Thuốc lá thế hệ mới: Mối đe dọa âm thầm đối với sức khỏe thanh thiếu niên

Tình trạng lạm dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi.

Nhiều người dưới 16 tuổi nhập viện do thuốc lá thế hệ mới

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đã đưa ra những con số báo động về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Việt Nam. Theo đó, số lượng người nhập viện do sử dụng các loại thuốc lá này đang tăng nhanh, đặc biệt là ở nhóm tuổi trẻ.

Cụ thể, nhóm dưới 16 tuổi nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là 27 người; nhóm từ 16-18 tuổi là 44 người; từ 19-24 là 58 người; từ 25-44 tuổi là 138 người; từ 45-64 tuổi là 580 người nhập viện; từ 65 tuổi trở lên là 580 người. Tất cả số bệnh nhân này bao gồm cả nam và nữ.

Số lượng người nhập viện do sử dụng các loại thuốc lá này đang tăng nhanh, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi.

Số lượng người nhập viện do sử dụng các loại thuốc lá này đang tăng nhanh, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi.

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam (qua nhiều cách khác nhau) trong gần 10 năm trở lại đây. Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, dù được quảng cáo là sản phẩm thay thế thuốc lá truyền thống, nhưng thực tế lại chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe. Các sản phẩm này có thể chứa nhiều hương liệu, hóa chất độc hại, và thậm chí cả ma túy. Người sử dụng có thể tự ý tăng nồng độ nicotine hoặc thêm các chất gây nghiện khác, khiến việc kiểm soát và phòng ngừa trở nên khó khăn hơn.

Vì vậy, thuốc lá thế hệ mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) có thành phần nicotin sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian. Khi đó, thuốc lá thế hệ mới sẽ đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam – một vấn đề đã và đang gây gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ở nước ta cho thấy, nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành ở nước ta giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023).

Tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên cũng giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019; nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014) xuống còn 1,9% năm 2022.

Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt là trong giới trẻ đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS) cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3%; sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%); 45 - 64 tuổi (1,4%).

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 cũng tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3% năm 2023.

Nguy cơ từ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng - Cần hành động quyết liệt

Tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trên thế giới và Việt Nam đang trở nên báo động. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày càng nhiều quốc gia nhận ra tác hại khôn lường của các sản phẩm này và đã ban hành lệnh cấm hoặc đưa vào diện quản lý chặt chẽ. Tại Việt Nam, mặc dù đã có những nỗ lực trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá truyền thống, nhưng việc quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện cao, đặc biệt là đối với giới trẻ. Nicotine trong các sản phẩm này có thể gây tổn thương não, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ ở thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, việc tự ý pha chế tinh dầu cho thuốc lá điện tử với các chất hóa học khác nhau còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường đối với sức khỏe.

Việc điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tốn kém và gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế. TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trước tình hình trên, các chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra nhiều khuyến cáo và giải pháp. Bộ Y tế đang tích cực nghiên cứu và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới.

Trong đó, các biện pháp cần thiết như theo đuổi mục tiêu cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới. Bổ sung các quy định cụ thể về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm này, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn việc buôn lậu và bán trôi nổi các sản phẩm này. Cung cấp các dịch vụ cai nghiện và hỗ trợ tâm lý cho những người đã nghiện.

Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Việc ban hành các quy định cấm và các biện pháp quản lý chặt chẽ là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuoc-la-the-he-moi-moi-de-doa-am-tham-doi-voi-suc-khoe-thanh-thieu-nien-346389.html
Zalo