Thuốc nào điều trị căng cơ quá mức?

Căng cơ quá mức, đau cơ rất thường gặp và do nhiều nguyên nhân gây ra. Tùy nguyên nhân và mức độ đau, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc và các phương pháp điều trị phù hợp...

1. Thuốc giảm đau điều trị căng cơ quá mức

Thuốc có tác dụng giảm đau do căng cơ quá mức, gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Thuốc được sử dụng trong các trường hợp cơn đau cấp tính, trước khi cần sử dụng thuốc chống co thắt cơ.

Thuốc không kê đơn:Các thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc sự kết hợp giữa cả hai.

- Acetaminophen: Được sử dụng trong những trường hợp đau từ nhẹ đến vừa. Khi dùng cần lưu ý về hàm lượng và khoảng cách giữa các liều dùng. Không nên lạm dụng thuốc dùng liều cao hơn so với khuyến cáo. Không dùng thuốc thường xuyên, kéo dài vì nguy cơ gây ngộ độc gan.

- Thuốc NSAID: Gồm naproxen, ibuprofen, aspirin... có tác dụng giảm viêm, giảm đau. Các thuốc nhóm này hoạt động hiệu quả đối với các tình trạng đau cơ do viêm khớp hoặc căng cơ do hoạt động quá độ.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc là gây viêm loét đường tiêu hóa, gây chảy máu... Do đó cần uống thuốc khi no, thậm chí cần uống thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày để ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc.

Căng cơ quá mức, co cơ gây đau và rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra.

Căng cơ quá mức, co cơ gây đau và rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra.

Thuốc kê đơn: Có thể dùng các thuốc nhóm corticoid, nhóm opioids...

- Corticoid: Là thuốc giảm viêm tác dụng nhanh, mạnh, do đó giúp giảm đau do căng cơ quá mức, thường được bác sĩ kê đơn trong trường hợp đau cơ nặng.

Do thuốc có nhiều tác dụng phụ khá nguy hiểm, nên khi dùng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng. Trong quá trình dùng thuốc cần được theo dõi chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các tác dụng phụ.

- Nhóm opioids: Đây là nhóm thuốc giảm đau mạnh, được bác sĩ kê đơn đối với trường hợp đau cơ nghiêm trọng. Tuy thuốc rất hiệu quả giảm đau, nhưng có thể gây nghiện và tác động đến hệ thần kinh và tim mạch. Do đó chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ kê đơn.

2. Thuốc giãn cơ

Nhóm thuốc giãn cơ được chỉ định nhằm giãn cơ bắp và giảm co thắt cơ bắp do căng cơ quá mức gây ra. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp khi cơ căng cứng, bị co thắt một cách đau đớn.

Các thuốc giãn cơ bao gồm:

- Myonal: Có tác dụng giãn cơ và giảm co thắt cơ bắp.

- Cyclobenzaprine: Thuốc được sử dụng để giãn cơ và làm giảm triệu chứng đau do cơ bắp căng thẳng.

- Baclofen: Là thuốc được chỉ định trong điều trị co thắt cơ và giãn cơ trong trường hợp các bệnh lý cơ bắp hoặc tình trạng co thắt.

Việc sử dụng thuốc giãn cơ cần phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo rằng thuốc được sử dụng đúng cách và an toàn cho bệnh nhân.

Tùy mức độ căng cơ, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị hợp lý.

Tùy mức độ căng cơ, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị hợp lý.

3. Biện pháp phòng ngừa căng cơ quá mức

Phòng ngừa căng cơ quá mức cần kết hợp giữa lối sống lành mạnh, các biện pháp tập luyện và quản lý căng thẳng đúng cách.

- Thể dục: Luyện tập đều đặn giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ căng cơ quá mức gây đau. Tuy nhiên, việc luyện tập quá mức hoặc sai cách lại có thể khiến cơ bị căng đột ngột. Do đó cần lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Trước khi tập luyện, cần khởi động cơ bắp kỹ lưỡng để tránh chấn thương cơ.

- Dinh dưỡng: Thực hiện chế độ ăn khoa học, cân đối các nhóm dinh dưỡng. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin nhóm B, magie, kali, protein trong thực đơn hàng ngày.

- Hạn chế stress: Quản lý tâm trạng, hạn chế căng thẳng và lo âu cũng là cách giảm nguy cơ đau cơ do tình trạng tâm lý.

- Nghỉ ngơi: Nếu thấy dấu hiệu đau cơ, lập tức nghỉ ngơi nhằm tránh cơ bị co thắt đột ngột. Đây là biện pháp rất quan trọng. Không cố gắng vận động quá nhiều để tránh gây thêm tổn thương.

- Xoa bóp và chườm ấm: Khi căng cơ kéo dài, sử dụng biện pháp xoa bóp và chườm ấm vùng bị đau có thể giúp cải thiện tình trạng đau cơ.

BS.Phạm Ngọc Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-nao-dieu-tri-cang-co-qua-muc-169240803093403817.htm
Zalo