Thuốc giả, thực phẩm bẩn: Không thể để 'có luật mà vẫn lọt tội'

Bộ Y tế yêu cầu rà soát thể chế, tăng nặng chế tài và nâng cao vai trò giám sát của chính quyền địa phương

Ngày 7-5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực dược và an toàn thực phẩm.

Hiểm họa khôn lường

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến sữa, thực phẩm chức năng và thuốc giả. Những hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, ngày càng tinh vi và dễ dàng len lỏi vào các khâu phân phối.

Ông Tuyên cũng cho biết lĩnh vực này đã có Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật... Tuy nhiên, các vụ vi phạm vẫn tiếp diễn, cho thấy lỗ hổng trong việc thực thi. Vì vậy, ông đề nghị cần rà soát và đánh giá để xác định việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý.

Về thuốc giả, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết thuốc giả hiện chủ yếu rơi vào nhóm kháng sinh, thuốc điều trị hô hấp, tiêu hóa, xương khớp. Mỗi năm, Bộ Y tế đều triển khai các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc; riêng năm 2024 đã thành lập 170 đoàn kiểm tra trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, dược liệu và y học cổ truyền. Kết quả là 46 quyết định xử phạt hành chính được ban hành với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, tình trạng thuốc giả vẫn khó kiểm soát do người dân quá tin tưởng cơ sở bán lẻ, trong khi nhiều hành vi vi phạm chưa được xử lý nghiêm. Nhiều cơ sở kinh doanh thuốc không có hóa đơn, chứng từ, nhưng khi kiểm tra lại giấu hàng nên khó thu thập mẫu để kiểm nghiệm. Ông Hùng cho biết mặc dù pháp luật có quy định xử lý thuốc giả, nhưng mức phạt hiện hành còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận chế tài hiện nay còn yếu, chủ yếu xử lý theo giá trị hàng hóa, chưa phản ánh đúng mức độ nguy hại. Ông đề xuất cần có quy định và chế tài riêng đối với hàng giả trong lĩnh vực y tế vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Một số hành vi đang xử lý hành chính có thể xem xét chuyển sang xử lý hình sự.

Trong khi đó, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng đang gia tăng. Các sản phẩm bị làm giả chủ yếu là sữa bột, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gia vị, với thủ đoạn tinh vi, khó phân biệt với hàng thật. Nhiều sản phẩm được bán qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, gây khó khăn trong kiểm soát. Từ năm 2020-2024, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm, nhiều vụ có dấu hiệu hình sự. Trong những tháng đầu năm 2025, công an phát hiện, khởi tố loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng mì chính, hạt nêm, dầu ăn... gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân chủ yếu là lợi nhuận cao, thủ đoạn tinh vi, người tiêu dùng thiếu nhận thức, trong khi hệ thống giám sát còn lỏng lẻo.

Công an Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi Ảnh: Công an Thanh Hóa

Công an Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi Ảnh: Công an Thanh Hóa

Cần một đầu mối thống nhất

Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cũng thừa nhận công tác xử lý cơ sở vi phạm gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến nhiều tỉnh thành. Bên cạnh đó, ông chỉ ra vướng mắc trong việc xác định chủ thể vi phạm trên môi trường điện tử, nhất là các hành vi quảng cáo sai sự thật. Việc xử phạt quảng cáo sai không thuộc thẩm quyền của sở.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung thể chế để tránh tình trạng "có luật mà vẫn lọt tội". Ông nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, nhằm giúp người dân an tâm sử dụng thực phẩm, thuốc, sữa với giá cả hợp lý và bảo đảm an toàn.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện còn phân tán, thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan, ảnh hưởng đến hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm. Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, đề xuất cần có một đầu mối thống nhất, đồng thời rà soát toàn diện để xây dựng hệ thống văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn.

Một bất cập được nêu là việc sản phẩm đăng ký tại một nơi nhưng lại sản xuất ở nơi khác, gây khó khăn trong quản lý. Bà Nguyệt cho rằng cần sửa đổi quy định về sữa bột, vì sữa thực vật và sữa động vật có đặc điểm khác nhau. Cũng cần xây dựng danh mục thực phẩm cấm để bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng. Hiện hệ thống hậu kiểm chủ yếu do các tỉnh thực hiện, nhưng kiểm tra thường được báo trước và chỉ tập trung vào điều kiện cơ sở, chưa kiểm tra chất lượng sản phẩm hay chỉ tiêu công bố. Vì vậy, cần tăng cường kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất. Mức xử phạt hành chính trong quản lý thực phẩm chức năng cũng cần được nâng cao, xử phạt thật nặng để tạo sức răn đe.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện thể chế và nhấn mạnh vai trò giám sát của địa phương trong phát hiện, ngăn chặn vi phạm. Ông cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các địa phương khi để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng. "Phân cấp, phân quyền đã rõ. Trách nhiệm của các bộ, UBND tỉnh, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, buôn bán, lưu thông thuốc và thực phẩm chức năng đã được quy định. Vấn đề nằm ở ý thức của nhà sản xuất, người dân và đặc biệt là nhà quản lý" - ông Tuyên nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương và bộ, ngành tăng cường kiểm tra đột xuất, siết chặt hoạt động kinh doanh trực tuyến. "Nếu chỉ kiểm tra báo trước, định kỳ, thì ở đâu cũng tốt". Ông Tuyên yêu cầu các địa phương triển khai đợt cao điểm trong tháng 5 để đấu tranh phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Kế hoạch phải đi vào thực tế, không chỉ nằm trên giấy. Kết quả phải gửi về bộ trước ngày 10-6.

Bộ Y tế kêu gọi các nhà khoa học không quảng cáo sai quy định. Đồng thời, thu hồi thuốc giả, truy tìm nơi sản xuất, kinh doanh để xử lý hình sự và siết chặt quản lý bán thuốc trực tuyến.

NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuoc-gia-thuc-pham-ban-khong-the-de-co-luat-ma-van-lot-toi-196250507204416914.htm
Zalo