Thuốc đường uống: Một số kháng sinh phổ biến như ciprofloxacin, metronidazol, B - lactam, cephalosporin, amoxicillin... chỉ sử dụng khi bệnh tiến triển nặng dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Trường hợp dùng kháng sinh đường uống không mang lại hiệu quả, cần ngừng thuốc và chuyển sang dùng thuốc bôi chứa benzoyl peroxide. Thuốc này được chỉ định trong trường hợp viêm nang lông ở mặt do sử dụng kháng sinh đường uống trong thời gian dài, có tác dụng sát khuẩn, bong lớp sừng và tróc vảy da.
Trường hợp viêm nang lông do nấm, có thể sử dụng thuốc kháng nấm dạng bôi như: canesten, mycoster, nizoral. Trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng nấm dạng uống.