Thuốc đắng dã tật
Chỉ một ngày nữa, khi chúng ta rộn ràng đón chào năm mới 2025, đó cũng là thời điểm mức phạt vi phạm giao thông theo nghị định mới có hiệu lực. Mức phạt sẽ rất cao so với trước, một số vi phạm sẽ bị phạt mức gấp 20 - 30 lần.
Chẳng hạn, người lái ô tô vượt đèn đỏ có mức phạt từ 18 – 20 triệu đồng, gấp khoảng 5 lần so với mức cũ (4 - 6 triệu đồng). Lỗi này, với xe máy cũng tăng từ 800.000 đồng – 1 triệu đồng lên 4 - 6 triệu đồng. Tương tự, lỗi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cũng tương ứng.
Lỗi quay đầu, lùi xe trên cao tốc có mức phạt từ gấp đôi đến 2,5 lần: từ 16 – 18 triệu đồng lên 30 – 40 triệu đồng. Lỗi không chằng buộc hàng hóa có mức phạt tăng rất cao, gấp 27 – 30 lần, từ 600.000 – 800.000 đồng lên 18 - 22 triệu đồng.
Xung quanh mức phạt này, dù phần lớn đều cho rằng cần phải chấp hành nhưng vẫn còn một số ý kiến qua lại.
Có luồng ý kiến cho rằng, mức phạt trên là quá cao đối với người có thu nhập thấp; rằng rất rủi ro cho những người hành nghề vận tải. Từ đó, theo luồng ý kiến này: mức phạt trên có thể gây khó cho người dân (nghèo). Đáng lưu ý là các doanh nghiệp vận tải bày tỏ lo ngại "mức phạt cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh" (?).
Luồng ý kiến khác, chiếm số đông và mạnh mẽ, ủng hộ mức phạt mới. Luồng ý kiến này xác lập trên nguyên tắc: ý thức tuân thủ pháp luật giao thông trong cộng đồng còn kém, mức phạt chưa đủ sức răn đe, từ đó làm giảm đi hiệu lực thực thi pháp luật giao thông (ở phía người lưu thông), gây ra tai nạn, ảnh hưởng đến an toàn xã hội.
Do đó, phải có mức phạt cao đủ sức răn đe, làm thay đổi hành vi giao thông của một bộ phận công dân ý thức còn kém.
Thiết nghĩ, lập luận "mức phạt quá cao đối với người có thu nhập thấp", "rủi ro cho người hành nghề vận tải" hoặc "ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải" là những lập luận thiếu cơ sở, chưa thấu tình đạt lý. Thậm chí, còn có hơi hướng đưa người nghèo, người yếu thế ra làm bình phong.
Bất kỳ ai, bất kỳ dịch vụ kinh doanh nào cũng không được xâm phạm lợi ích và sự an toàn của cộng đồng, đặc biệt là an toàn về tính mạng.
Thống kê sơ bộ cho thấy, 11 tháng của năm 2024, cả nước có gần 21.700 vụ tai nạn giao thông với trên 10.000 người thiệt mạng, tức khoảng 30 người chết/ngày. Nguyên nhân lại phần lớn xuất phát từ ý thức của người lái xe.
Không có mức phạt nào được coi là cao hay thấp so với sinh mạng con người. Là những người hành nghề vận tải hoặc doanh nghiệp vận tải lại càng phải có ý thức thường trực tuân thủ pháp luật, không thể nại rằng đó là áp lực.
Mặt khác, hiểu một cách nào đó, cách lập luận cho rằng người nghèo, người hành nghề vận tải "phải chịu áp lực" với mức phạt vi phạm giao thông cao là một cách tổn thương họ. Không lẽ đó là giới có ý thức, hành vi giao thông kém trong xã hội?
Đặc trưng giao thông ở Việt Nam là mỗi ngày gần như ai cũng ra đường bằng xe cá nhân. Ở một quốc gia 100 triệu dân mà ai cũng dùng xe cá nhân, cộng với phương tiện công cộng chưa phát triển, đủ thấy vấn đề giao thông rất phức tạp.
Sự phức tạp đó cộng hưởng với ý thức tuân thủ pháp luật còn kém ở một bộ phận không nhỏ người lưu thông càng làm tăng nguy cơ TNGT chết người, tàn phế, làm nặng thêm chi phí xã hội.
Cho nên, mức phạt mới được áp dụng từ đầu năm mới 2025 là cần thiết để xây dựng, thiết lập ý thức tuân thủ pháp luật giao thông.
Dĩ nhiên, mức phạt vi phạm giao thông cao ngay tức thì sẽ chỉ hạn chế những hành vi vi phạm, chưa thể chấm dứt ngay. Nhưng "thuốc đắng dã tật", "mưa dầm thấm đất": những biện pháp mạnh được thực thi bền bỉ sẽ đem lại kết quả bền vững, lâu dài.
Việc tạo dựng nền tảng văn hóa giao thông có ý thức chắc chắn sẽ giúp giảm bớt đi những vụ tai nạn thương tâm, giảm bớt đi số người sáng ra đường nhưng chiều không thể trở về nhà.