Thuế tiêu thụ đặc biệt cần được đánh giá tác động một cách toàn diện

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Đối với ngành đồ uống, các đối tượng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, làm dịch vụ thuộc diện chịu tác động trực tiếp trước để xuất tăng thuế suất theo lộ trình liên tục hàng năm đến năm 2030.

Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Để tiếp tục ghi nhận và phản ánh các ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, các đối tượng chịu tác động trực tiếp, gián tiếp và đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật, ngày 8/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thời điểm hiện nay, bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều rủi ro, bất định và đều tác động khá mạnh đến nền kinh tế Việt Nam vốn là nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng.

Theo đó, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam giai đoạn 2020-2024 ghi nhận sự phục hồi không đồng đều; hành vi tiêu dùng, lối sống thay đổi; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).

Theo ông Lực, tác động từ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có thể làm tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam", ông Lực đề nghị.

Lần sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gần nhất là vào năm 2014, theo đó thuế suất các sản phẩm đồ uống có cồn đã tăng liên tục trong 3 năm 2016-2018.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.

Bà Cúc cho rằng, cần cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự Luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng; xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn.

"Ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì hằng năm. Khi có chính sách hợp lý thì sẽ hài hòa hơn các mục tiêu đặt ra của thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này", bà Cúc nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích, việc đánh thuế cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không để người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp, nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng. Theo ông Long, với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế.

Vì vậy, ông Long cho rằng, cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam, tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngành đồ uống lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).

Ngành đồ uống lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).

Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, chuyên gia Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện Quốc gia, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam cho biết, cũng giống như các quốc gia trên thế giới, sắc thế này không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách (đóng góp trung bình khoảng 1-3% vào GDP), giúp đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn định hướng sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bà Lâm cho hay, đồ uống có cồn trên thế giới được đánh thuế theo các phương pháp khác nhau, khi so sách thuế tiêu thụ đặc biệt ở các quốc gia trên thế giới có thể thấy việc so sánh mức thuế cao hay thấp giữa các quốc gia là rất khó, tỉ trọng trên giá bán lẻ lại còn khó hơn vì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn rất khác nhau ở các quốc gia, tùy thuộc rất nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, thu nhập người dân, các chính sách quản lý, độ tuổi cho phép uống rượu bia, thuế nhập khẩu, các sản phẩm phi chính thức. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà các quốc gia lựa chọn phù hợp, dễ áp dụng, hiệu quả, đạt được mục tiêu.

Vì vậy, bà Lâm cho rằng, một trong những yếu tố cần lưu ý khi tăng thuế là tình trạng rượu bia bất hợp pháp trên thế giới, khu vực và các nước gần với Việt Nam đã gây thất thu ngân sách, rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hợp pháp, làm tăng nguy cơ gia tăng sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Để chủ trương, chính sách của Chính phủ về bảo vệ sức khỏe người dân đạt hiệu quả như mong muốn, các chuyên gia kinh tế cũng đồng thuận bên cạnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, cần tiến hành đồng bộ khác cùng với Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần có các biện pháp quyết liệt chống hàng nhập lậu.

Bên cạnh đó, cần đưa vào diện quản lý nộp thuế tiêu thụ đặc biệt rượu trong dân, sản xuất rượu không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo chất lượng gây ngộ độc, chết người, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân và trật tự, an ninh xã hội.

Hà An

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thue-tieu-thu-dac-biet-can-duoc-danh-gia-tac-dong-mot-cach-toan-dien-154433.html
Zalo