Thuế, xung đột địa chính trị có 'thổi bùng' giá gạo?

Thông tin về chính sách thuế mới của quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ cùng với xung đột chính trị của các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới liệu có 'thổi bùng' giá gạo thời gian tới hay không?

Thông tin Ấn Độ áp thuế 20% một số loại gạo, áp dụng từ 1-5 chưa tạo ra tác động đáng kể với ngành lương thực thế giới. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin Ấn Độ áp thuế 20% một số loại gạo, áp dụng từ 1-5 chưa tạo ra tác động đáng kể với ngành lương thực thế giới. Ảnh: Trung Chánh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) vừa công bố báo cáo cung cầu ngũ cốc mới nhất (tháng 4-2025) để cung cấp cập nhật thị trường ngũ cốc thế giới, bao gồm gạo, cho thấy thương mại gạo toàn cầu năm 2025 (từ tháng 1 đến tháng 12) đạt 60 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm ngoái. Dự báo này cho thấy nhu cầu gạo của các quốc gia nhập khẩu nhìn chung được giữ ổn định trong năm nay.

Thị trường phản ứng ra sao khi Ấn Độ áp thuế?

Điểm đáng chú ý ở nhóm ngành lương thực khi gần đây xuất hiện thông tin Ấn Độ áp 20% thuế xuất khẩu đối với một số loại gạo, nhưng thông tin này vẫn chưa được Chính phủ xác nhận. Tuy nhiên, thị trường gạo thế giới phản ứng ra sao trước tin tức này, bao gồm nguồn cung từ Việt Nam?

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) trích dẫn một số nguồn tin quốc tế, cho biết Ấn Độ áp 20% thuế xuất khẩu đối với gạo đồ; gạo có gắn nhãn chỉ dẫn địa lý (GI) và một số loại gạo xay xát, áp dụng từ ngày 1-5-2025. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ chưa xác nhận việc áp thuế 20%, mà chỉ đề cập đến những thay đổi kỹ thuật trong mã HS (Harmonized System)

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Ngành hàng lương thực Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết chưa thấy xác nhận áp thuế từ Chính phủ Ấn Độ. Thông tin này (Ấn Độ áp thuế) thường gây tâm lý lo ngại gạo tăng giá, nhưng phản ứng thị trường hiện chưa thấy có đột biến.

Ông Thành cũng cho biết thêm, quy trình gạo thông thường là lúa sau khi mua về sẽ sấy khô, xay xát và lau bóng, trong khi với gạo đồ (loại gạo được cho là Ấn Độ áp thuế), lúa sau khi thu mua sẽ qua công đoạn hấp, sau đó sấy khô và thực hiện những công đoạn tiếp theo giống như quy trình gạo thông thường.

Gạo đồ có ưu điểm là tỷ lệ thu hồi cao hơn so với gạo quy trình thông thường, nhưng cơm hơi vàng vì hút nước và sấy khô lại. Chủ yếu là tỷ lệ thu hồi (thành phẩm) cao, nhưng về mặt chất lượng cơm không bằng gạo trắng nên giá cũng thấp hơn rất nhiều so với gạo trắng cùng loại. Được biết, gạo đồ của Ấn Độ có chất lượng nằm ở phân khúc dưới trung bình đến thấp.

Chính đặc điểm nêu trên nên thông tin thuế mới của Ấn Độ chưa gây ra những tác động đáng kể nào đối với thị trường gạo thế giới, bao gồm Việt Nam.

Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán ở mức 398-402 đô la/tấn, tăng nhẹ khoảng 3 đô la Mỹ/tấn so với mức giá ở thời điểm cuối tháng 4-2025, trong khi gạo 25% tấm vẫn giữ ổn định ở mức 368-372 đô la/tấn; Thái Lan hiện chào bán gạo 5% tấm ở mức 410-414 đô la/tấn, tăng 5 đô la/tấn so với cuối tháng 4-2025, loại 25% tấm cũng tăng 5 đô la/tấn, hiện đạt mức 385-389 đô la/tấn.

Còn đối với Ấn Độ, mức giá được chào bán với gạo 5% và 25% tấm lần lượt ở mức 380-384 và 365-369 đô la/tấn, không có sự thay đổi so với thời điểm trước khi xuất hiện thông tin áp thuế cách đây không lâu.

Tuy nhiên, bình quân giá chào bán gạo trắng xuất khẩu của ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện nay là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều ở mức thấp nhất trong hai năm gần đây và so với cùng kỳ năm ngoái thấp hơn khoảng trên dưới 200 đô la/tấn.

Giá gạo sẽ đi theo hướng nào giữa bối cảnh xung đột Ấn Độ- Pakistan. Ảnh: Trung Chánh

Giá gạo sẽ đi theo hướng nào giữa bối cảnh xung đột Ấn Độ- Pakistan. Ảnh: Trung Chánh

“Kịch bản” nào cho giá gạo giữa xung đột Ấn Độ- Pakistan?

Ở thời điểm hiện tại, thị trường gạo thế giới, bao gồm ở Việt Nam chưa ghi nhận biến động mạnh về giá. Thế nhưng, liệu từ đây đến cuối năm “cơn sốt gạo” có xảy ra hay không khi hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn là Ấn Độ và Pakistan đang xảy ra xung đột.

Ông Thành của Angimex, đánh giá xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan đang là tâm điểm chú ý của các quốc gia nhập khẩu lẫn xuất khẩu gạo hiện nay. Bởi lẽ, xung đột sẽ ảnh hưởng đến vấn đề vận tải, xuất khẩu, cả chi phí bảo hiểm cũng tăng. “Những rủi ro đó, khiến các quốc gia nhập khẩu cũng lo sợ, dẫn đến tăng cường mua lương thực để dự trữ”, ông cho biết.

Cùng quan điểm, trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Vạn Lợi, cho rằng diễn biến thị trường lúa gạo sắp tới phụ thuộc lớn vào xung đột Ấn Độ- Pakistan. Nếu xu hướng căng thẳng giữa hai quốc gia này leo thang sẽ khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao và ngược lại. “Ở thời điểm hiện tại chưa thể đưa ra đánh giá chính xác. Nhưng dự báo của chúng tôi xu hướng tăng sẽ chiếm ưu thế”, ông Phong nói.

Rõ ràng, nếu “kịch bản” xung đột Ấn Độ- Pakistan tăng cao, với vị thế là hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn chắc chắn sẽ tạo ra những gián đoạn trong thương mại. Trong khi đó, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu sẽ tăng dự trữ, tức nhu cầu sẽ tăng nhằm phòng ngừa rủi ro. Khi đó, kịch bản giá lương thực tăng sẽ sẽ xảy ra.

Còn ở thời điểm hiện tại, cả bên xuất khẩu lẫn nhập khẩu vẫn đang quan sát diễn biến cuộc chiến của Ấn Độ và Pakistan để đưa ra những quyết định. Dĩ nhiên, thị trường gạo thế giới cũng sẽ đi theo xu hướng này.

Theo thừa nhận của ông Thành, thông tin xung đột sẽ kéo giá lương thực đi lên, nhưng ở thời điểm hiện tại đơn vị này vẫn đang theo dõi, đánh giá tình hình. “Khả năng phải 1,5 tháng nữa mới đánh giá được, bởi cần xem thêm diễn biến vấn đề xung đột Ấn Độ- Pakistan”, ông cho biết.

Số liệu báo cáo sơ bộ của Cục Hải quan (Bộ Tài Chính), cho thấy trong tháng 4-2025 xuất khẩu gạo cả nước đạt 1,119 triệu tấn, trị giá đạt trên 560 triệu đô la Mỹ, lần lượt tăng 3,7% về lượng và 5,6% về giá trị so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt trên 3,427 triệu tấn, trị giá đạt 1,765 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 13,3% so với cùng kỳ.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thue-xung-dot-dia-chinh-tri-co-thoi-bung-gia-gao/
Zalo