Thuốc giả nguy hại ra sao?
Vấn nạn thuốc giả không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn là mối nguy hại trực tiếp tới con người, làm xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Thuốc kê đơn - loại dược phẩm yêu cầu chỉ định nghiêm ngặt từ bác sĩ, đang bị làm giả ngày càng tinh vi tại Việt Nam. Vấn nạn này không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, gây tổn thất cho hệ thống y tế, làm suy yếu doanh nghiệp chân chính và xói mòn niềm tin vào toàn bộ hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Theo Luật Dược 2016, thuốc giả là sản phẩm không chứa hoạt chất, sai hoạt chất, sai liều lượng hoặc giả mạo nhà sản xuất. Khác với thuốc kém chất lượng, vốn là thuốc được cấp phép nhưng không đạt chuẩn, thuốc giả mang bản chất lừa đảo, gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều lần.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp thuốc giả vào danh sách "vũ khí giết người thầm lặng", đặc biệt nguy hiểm tại những quốc gia có hệ thống quản lý lỏng lẻo. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này.
Đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng
Tác động đầu tiên của thuốc giả là thất bại trong điều trị. Với các bệnh lý nặng như nhiễm khuẩn, tim mạch, ung thư…, việc sử dụng thuốc giả đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội sống sót. Một số loại còn chứa tạp chất độc hại, gây ngộ độc, tổn thương gan, thận, hệ tim mạch, thậm chí phản ứng phản vệ dẫn đến tử vong.
Không ít thuốc giả được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, đặc biệt là dạng tiêm hoặc vaccine, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng toàn thân. Nhiều vụ việc khiến người bệnh tử vong, các đối tượng liên quan bị truy tố với mức án cao nhất - tử hình.
Nguy cơ không chỉ dừng ở từng cá nhân. Khi thuốc kháng sinh bị làm giả, vi khuẩn không bị tiêu diệt triệt để, dẫn đến kháng thuốc - thảm họa y tế toàn cầu. Điều này khiến người bệnh phải điều trị lại, tốn thêm chi phí, thời gian và nguồn lực y tế.

Số thuốc giả bị thu giữ. (Ảnh: Công an Thanh Hóa)
Doanh nghiệp, y tế và quốc gia cùng tổn thất
Với các doanh nghiệp dược chân chính, thuốc giả gây mất thị phần và doanh thu, làm tổn hại uy tín thương hiệu. Nhiều đơn vị phải tăng chi phí vào bao bì chống giả, kiểm nghiệm và giám sát thị trường.
Hệ thống y tế cũng chịu áp lực lớn: chi phí điều trị biến chứng tăng, giường bệnh và nhân lực bị lãng phí, trong khi các cơ quan chức năng phải dành thêm nguồn lực cho kiểm tra, điều tra và xử lý vi phạm.
Trên tầm vĩ mô, nền kinh tế bị ảnh hưởng do thất thu thuế, môi trường đầu tư bị suy yếu, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm – nơi quyền sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ chặt chẽ. Lợi nhuận từ thuốc giả còn có thể được tái đầu tư vào các hoạt động phi pháp, gây bất ổn xã hội.
Tổn thất vật chất có thể đo đếm, nhưng mất mát lớn nhất là sự xói mòn uy tín quốc gia và niềm tin xã hội – những giá trị không dễ gì khôi phục.
Thuốc giả tràn lan và khủng hoảng niêm tin
Khi thuốc giả tràn lan, người dân bắt đầu nghi ngờ chất lượng thuốc, kể cả khi thuốc được kê bởi bác sĩ. Hệ thống nhà thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc tư nhân và kênh bán trực tuyến, bị hoài nghi. Bác sĩ, dược sĩ cũng phải đối mặt với ánh nhìn dè chừng từ bệnh nhân, với lo ngại họ thiếu trách nhiệm hoặc thông đồng với các đường dây buôn thuốc giả.
Không ít vụ việc, như vụ VN Pharma, khiến dư luận dậy sóng, đặt dấu hỏi về sự minh bạch trong quản lý của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. Niềm tin bị tổn hại khiến người dân tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc tìm đến các phương pháp điều trị không chính thống, làm gia tăng nguy cơ biến chứng và giảm hiệu quả y tế cộng đồng.
Pháp luật chưa đủ răn đe
Việt Nam có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để xử lý thuốc giả. Luật Dược 2016 cấm tuyệt đối kinh doanh thuốc giả, thuốc không phép, thuốc không theo đơn. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định mức án từ 2 năm tù đến tử hình với cá nhân vi phạm; pháp nhân có thể bị phạt đến 20 tỷ đồng, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Thời gian qua, tình trạng thuốc giả vẫn tồn tại, đặc biệt trên không gian mạng. Điều này cho thấy lỗ hổng không nằm ở luật thiếu, mà ở khâu thực thi: năng lực phát hiện vi phạm còn yếu, thiếu sự phối hợp liên ngành và thiếu minh bạch trong quá trình xử lý.
Minh bạch hóa để tránh lỗ hổng
Giải pháp đầu tiên là siết chặt quản lý kê đơn và bán thuốc, đặc biệt qua kênh trực tuyến. Các quy trình cấp phép, quản lý giá thuốc cần được công khai, minh bạch để tránh lỗ hổng.
Cần nâng cao năng lực thực thi bằng cách đào tạo lực lượng chức năng, tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế. Các vụ việc nghiêm trọng phải được xử lý nghiêm minh và công khai để tạo hiệu ứng răn đe.
Công nghệ có thể là vũ khí hữu hiệu: Ứng dụng blockchain, QR code, truy xuất nguồn gốc, trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu thị trường… sẽ giúp phát hiện thuốc giả hiệu quả hơn. Một cơ sở dữ liệu quốc gia về thuốc lưu hành cũng rất cần thiết để người dân tra cứu.
Bác sĩ, dược sĩ là “hàng rào đầu tiên” giúp phát hiện thuốc giả và hướng dẫn bệnh nhân. Song song, truyền thông và tổ chức cộng đồng cần tuyên truyền, khuyến khích người dân kiểm tra, phản ánh, tố giác. Kênh tiếp nhận thông tin cần minh bạch, dễ tiếp cận, phản hồi kịp thời. Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam cần tích cực tham gia mạng lưới chống thuốc giả, chia sẻ cảnh báo và đồng bộ tiêu chuẩn kiểm định.