Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Chuyên gia cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có cồn rất khác nhau giữa các quốc gia. Theo đó, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để áp dụng một cách hài hòa, hợp lý, phù hợp với Việt Nam.

Thuế TTĐB trên thế giới, nhìn chung nhằm vào các sản phẩm được cho là có hại cho sức khỏe, môi trường hoặc các sản phẩm, dịch vụ xa xỉ… Thuế này không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn định hướng sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cách đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn cũng rất khác nhau ở các quốc gia, tùy thuộc rất nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội, thu nhập người dân, các chính sách quản lý, độ tuổi cho phép uống rượu bia, thuế nhập khẩu, các sản phẩm phi chính thức…

Sắc thuế này có thể được tính theo thể tích (đơn vị), tức là áp dụng dưới hình thức một khoản tiền áp dụng cho một khối lượng đồ uống nhất định, hoặc tính theo theo nồng độ cồn (áp dụng dưới hình thức một lượng tiền được áp dụng tương ứng với nồng độ cồn trong đồ uống, trên mỗi lít rượu nguyên chất). Ngoài ra còn có thể tính theo giá trị (tỷ lệ %), tức là tính trên giá mà nhà sản xuất bán ra… hoặc kết hợp các phương pháp trên.

Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tăng thuế cao đối với rượu bia

Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tăng thuế cao đối với rượu bia

Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) mới nhất điều chỉnh tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình tăng liên tục hằng năm cho đến năm 2030, với 2 phương án đang lấy ý kiến.

Phương án 1: Năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025. Phương án 2: Năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025.

Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ 2.

Đáng chú ý, trong vòng 4 năm tiếp theo, trong cả hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước. Đến năm 2030, thuế suất TTĐB với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90 - 100% (cao hơn hiện hành 25 - 35%) rượu dưới 20 độ lên mức 60 - 70% (cao hơn hiện hành (25 - 35%).

Bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện quốc gia, Hội đồng kinh doanh Mỹ - Việt Nam cho rằng tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà các quốc gia lựa chọn phù hợp, dễ áp dụng, hiệu quả, đạt được mục tiêu.

Dẫn ví dụ từ Anh, bà Lâm cho hay khi chính phủ Anh bắt đầu tăng thuế vào đầu năm 2023 – tăng 10,1%, thấp hơn nhiều so với mức mà dự thảo luật thuế TTĐB ở Việt Nam hiện đề xuất – nước này đã chứng kiến lạm phát gia tăng và doanh số bán rượu mạnh giảm 20%.

Bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện quốc gia, Hội đồng kinh doanh Mỹ - Việt Nam

Bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện quốc gia, Hội đồng kinh doanh Mỹ - Việt Nam

Tương ứng, doanh thu thuế từ việc bán rượu mạnh đã giảm 108 triệu bảng Anh từ tháng 8 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024. Sau cùng, chính phủ đã đình chỉ tăng thuế vào cuối năm 2023 để đối phó với việc giảm doanh thu từ thuế đồ uống có cồn và áp lực chi phí sinh hoạt.

Ngoài ra, Malaysia cũng đã từng trải qua cú sốc thuế vào giai đoạn năm 2014 - 2015 khi quốc gia này liên tiếp tăng thuế TTĐB. Việc tăng thuế cao và đột ngột như ở Malaysia đã không hỗ trợ chính phủ Malaysia đạt được mục tiêu của họ, thay vào đó, đã tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường, làm mất nguồn thu của chính phủ, nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc làm.

Còn ở Australia, năm 2023, Chính phủ Úc đưa ra dự toán rằng họ phải đối mặt với khoản thâm hụt 114 triệu đô la Mỹ do thuế rượu tăng. Thuế TTĐB đối với rượu ở đây không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn góp phần gia tăng lạm phát và áp lực từ chi phí sinh hoạt.

Với Trung Quốc, theo bà Lâm, thuế nhập khẩu đồ uống có cồn đã dần được cắt giảm tiến tới xóa bỏ theo các FTAs. Hiện tại, Trung Quốc áp dụng Thuế TTĐB ở mức thấp từ 10%-25% tùy loại. Bia đang chịu thuế RMB 220/tấn.

Việc tiêu thụ rượu bất hợp pháp chiếm khoảng 25% Thực tế này cho thấy, chính sách thuế hợp lý vừa giúp ổn định nguồn thu ngân sách, vừa giảm đồ uống có cồn bất hợp pháp.

Bà Lâm đánh giá Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng kể trong chính sách kiểm soát đồ uống có cồn giai đoạn 1990-2019. Thuế đồ uống có cồn từ lâu đã là nguồn thu quan trọng của chính phủ Trung Quốc.

Năm 2017, khoảng 30 tỉ nhân dân tệ (khoảng 4,5 tỉ USD) thuế tiêu thụ đã được thu từ ngành công nghiệp rượu, khiến ngành này trở thành ngành đóng góp lớn thứ tư vào tổng doanh thu thuế tiêu dùng năm đó.

Có những quốc gia cắt giảm thuế với đồ uống có cồn để kích thích du lịch

Có những quốc gia cắt giảm thuế với đồ uống có cồn để kích thích du lịch

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan thông báo cắt giảm thuế đối với các mặt hàng đồ uống có cồn cùng địa điểm giải trí nhằm thúc đẩy ngành du lịch.

Cụ thể, Nội các Thái Lan đưa ra một loạt biện pháp tăng cường tiêu dùng liên quan đến du lịch thông qua các chính sách liên quan đến rượu, bao gồm: sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như đơn giản hóa thuế đối với rượu vang (dự kiến chuyển sang thuế tuyệt đối); sửa đổi thuế nhập khẩu theo hướng giảm thuế rượu vang xuống 0%; và giảm một nửa thuế giải trí.

Do đó, bà Lâm cho rằng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn rất khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Việc tăng thuế sẽ làm tăng thêm khoảng cách lợi ích giữa sản phẩm chính thức và bất hợp pháp, từ đó tạo động lực buôn lậu phát triển.

Theo đó, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để để áp dụng một cách hài hòa, hợp lý phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam.

“Cần đánh giá toàn diện các tác động đối với đối tượng trực tiếp và các đối tượng gián tiếp, kinh tế, xã hội để tránh những ảnh hưởng tiêu cực, lan tỏa, không mong muốn hoặc thậm chí tác dụng ngược; cân nhắc việc tăng thuế cao gây sốc thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, kinh tế, xã hội”, bà Lâm nói.

Ngoài ra, bên cạnh công cụ thuế cần đi kèm các công cụ khác như tăng cường chống buôn lậu, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-con-nhin-tu-kinh-nghiem-quoc-te-222679.html
Zalo